Tổng Thư ký LHQ, WB, IMF, WFP, WTO bày tỏ lo ngại và lên tiếng cảnh báo về tình trạng khủng hoảng lương thực do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine.
Ngày 13/4, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres lên tiếng cảnh báo hiện các nước nghèo đang cùng lúc phải đối mặt với khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính do tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng có nguyên nhân từ cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo ông Guterres, Nga và Ukraine đều là các nước sản xuất ngũ cốc lớn, chiếm tới 1/3 tổng lượng xuất khẩu ngũ cốc toàn cầu. Chính vì vậy, khi giá hàng hóa tăng vọt thì các nước dựa vào nhập khẩu phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Hiện có tới 36 quốc gia phụ thuộc vào nguồn lúa mì nhập khẩu từ Nga và Ukraine, trong đó có những nước ở trong danh sách các quốc gia nghèo và dễ tổn thương nhất.
Cùng ngày, lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ (WFP) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã ra tuyên bố chung kêu gọi hành động phối hợp để giúp các nước dễ bị tổn thương giải quyết các mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh lương thực.
Tuyên bố chung trước Hội nghị mùa Xuân của IMF và Nhóm Ngân hàng Thế giới vào tuần tới nhấn mạnh giá các mặt hàng chủ lực ngày càng cao, trong khi việc thiếu nguồn cung đang gia tăng áp lực lên các hộ gia đình trên toàn thế giới và đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo đói. Các quốc gia nghèo nhất đối mặt nguy cơ lớn nhất do nhập khẩu thực phẩm chiếm tỉ trọng lớn trong tiêu dùng. Cùng với đó, mức độ dễ bị tổn thương của các quốc gia có thu nhập trung bình, nơi tập trung nhiều người nghèo, cũng đang gia tăng. Theo WB, mỗi lần giá lương thực tăng 0,01% sẽ khiến có thêm 10 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực trên toàn thế giới.
Việc tăng giá lương thực càng trở nên trầm trọng hơn do giá khí đốt tự nhiên (một thành phần chính của phân đạm), tăng mạnh. Giá phân bón tăng cùng với việc cắt giảm đáng kể nguồn cung toàn cầu có thể gây bất ổn xã hội ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng, nhất là những quốc gia vốn đã manh nha hoặc bị ảnh hưởng bởi xung đột.
Trong tuyên bố chung, lãnh đạo các tổ chức quốc tế kêu gọi tất cả các nước bảo đảm thương mại cởi mở, tránh các biện pháp hạn chế như cấm xuất khẩu thực phẩm hoặc phân bón, đồng thời không áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với việc mua thực phẩm nhân đạo của Chương trình Lương thực thế giới.
Cũng trong ngày 13/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen bày tỏ quan ngại sâu sắc về tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với nguồn cung và giá lương thực toàn cầu. Bà Yellen lưu ý rằng hơn 275 triệu người trên thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng.
Những ngày qua, dư luận tại Mỹ đã tiếng cảnh báo về nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng của thế giới.
Hãng tin Bloomberg trích dẫn các phân tích cho rằng hoạt động buôn bán ngũ cốc toàn cầu có nguy cơ bị gián đoạn nguồn cung do cuộc xung đột tại Ukraine.
Báo cáo của Bloomberg có nêu khoảng một nửa số ngô mà Ukraine dự kiến xuất khẩu trong mùa vụ này theo kế hoạch đã ngày càng trở nên khó giao hàng cho người mua. Các chuyến giao hàng từ Ukraine và Nga, vốn chiếm khoảng 1/4 kim ngạch thương mại ngũ cốc toàn cầu, đạt giá trị khoảng 120 tỷ USD, đang trở nên khó khăn hơn. Điều này làm gia tăng lo ngại về an ninh lương thực.