Tổ chức đăng ký niêm yết phải đáp ứng điều kiện có vốn chủ sở hữu từ 30 tỷ đồng trở lên
Dự thảo bổ sung các nội dung để quy định chi tiết và phù hợp với Luật Chứng khoán sửa đổi gồm: Bổ sung quy định tại Điều 19 Nghị định 155/2020/NĐ-CP về điều kiện liên quan đến hệ số nợ, giá trị phát hành trên vốn chủ sở hữu khi thực hiện chào bán trái phiếu ra công chúng theo điều giao tại điểm g khoản 3 Điều 15 Luật Chứng khoán (sửa đổi), theo đó dự kiến quy định như sau:
+ Các trường hợp phát hành trái phiếu ra công chúng phải có xếp hạng tín nhiệm, để doanh nghiệp làm quen với văn hóa xếp hạng tín nhiệm, nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động chào bán trái phiếu ra công chúng.
+ Doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện hệ số nợ phải trả không quá 3 lần vốn chủ sở hữu, ngoại trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác; giá trị trái phiếu dự kiến phát hành theo mệnh giá không lớn hơn vốn chủ sở hữu.
Các điều kiện nêu trên để đảm bảo năng lực tài chính của các tổ chức phát hành, hạn chế các rủi ro cho công chúng đầu tư; đồng thời cũng thống nhất với pháp luật liên quan. Bên cạnh đó, dự thảo cũng ngoại trừ điều kiện về tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu đối với tổ chức phát hành là tổ chức tín dụng và trái phiếu phát hành được bảo lãnh thanh toán toàn bộ gốc và lãi trái phiếu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, do các tổ chức tín dụng là các tổ chức đặc thù, có nghiệp vụ huy động vốn và phải đảm bảo an toàn tài chính theo quy định pháp luật chuyên ngành.
Bổ sung các nội dung tháo gỡ vướng mắc, bất cập
Dự thảo bổ sung các nội dung tháo gỡ vướng mắc, bất cập trên thực tiễn: Cụ thể, bổ sung tại Điều 30, Điều 31 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định áp dụng điều kiện hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng của công ty sau quá trình cơ cấu lại đối với trường hợp chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (tổ chức phát hành phải nộp báo cáo tổng hợp thông tin theo quy ước), để đảm bảo phản ánh đầy đủ, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh sau quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp.
Bổ sung quy định tại Điều 49 Nghị định 155/2020/NĐ-CP làm rõ kỳ kế toán báo cáo tài chính của các công ty có cổ phần, phần vốn góp được hoán đổi phải đảm bảo tối thiểu 12 tháng để hạn chế tình trạng thực hiện việc phát hành cổ phiếu của công ty đại chúng để hoán đổi cổ phần, phần vốn góp của các doanh nghiệp mới thành lập, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư và cổ đông hiện hữu của công ty đại chúng có cổ phần được hoán đổi.
Bổ sung Điều 202a về chào bán chứng quyền có bảo đảm (hiện đang được quy định tại Thông tư số 107/2016/TT-BTC), do đây là một loại chứng khoán theo khoản 6 Điều 4 Luật Chứng khoán và khoản 6 Điều 15 Luật Chứng khoán 2019 giao Chính phủ quy định về chào bán, phát hành chứng khoán, phù hợp với thẩm quyền quy định về thủ tục hành chính (TTHC).
Tổ chức đăng ký niêm yết phải có vốn chủ sở hữu từ 30 tỷ đồng trở lên
Về niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán, dự thảo bổ sung nội dung để thống nhất với Luật Chứng khoán (sửa đổi) gồm: Tại Điều 109 bổ sung điều kiện tổ chức đăng ký niêm yết phải đáp ứng là có "vốn chủ sở hữu từ 30 tỷ đồng trở lên" để phù hợp, thống nhất với việc bổ sung điều kiện này khi xem xét tiêu chí trở thành công ty đại chúng tại Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Về thành viên giao dịch của SGDCK: Sửa đổi Điều 105 để làm rõ các trường hợp đình chỉ hoạt động giao dịch của thành viên, thống nhất với quy định về bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán; Bổ sung quy định về thành viên tạo lập thị trường tại Điều 106a dự thảo để SGDCK có cơ sở hướng dẫn tại Quy chế.
Sửa đổi Điều 109, bổ sung Điều 111a để rút ngắn quá trình niêm yết cổ phiếu sau chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), bảo vệ tốt hơn quyền lợi nhà đầu tư tham gia đợt IPO thông qua việc sớm đưa cổ phiếu vào giao dịch trên thị trường niêm yết tập trung.