Bộ sách hữu ích cho người nông dân - Ảnh: VGP/Lân Khánh
Thực tiễn tại nhiều quốc gia đã khẳng định giáo dục tài chính là một trụ cột quan trọng để thúc đẩy tài chính toàn diện. Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 20/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược tài chính toàn diện) đã đặt ra năm mục tiêu cụ thể, trong đó có "nâng cao hiểu biết tài chính cho người dân và doanh nghiệp, bảo đảm người dân và doanh nghiệp có kiến thức, kỹ năng, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp trong lựa chọn và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính".
Ở đất nước xuất phát từ kinh tế nông nghiệp, với trên 60% dân số nông thôn và gần 30% lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, người nông dân Việt Nam là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Người nông dân cũng đồng thời là đối tượng thụ hưởng quan trọng của phát triển tài chính toàn diện. Với đặc thù hiểu biết về các sản phẩm, dịch vụ tài chính của một bộ phận không nhỏ người nông dân còn nhiều hạn chế, chủ yếu do thiếu và yếu kiến thức lẫn thực tiễn sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính thì việc tăng cường giáo dục kiến thức tài chính và quản lý tài chính cá nhân cho người nông dân là giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia.
Thực hiện vai trò xây dựng, triển khai, giám sát thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện, Viện Chiến lược ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là đầu mối, phối hợp với Quỹ hỗ trợ phát triển nông thôn và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), các chuyên gia và nhà khoa học biên soạn bộ sách "Quản lý tài chính cá nhân cho nông dân", gồm hai cuốn nhằm mục tiêu đồng hành cùng bà con nông dân và góp phần thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện. Cuốn sách thứ nhất "Cẩm nang quản lý tài chính cá nhân cho nông dân" có hàm lượng kiến thức chuyên môn sâu, phù hợp với đối tượng sử dụng là cán bộ nghiên cứu, giảng dạy. Cuốn cẩm nang cung cấp các thông tin chi tiết liên quan đến tài chính cá nhân (kiếm tiền, sử dụng tiền và bảo vệ tiền); các hoạt động quản lý tài chính cá nhân (quản lý thu nhập, chi tiêu, ngân sách, tiết kiệm và đầu tư, vay nợ và rủi ro). Cuốn cẩm nang cũng dành một chương để xây dựng hành trình hai bước gồm thiết lập mục tiêu; lập và thực hiện kế hoạch tài chính cả trong ngắn hạn và dài hạn, được cụ thể hóa cho từng hành trình và dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của mỗi cá nhân. Cuốn "Sổ tay quản lý tài chính cá nhân cho nông dân" tóm tắt ngắn gọn, súc tích những kiến thức cơ bản cần nhớ khi quản lý tài chính cá nhân từ nội dung cuốn Cẩm nang. Cuốn sổ tay được thiết kế màu sắc, sinh động kèm theo các câu hỏi gợi ý, bài tập tình huống điển hình, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với đối tượng là người nông dân.
Không chỉ giới hạn trong phạm vi cán bộ nghiên cứu, giảng dạy và người nông dân, bộ sách cũng là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho các ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô về nhu cầu của khách hàng, là cơ sở hỗ trợ quá trình xây dựng và triển khai các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp quản lý tài chính phù hợp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng là người nông dân.
Trong quá trình biên soạn, Viện Chiến lược ngân hàng đã nhận được sự đồng hành và đóng góp giá trị từ Sacombank. Là ngân hàng có hoạt động kinh doanh luôn bám sát các đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện, Sacombank đã luôn chủ động, tích cực phát triển các sản phẩm, dịch vụ quản lý tài chính đáp ứng những nhu cầu từ cơ bản đến hiện đại dành cho khách hàng là người nông dân.
Sacombank đã cung ứng đa dạng, toàn diện các dịch vụ ngân hàng truyền thống, tạo điều kiện cho những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính cơ bản như mở và quản lý tài khoản thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, thanh toán hóa đơn, nộp phí bảo hiểm và dịch vụ công… Sacombank cung cấp tài khoản thanh toán trực tuyến nhằm đáp ứng nhanh chóng nhu cầu giao dịch mọi lúc mọi nơi, liên kết với thẻ ATM cho người hưởng trợ cấp xã hội, người nghèo và những đối tượng yếu thế phù hợp. Song song với sản phẩm ngân hàng truyền thống, Sacombank đã đẩy mạnh số hóa dịch vụ và triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt giúp khách hàng chủ động quản lý tài chính cá nhân cũng như thực hiện các giao dịch tài chính mọi lúc, mọi nơi thông qua ứng dụng ngân hàng số Sacombank Pay. Các nền tảng ngân hàng số được thiết kế với giao diện thân thiện, thao tác đơn giản, tiện lợi giúp gia tăng trải nghiệm và rút ngắn thời gian giao dịch của khách hàng mà không cần tới trực tiếp quầy giao dịch.
Sacombank đã và đang hợp tác với các đối tác thanh toán, tổ chức, hội đoàn ở vùng nông thôn để quảng bá và tiếp thị các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cơ bản cho khách hàng như tài khoản/thẻ thanh toán, ứng dụng Sacombank Pay, đồng thời tái cơ cấu mạng lưới phòng giao dịch, hệ thống máy rút tiền tự động và các đơn vị chấp nhận thanh toán nhằm tối ưu hóa, phát triển các kênh phân phối để mở rộng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ có chi phí thấp, thuận tiện, an toàn, phù hợp, để sử dụng phù hợp với điều kiện ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, Sacombank cũng đã nỗ lực tăng cường các biện pháp phòng ngừa và đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và giúp giảm thiểu các rủi ro gian lận khi thanh toán trực tuyến, tăng cường bảo vệ tài chính và quản lý rủi ro cho các khách hàng yếu thế.
Trong việc xây dựng và triển khai các chương trình nâng cao hiểu biết tài chính của người dân, Sacombank cũng là đơn vị tích cực cùng cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức có liên quan khác để truyền tải các kiến thức tài chính và quản lý tài chính cá nhân đến khách hàng, đặc biệt là người nông dân.
Có thể nói, việc nâng cao hiểu biết và tăng cường sử dụng dịch vụ tài chính, quản lý tài chính cho người nông dân nói riêng và người dân nói chung luôn cần sự chung tay, đồng hành của tất cả các bên từ cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội đến tổ chức tín dụng và các bên trung gian thanh toán,… Sự vào cuộc chủ động, tích cực và có trách nhiệm của các bên sẽ mang lại kết quả tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 20/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. /.