Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở Worcester, Massachusetts, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Việc điều trị cho người mắc Covid kéo dài đang gặp khó khăn gấp bội khi nghiên cứu về nguyên nhân dẫn tới hội chứng và sự chẩn đoán chính xác hội chứng ở thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều hạn chế.
Hội chứng Covid kéo dài (Long Covid) mà các các nhà nghiên cứu gọi là Di chứng sau nhiễm trùng SARS-CoV-2 (PASC) được ghi nhận ở giai đoạn bình phục của nhiều bệnh nhân sau khi mắc Covid-19.
Việc điều trị cho người mắc hội chứng này đang gặp khó khăn gấp bội khi những nghiên cứu, dữ liệu về nguyên nhân dẫn tới hội chứng và sự chẩn đoán chính xác hội chứng ở thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều hạn chế và chưa có sự nhất quán.
Hiện có nhiều bệnh nhân Covid-19 sau thời gian bình phục vẫn liên tục thông báo về việc gặp nhiều vấn đề mới về sức khỏe ảnh hưởng đến hầu hết các bộ phận cơ thể.
Trong báo cáo ngày 8/3, các nhà nghiên cứu thuộc trung tâm y tế học thuật UCLA Health và trường Y David Geffen trực thuộc UCLA cùng với một đồng nghiệp thuộc tại Đại học Washington ở Seattle, đã chỉ ra rằng, mặc dù cơ quan chức năng Mỹ đã đưa PASC vào danh sách các bệnh mà người Mỹ cần được bảo vệ cùng với Đạo luật về người khuyết tật. Nhưng hiện có rất ít dữ liệu nghiên cứu và quan điểm thống nhất về yếu tố cấu thành hội chứng Covid-19 kéo dài.
Bác sĩ Joann G. Elmore, Giáo sư Trường Y David Geffen, nhấn mạnh giới nghiên cứu cần dữ liệu và thông tin chất lượng cao hỗ trợ chẩn đoán chính xác trước khi bệnh nhân có thể nhận được dịch vụ chăm sóc hỗ trợ thích hợp và liệu pháp hiệu quả, dành riêng cho bệnh.
Nhấn mạnh tới vai trò của dữ liệu nghiên cứu, giáo sư cho rằng cộng đồng nghiên cứu khoa học sẽ cần cung cấp dữ liệu giúp cộng đồng y tế phân biệt các triệu chứng Covid kéo dài với các triệu chứng của các bệnh khác.
Cho đến nay, mặc dù nhiều nghiên cứu đang được tiến hành, các tác giả báo cáo cho rằng việc so sánh hữu ích giữa các nghiên cứu gần như không thể thực hiện nếu không có các tiêu chí được áp dụng thống nhất.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng các nhà nghiên cứu phải đối mặt với các vấn đề gây nhiễu trong quá trình thiết lập nghiên cứu có thể làm sai lệch kết quả, chẳng hạn như những sai lệch có thể xuất phát từ hồi ức của chính bệnh nhân và cách giải thích các triệu chứng của bác sĩ lâm sàng.
Ngoài sai lệch về thu hồi và giám sát, báo cáo cũng cho rằng sự thiên vị đối tượng lựa chọn nghiên cứu và tiếp cận chăm sóc sức khỏe có thể tạo ra kết quả sai lệch trong các thông tin nghiên cứu.
Tiến sĩ Lauren E. Wisk thuộc UCLA Health cho rằng: "Những người vốn dĩ dễ chịu nhiều tổn thương do sự chênh lệch về kinh tế-xã hội và chủng tộc hoặc sắc tộc - những người thường bị hạn chế tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe - đã phải chịu gánh nặng của đại dịch Covid-19 một cách không cân xứng".
Do đó, theo ông, cần chú trọng sự bất bình đẳng này khi tiến hành nghiên cứu, thu thập tài liệu về Covid-19 kéo dài.
Trong báo cáo này, các tác giả đưa ra các giải pháp tiềm năng để bảo đảm công bằng trong nghiên cứu và điều trị trong tương lai như trước tiên hối thúc cộng đồng y tế cùng nhau đưa ra một định nghĩa cụ thể những trường hợp mắc PASC; thực hiện các biện pháp mạnh mẽ và chuẩn hóa về các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn và kết quả kiểm tra sức khỏe; xem xét rủi ro sai lệch khi xây dựng các nghiên cứu; thực hiện các bước để tạo điều kiện so sánh giữa các nghiên cứu; và thận trọng trong việc áp dụng bằng chứng đã thu thập được để có được phương pháp chăm sóc, điều trị hiệu quả.