Khói bốc lên từ nhà máy nhiệt điện Badarpur ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Dữ liệu thu thập được tại 117 nước cho thấy chưa đầy 1% thành phố ở những nước có thu nhập thấp và trung bình đạt mức an toàn về chất lượng không khí theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Khoảng 99% dân số toàn cầu phải hít thở không khí ô nhiễm vượt giới hạn an toàn của WHO, trong đó người dân ở các nước có thu nhập thấp và trung bình lại bị phơi nhiễm ô nhiễm không khí hơn cả.
Báo cáo của WHO công bố ngày 4/4 thu thập về tình trạng ô nhiễm không khí như các hạt và khí nitrogen dioxide, 2 loại ô nhiễm phát thải từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch và được cho là nguyên nhân gây các bệnh về hô hấp và tim mạch trong giai đoạn 2010-2019, tại hơn 6.000 thành phố ở 117 quốc gia.
Theo báo cáo trên, ô nhiễm không khí mỗi năm đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 7 triệu người.
Số lượng các hạt nhỏ trong không khí tại các nước châu Phi và khu vực phía tây Thái Bình Dương cao gần gấp 8 lần so với tiêu chuẩn an toàn của WHO, trong khi đó mức độ tập trung của các hạt này lại thấp nhất tại châu Âu.
Dữ liệu thu thập được tại 117 nước cho thấy chưa đầy 1% thành phố ở những nước có thu nhập thấp và trung bình đạt mức an toàn về chất lượng không khí theo khuyến nghị của WHO.
Ngược lại, chỉ có 17% các thành phố ở những nước có thu nhập cao có chất lượng không khí dưới chuẩn của WHO.
Ngoài các hạt, lượng khí nitrogen dioxide ở các nước có thu nhập thấp và trung bình cũng cao hơn 1,5 lần so với những nước có thu nhập cao.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhấn mạnh đến vấn đề cấp bách hiện nay, đó là cần giải quyết những thách thức kép về sức khỏe do ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu.
Ngoài con số, báo cáo của WHO còn bao gồm các đề xuất mà chính phủ có thể thực hiện để cải thiện chất lượng không khí, bao gồm cả việc thực hiện nghiêm ngặt hơn tiêu chuẩn khí thải phương tiện, cải thiện giao thông công cộng và cắt giảm đốt chất thải nông nghiệp, trong số những hoạt động khác.