Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Mai cho biết, bà vừa ký công văn yêu cầu Sở Tư pháp TPHCM báo cáo toàn bộ quá trình tổ chức đấu giá quyền sử dụng ô đất 3-12 tại Thủ Thiêm do Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản thực hiện.
Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai. Ảnh: VGP.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Mai cho cho biết: Qua nghiên cứu các quy định của pháp luật về đấu giá tài sản và pháp luật về đất đai có thể thấy rằng pháp luật đấu giá đã quy định khi tham gia đấu giá, ngoài các quy định chung của pháp luật đấu giá, doanh nghiệp còn phải tuân thủ các điều kiện quy định của pháp luật chuyên ngành (cụ thể đối với trường hợp này là pháp luật về đất đai).
Cụ thể, Điều 58 Luật Đất đai, Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai đã quy định điều kiện tham gia đấu giá dự án đất. Theo đó, điều kiện được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư là có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư, và không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác. Như vậy, khi đưa quyền sử dụng ra đấu giá, người có tài sản cần căn cứ cả vào các quy định của pháp luật đất đai để đưa ra các điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đấu giá.
Nhìn nhận về vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm vừa qua, bà Nguyễn Thị Mai phân tích: Đối với trường hợp như của Công ty Ngôi Sao Việt, quy trình đấu giá đã kết thúc, cuộc đấu giá đã thành. Ngoài chế tài mất tiền đặt cọc, việc có thêm các chế tài, quy định ràng buộc doanh nghiệp trúng đấu giá thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật đất đai, không thuộc pháp luật đấu giá tài sản.
Theo đó, pháp luật hiện hành đã có quy định về chế tài đối với người trúng đấu giá vi phạm nghĩa vụ thanh toán, đó là bị mất tiền đặt cọc. Tuy nhiên, chế tài này dường như chưa đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng trốn tránh nghĩa vụ trả tiền trúng đấu giá. Một số nước trên thế giới có quy định cấm tham gia đấu giá trong các cuộc đấu giá tiếp theo đối với người không thanh toán tiền trúng đấu giá trong thời hạn quy định. Người trúng đấu giá vi phạm nhiều lần có thể bị đưa vào "danh sách đen" và cơ hội tham gia các cuộc đấu giá tiếp theo sẽ bị hạn chế.
Bà Mai dẫn chứng: Pháp luật về đấu giá quyền khai thác khoáng sản cũng có quy định tương tự. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 8, Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản thì tổ chức, cá nhân tham gia phiên đấu giá và trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng từ chối không nhận kết quả trúng đấu giá mà chưa được Hội đồng đấu giá chấp thuận thì không được tham gia bất kỳ phiên đấu giá nào trong thời hạn 01 (năm), kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá đó.
Để tránh tình trạng "bỏ cọc" sau khi trúng đấu giá, ngoài chế tài mất tiền đặt cọc như hiện nay, cần nghiên cứu quy định trong pháp luật chuyên ngành. Theo đó, cấm người tham gia đấu giá (bao gồm cả các công ty mẹ, công ty con nếu người trúng đấu giá là tổ chức và bố, mẹ, vợ, chồng, con nếu người tham gia đấu giá là cá nhân) vi phạm nghĩa vụ thanh toán tham gia các cuộc đấu giá đối với cùng loại tài sản trong một thời gian nhất định, tương tự quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Có như vậy mới giảm thiểu tình trạng trả giá cao nhưng không thanh toán tiền trúng đấu giá, đảm bảo tài sản được bán cho người thực sự có nhu cầu và tiềm lực để khai thác, sử dụng tài sản một cách hiệu quả, tránh việc trả giá "ảo" rồi bỏ cuộc, qua đó giúp lành mạnh hóa thị trường đấu giá tài sản.