Lễ trao các thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ. (Ảnh NGUYỄN HÀ)
Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các thành viên cộng đồng Pháp ngữ là một trong những điểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) Louise Mushikiwabo (L.Mu-si-ki-oa-bô) và đoàn xúc tiến kinh tế, thương mại Pháp ngữ.
Chiếm khoảng 20% tổng trao đổi thương mại toàn cầu, không gian kinh tế Pháp ngữ đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác to lớn, nhất là trong bối cảnh các thành viên cộng đồng Pháp ngữ đang nỗ lực tăng tốc trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Tại Diễn đàn Kinh tế cấp cao Việt Nam-Pháp ngữ, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh, tiềm năng hợp tác trong không gian kinh tế Pháp ngữ rất lớn song chưa được phát huy hết, còn nhiều dư địa để phát triển. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của OIF nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, kết nối các doanh nghiệp trong cộng đồng Pháp ngữ.
Trong những năm qua, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước trong cộng đồng Pháp ngữ ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ. Đến nay, Việt Nam đã có trao đổi thương mại với hầu hết quốc gia thành viên chính thức của OIF.
Bên cạnh đó, các nước trong không gian kinh tế Pháp ngữ là đối tác quan trọng của Việt Nam trong ba hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các hiệp định thương mại tự do này là tiền đề quan trọng, mở ra không gian hợp tác rộng lớn giữa Việt Nam với các đối tác trên toàn thế giới, trong đó có các đối tác trong cộng đồng Pháp ngữ.
Tổng Thư ký OIF Louise Mushikiwabo nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia sáng lập OIF, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng Pháp ngữ, nhất là tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong những năm qua, Việt Nam đã thúc đẩy đồng bộ các nỗ lực cải cách thể chế trong nước và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Việt Nam trở thành một trong những điểm đến đầu tư kinh doanh hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư. OIF xác định thời gian tới sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực chủ chốt là nông nghiệp, năng lượng tái tạo và chuyển đổi số. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, đây là những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, có nhu cầu thúc đẩy, cũng như ưu tiên cao trong thời gian tới.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam và các thành viên cộng đồng Pháp ngữ có nhiều điểm tương đồng trong chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp và cùng hướng đến mục tiêu chung nhằm bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Razack Ishola Kinninnon (R.Kin-nin-nơn), Giám đốc công ty Access Celebre của Benin, kinh doanh trong lĩnh vực giống và hạt điều, khẳng định, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài cùng nền nông nghiệp phát triển của Việt Nam đã thu hút ông đến tìm kiếm cơ hội đầu tư. Ông Kinninnon tin tưởng, với sự đồng hành của OIF và chính phủ các nước, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ sẽ ngày càng gặt hái nhiều “trái ngọt”.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong cộng đồng Pháp ngữ cũng đánh giá cao tiềm năng tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và chuyển đổi số. Bà Lydie Hakizimana (L.Ha-ki-di-ma-na), Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc AIMS Global Network cho biết, hiện khoảng 60% dân số châu Phi dưới 30 tuổi nên nhu cầu sử dụng các thiết bị số, tham gia vào nền kinh tế số ở khu vực này rất lớn. Trong khi đó, Việt Nam có nền kinh tế số ngày càng phát triển. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp hai bên tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực này.
Những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra cũng như biến động khó lường, phức tạp của tình hình thế giới đã đặt ra nhiều thách thức, song cũng là cơ hội và động lực để Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế mạnh mẽ hơn nữa. Những nền tảng đã gây dựng sẽ là cơ sở để Việt Nam và các đối tác Pháp ngữ nỗ lực biến tiềm năng thành các kết quả hợp tác cụ thể, thực chất, mang lại lợi ích cho tất cả các bên.