Không còn là những mô hình cao siêu, các công cụ AI như ChatGPT, Lensa đang ngày càng thú vị và đơn giản, ai cũng có thể tiếp cận và sử dụng.
ChatGPT đang là AI được nhắc đến nhiều nhất những tuần qua bởi khả năng trả lời câu hỏi, viết văn, dựng kịch bản... theo ý người dùng. Người dùng có thể hỏi "George Washington Carver là ai?" và nhận được câu trả lời từ Wikipedia tương tự Google. Tuy nhiên, sức mạnh của nó lớn hơn thế, khi cho phép sáng tạo vô hạn. Chẳng hạn, nếu yêu cầu "viết kịch bản phim về chiếc bánh kẹp taco đang khẩu chiến với chiếc hotdog trên bãi biển", sẽ không có câu trả lời trên Google. Nhưng ChatGPT lập tức trả về kết quả trong vài giây.
Ảnh minh họa cho AI ChatGPT. Ảnh: Erick Butler/Unsplash
WSJ thử đưa câu hỏi này vào ChatGPT và nhận được đoạn đối thoại được đánh giá là hài hước như một video trên YouTube, nếu không muốn nói là có phong cách của các bộ phim Netflix:
- Taco: "Cậu nghĩ có thể đánh bại được tôi sao Hotdog? Cậu chẳng là gì ngoài một sản phẩm chế biến từ thịt không hương vị".
- Hotdog: "Được thôi, cậu có thể tự hào là được làm từ nguyên liệu tươi ngon, nhưng tôi có lợi thế là có thể ăn bằng một tay".
Không giống Google, kết quả trên sẽ có nội dung khác nếu nếu người dùng nhấn vào nút trả lời của ChatGPT một lần nữa. Thực tế, ChatGPT không tìm kiếm mà phản hồi được phân tích, chọn lọc và cá nhân hóa dựa trên kho dữ liệu khổng lồ thu thập được từ Internet, sau đó đào tạo cho công cụ này.
Trước đó, các công cụ AI như Dall-E hay gần đây là Lensa cũng đã làm mưa làm gió khi phục vụ yêu cầu của người dùng chỉ với một cú nhấp chuột. Với Lensa, các bức ảnh thường sẽ trở nên nghệ thuật, đẹp mắt hơn và đôi khi hơi ngộ nghĩnh.
Những sản phẩm phần mềm này không chỉ đại diện cho các công cụ AI tiên tiến. Quan trọng hơn, chúng làm cho AI từ thứ gì đó cao siêu trở nên dễ tiếp cận hơn, áp dụng một cách đơn giản vào đời sống, nhất là với những người không chuyên về máy tính. "Sáu tháng kể từ bây giờ, bạn sẽ thấy những điều tuyệt vời chưa từng thấy trước đây", Oren Etzioni, CEO Allen Institute for AI - tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu và kỹ thuật AI, nói.
ChatGPT, Lensa và AI cho mọi người
ChatGPT được OpenAI công bố ngày 1/12, phát triển từ nguyên mẫu GPT-3 nhưng được đào tạo để đưa ra phản hồi giống một cuộc trò chuyện. GPT-3 ban đầu chỉ dự đoán những đoạn văn sẽ xuất hiện sau một chuỗi từ nhất định nhưng ChatGPT tiến hóa hơn khi tìm cách tương tác với câu hỏi của người dùng theo phong cách giữa người với người. Kết quả là những câu trả lời có độ trôi chảy không kém người thật cùng khả năng đối thoại trong hàng loạt chủ đề, thể hiện tiến bộ lớn so với các chatbot xuất hiện cách đây vài năm.
Không như chatbot thông thường theo khuôn mẫu, ChatGPT có thể trả lời hoặc từ chối trả lời dựa trên ngữ cảnh, cũng như đưa ra các phản hồi mới mang phong cách riêng. Chẳng hạn, đáp lại câu hỏi: "Tôi là ai?", ChatGPT nói: "Tôi không thể trả lời bạn là ai. Chỉ có bạn mới biết và xác định chính mình".
"Nó gần giống một công cụ giúp mọi người động não và tự nhủ hãy suy nghĩ khác đi", Sarah Hoffman, Phó chủ tịch nghiên cứu AI và máy học tại Fidelity Investments, nhận xét. Ông đã thử dùng ChatGPT để soạn một bài nghiên cứu mẫu và đưa vào một số đoạn của người khác. Đáp lại, công cụ cảnh báo: "Bài viết có thể đã có từ cách đây 5 năm".
Đối với lập trình viên, ChatGPT cũng hỗ trợ bằng cách đưa ra các giải pháp viết mã khó. Đây là trải nghiệm mà Javi Ramirez, nhà phát triển phần mềm 29 tuổi ở Bồ Đào Nha, đã trải qua. "Nó đã cứu tôi", Ramirez nói. "Một giờ tìm kiếm trên Google đã được giải quyết chỉ sau 5 phút trên ChatGPT".
Trong khi đó, từ tháng 11, công cụ tạo ảnh nghệ thuật Lensa AI cũng làm gây sốt trên mạng xã hội với tính năng Magic Avatars. Các bức ảnh do người dùng tải lên được mô phỏng theo nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau. Ứng dụng từ Prisma Labs sử dụng mô hình Stability AI để huấn luyện và cho ra những tác phẩm làm người dùng hài lòng chỉ sau một vài cú nhấn. Người dùng chỉ cần tải lên 10-20 ảnh của chính họ, thuật toán sẽ xử lý hình ảnh để cho ra bộ ảnh chân dung theo nhiều phong cách như khoa học viễn tưởng, giả tưởng và phim hoạt hình. Ứng dụng này cho dùng thử miễn phí 7 ngày, sau đó tính phí 39,99 USD (940 nghìn đồng) một năm.
Nguy cơ từ AI thế hệ mới
Theo giới chuyên gia, các công cụ như ChatGPT hay Lensa sẽ sớm không còn là thứ gây tò mò, mà trở nên phổ biến, thậm chí được dùng hàng ngày như cách mọi người tìm kiếm trên Google hay chụp ảnh selfie. Thế nhưng, đi kèm với đó là nguy cơ về thông tin sai lệch hay lo ngại về quyền riêng tư.
Trên mạng xã hội, một số người dùng cho biết ChatGPT tạo ra những bình luận xúc phạm. Công cụ này cũng đưa ra nhiều "câu trả lời sai nhưng có vẻ đúng" khiến những người không am hiểu và không kiểm tra chéo trên Google có thể nhầm lẫn. Khi được hỏi "Nếu bạn sai, làm thế nào để biết điều đó?", ChatGPT trả lời: "Tôi có thể cung cấp thông tin chuẩn xác và hữu ích dựa trên dữ liệu đã được đào tạo, nhưng tôi không thể tự xác định độ chính xác của chính mình".
ChatGPT giúp lập trình viên như Ramirez tìm ra những thuật toán khó, nhưng AI này đôi khi vẫn trả lời không đúng chủ đề. Trang web chuyên về lập trình Stack Overflow hiện đã cấm các câu trả lời do ChatGPT tạo ra vì nhiều trong đó không chính xác.
Còn theo Wired, tính năng AI với khả năng chỉnh sửa ảnh đẹp như mơ của Lensa có thể là khởi đầu cho một cơn ác mộng tồi tệ với cộng đồng. Nhiều người bắt đầu lạm dụng Lensa để tạo ra những bức ảnh khiêu dâm. Ứng dụng cũng khơi lại cuộc thảo luận về đạo đức nghệ thuật khi nhiều họa sĩ cáo buộc nhà phát triển ứng dụng đã đánh cắp tác phẩm của họ để huấn luyện AI.
Một số người dùng nói với WSJ rằng, Lensa tạo ra những hình ảnh nhấn mạnh quá mức vào một số bộ phận trên cơ thể phụ nữ hoặc thay đổi màu mắt và hình dạng khuôn mặt để loại bỏ các đặc điểm nhận dạng chủng tộc hoặc sắc tộc.
Andrey Usoltsev, CEO và đồng sáng lập của Prisma Labs, thừa nhận một số vấn đề còn tồn tại trên Lensa. "Đúng là đôi khi AI này đã dùng ảnh từ người dùng tải lên để tạo ra nội dung 'lộ hàng' hoặc gợi dục", ông nói, đồng thời cho biết đã bổ sung tính năng xóa ảnh người dùng đã tải lên sau 24 tiếng.
Theo Jennifer King, thành viên về chính sách dữ liệu và quyền riêng tư tại Viện trí tuệ nhân tạo ở Đại học Stanford, người dùng nên thận trọng với AI. "Những công cụ như vậy có xu hướng tạo ra sự hào nhoáng. Đôi khi, nó đủ chính xác. Nhưng nếu không có hành lang phù hợp, nó sẽ khiến người dùng gặp phải rất nhiều vấn đề", ông nhấn mạnh.