Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử tại Khu công nghiệp Hòa Cầm (Ðà Nẵng) trở lại hoạt động bình thường. (Ảnh: THANH TÙNG)
Trong lời giới thiệu cho cuốn sách có tựa đề The Time-Travelling Economist, tác giả Charlie Robertson đã giải thích lý do Việt Nam thoát khỏi đói nghèo, trở thành nước có thu nhập trung bình và chuyển mình hướng tới mức thịnh vượng của các thị trường phát triển.
Theo TTXVN, trong cuốn sách sắp được xuất bản, tác giả Robertson cho rằng, việc đề cao giáo dục là lý do đầu tiên mang tới thành công của Việt Nam. Ðể thực hiện công nghiệp hóa, các nước cần có tỷ lệ người biết chữ từ 70% đến 80% và Việt Nam đã đạt con số này từ hàng chục năm trước khi trở thành thị trường đang nổi lên. Cách đây gần 10 năm, Việt Nam đã có 125.000 sinh viên học các trường đại học ở nước ngoài, đứng thứ 8 về số lượng sinh viên du học tại các trường đại học ở Mỹ.
Theo tác giả Robertson, sự phát triển của các công xưởng sản xuất cũng là điểm mạnh của Việt Nam so với các nước cùng nhóm về trình độ phát triển. Các số liệu năm 2018 cho thấy mức độ tiêu thụ điện trên đầu người ở Việt Nam cao hơn Mexico hoặc Ai Cập và gấp đôi Ấn Ðộ hay Indonesia. Ước tính, các nước thực hiện công nghiệp hóa cần lượng điện tiêu thụ trên đầu người vào khoảng 300 kwh-500 kwh và Việt Nam đã vượt mức này từ năm 2005.
Chìa khóa thứ ba tạo ra thành công kinh tế của Việt Nam là tận dụng được các lợi ích từ dân số. Tỷ lệ người trưởng thành trong dân số cao và Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi ích này trong nhiều năm tới. Tác giả Robertson dự báo, đồng tiền Việt Nam sẽ dần mạnh lên và quy mô nền kinh tế có thể tăng gấp đôi vào năm 2030, trở thành nền kinh tế nghìn tỷ USD vào năm 2040, GDP đạt 1.700 tỷ USD vào năm 2050, tương đương quy mô của Hàn Quốc.
Giám đốc cấp cao Tập đoàn Tư vấn kinh tế toàn cầu IQI, chi nhánh tại Malaysia nhận định: Việt Nam và Malaysia có nhiều tiềm năng về hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế kỹ thuật số và thực phẩm hồi giáo Halal, góp phần vào nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch. Chuyên gia cho rằng, Việt Nam và Malaysia đều có nền kinh tế dựa trên sản xuất mạnh mẽ, do vậy hoàn toàn có thể tăng cường hợp tác để mang lại lợi ích cho cả đôi bên.