Sáng 4/1, tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025.
Sự cần thiết đầu tư
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, hành lang vận tải trên trục Bắc-Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Có thể nói đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước. Trên hành lang vận tải này, tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông theo quy hoạch dài 2.063 km, đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư.
Với vai trò là trục huyết mạch, cần sớm hoàn thành để tạo động lực, sức lan tỏa phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 11-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội đã đề ra mục tiêu “đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông”.
Hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông có năng lực lớn, an toàn giao thông, tốc độ cao; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.
Phạm vi đầu tư cụ thể: Giai đoạn 2021-2025 đầu tư 729 km trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh)-Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi-Nha Trang và Cần Thơ-Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập (27 km còn lại gồm đoạn Hòa Liên-Túy Loan triển khai theo dự án riêng và cầu Cần Thơ 2 đầu tư sau 2025).
Căn cứ kết quả dự báo nhu cầu vận tải, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu nhiều phương án về quy mô, như đầu tư hoàn chỉnh ngay theo quy hoạch; phân kỳ đầu tư 2 làn xe, 4 làn xe bề rộng nền đường 24,75 m và 4 làn xe bề rộng nền đường 17 m. Trên cơ sở phân tích, đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương án, căn cứ khả năng cân đối nguồn vốn, Chính phủ kiến nghị đầu tư phân kỳ theo quy mô 4 làn xe bề rộng nền đường 17 m, toàn bộ các yếu tố kỹ thuật khác đáp ứng tốc độ thiết kế 100-120 km/h; giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch (tương tự như các dự án giai đoạn 2017-2020 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 52/2017/QH14).
Để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, hiệu quả khai thác của dự án, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ngay trong quá trình xây dựng quy hoạch mạng lưới đường bộ và quá trình chuẩn bị hồ sơ chủ trương đầu tư, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các ngành, các địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng về hướng tuyến, bảo đảm phù hợp với quy hoạch của các ngành, lĩnh vực và địa phương, kết nối thuận lợi với các khu công nghiệp, du lịch, cảng biển, cảng hàng không, trung tâm logistics, mạng lưới đường bộ hiện hữu… tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát triển không gian đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời hạn chế tối đa tác động đến môi trường, văn hóa, đời sống cộng đồng dân cư.
Thực hiện Luật Quy hoạch, hiện nay các địa phương đang rà soát, cập nhật các quy hoạch liên quan bảo đảm phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia và hướng tuyến đường cao tốc nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.
Giải pháp thiết kế của dự án đã nghiên cứu, tính toán bảo đảm điều kiện thoát lũ, thích ứng với kịch bản về biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết nối dân sinh hai bên đường cao tốc (đường gom, hầm chui dân sinh, cầu vượt ngang…) nhằm hạn chế tối đa chia cắt cộng đồng, đảm bảo điều kiện đi lại, sản xuất và sinh hoạt của người dân. Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại từ giai đoạn chuẩn bị dự án, đến giai đoạn vận hành khai thác nhằm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, khai thác an toàn, thuận tiện cho người sử dụng và các cơ quan quản lý vận hành.
Việc thu phí dịch vụ được triển khai liên thông trên toàn bộ 12 dự án giai đoạn 2021-2025 và các dự án giai đoạn 2017-2020, áp dụng hình thức thu phí điện tử tự động không dừng, bố trí trạm tại các điểm ra, vào đường cao tốc, thu phí theo số km thực tế sử dụng.
Tiến độ và thời gian thực hiện
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, tiến độ dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 như sau: Chuẩn bị dự án năm 2021-2022; giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022-2023; khởi công năm 2023, áp dụng các công nghệ mới, giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm đáp ứng yêu cầu cơ bản hoàn thành năm 2025.
Với tiến độ nêu trên, trường hợp không phát sinh các tình huống phức tạp, đến cuối năm 2025 có thể thông xe kỹ thuật toàn bộ các dự án thành phần và đưa vào khai thác một số đoạn tuyến. Các đoạn tuyến phức tạp về kỹ thuật (các công trình cầu lớn, hầm lớn, xử lý đất yếu…) sẽ hoàn thành đưa vào khai thác năm 2026.
Trên cơ sở đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, với nội dung chủ yếu như sau:
Địa điểm: Từ Hà Tĩnh (Bãi Vọt) đến Quảng Trị (Cam Lộ), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa), từ Cần Thơ đến Cà Mau.
Phạm vi, hình thức đầu tư: Giai đoạn 2021-2025 đầu tư khoảng 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, triển khai theo hình thức đầu tư công.
Quy mô đầu tư: Phân kỳ xây dựng với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 5.481 ha, thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được phê duyệt.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 146.990 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 bố trí khoảng 27.324 tỷ đồng.
Tiến độ thực hiện: Chuẩn bị đầu tư từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025.