Với không khí lạc quan, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và tốc độ phủ vaccine nhanh, dự báo từ tháng 6 du khách nội địa sẽ quay lại Đà Nẵng với nhịp độ cao; tháng 7 và 8 hy vọng các thị trường quốc tế chính như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) sẽ quay trở lại tốt và các thị trường xa như châu Đại Dương, Mỹ sẽ phục hồi vào cuối năm.
Du khách đến Đà Nẵng đông đúc những ngày đầu năm mới. Ảnh: VGP/Lưu Hương
Tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển du lịch Đà Nẵng năm 2022, tổ chức chiều 5/1, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Trần Phước Sơn đề nghị ngành du lịch cần tập trung khôi phục hoạt động du lịch theo phương châm “chủ động, thích ứng, linh hoạt”.
Theo lãnh đạo Đà Nẵng, năm 2021 là năm đầy khó khăn và thách thức đối với kinh tế Thành phố nói chung và hoạt động du lịch nói riêng. Mặc dù được Thủ tướng phê duyệt là 1 trong 5 địa phương thực hiện thí điểm đón khách quốc tế, nhưng kết quả thực hiện tại Đà Nẵng thời gian qua chưa đạt được mục tiêu đề ra. Khả năng cạnh tranh điểm đến quốc tế của Đà Nẵng vẫn cần tiếp tục được cải thiện. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch tuy đã được đầu tư tương đối đồng bộ, song vẫn chưa hoàn thiện, thiếu sự đầu tư để Đà Nẵng là điểm đến của nhiều sự kiện lễ hội quốc tế.
Ông Trần Phước Sơn đề nghị các DN du lịch tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, có giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi hoạt động kinh doanh du lịch. Hiệp hội Du lịch tăng cường vai trò kết nối hợp tác của các DN, cũng như kết nối các DN và chính quyền Thành phố vì mục tiêu phát triển chung của ngành du lịch.
Đà Nẵng sẽ tạo ra một hệ sinh thái an toàn đón khách. Ảnh: VGP/Lưu Hương
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, hiện cộng đồng DN đã rất sẵn sàng và đã chuẩn bị hệ thống cơ sở dịch vụ, sản phẩm, nguồn lực xúc tiến, phối hợp với địa phương, Tổng cục Du lịch để định vị được nguồn khách cho Đà Nẵng 2022, đặc biệt khi Thành phố là 1 trong 5 địa phương được triển khai thí điểm đón khách có hộ chiếu vaccine. Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ là 2 địa phương có lợi thế là điểm đến khi có sự kết hợp sản phẩm du lịch của 2 địa phương để đón nguồn khách này.
Với không khí lạc quan khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và tốc độ phủ vaccine nhanh, dự báo từ tháng 6 du khách nội địa sẽ quay lại Đà Nẵng với nhịp độ cao; tháng 7 và 8 hy vọng các thị trường quốc tế chính như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) sẽ quay trở lại tốt và các thị trường xa như châu Đại Dương, Mỹ thì sẽ phục hồi vào cuối năm.
Năm 2022 là năm chuẩn bị để năm 2023 và 2024 du lịch quay trở lại cao điểm như năm 2019. "Cộng đồng DN du lịch chúng tôi hoàn toàn tuân thủ quy định y tế địa phương, đặt an toàn phòng chống dịch lên trên hết, tạo ra một hệ sinh thái an toàn, du lịch an toàn. Khách xuống máy bay đi xe về khách sạn, đi ăn, đi tham quan theo luồng an toàn do cơ quan y tế địa phương thẩm định. DN Đà Nẵng cam kết đảm bảo an toàn cho du khách đến nơi đây", ông Cao Trí Dũng khẳng định.
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, để thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống, kiểm soát đại dịch, vừa đẩy mạnh khôi phục tăng trưởng kinh tế, ngành du lịch Đà Nẵng dự kiến 2 kịch bản phục hồi.
Kịch bản 1 phấn đấu tổng lượng khách lưu trú dự kiến đạt 3,5 triệu lượt khách, tăng 3 lần so với ước thực hiện năm 2021. Kịch bản 2 thì lượng khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt khoảng 2,1 triệu lượt khách, tăng 87,8% so với năm 2021.
Mục tiêu trong ngắn hạn, Đà Nẵng sẽ duy trì những thị trường lớn; xây dựng những kế hoạch xúc tiến quảng bá hiệu quả, thu hút lại những luồng khách từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Đà Nẵng cũng đẩy mạnh công nghệ số vào phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.