Bệnh nhân Covid-19 gặp nhiều di chứng về sức khỏe sau khi khỏi bệnh. (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy)
Các hội chứng hậu Covid-19 có thể diễn ra 3 tháng sau nằm viện điều trị. Người bệnh nằm viện càng lâu, càng để lại nhiều di chứng về tổn thương cơ, rối loạn vận động, sang chấn tâm lý.
Những sang chấn do Covid-19 có thể kéo dài hàng tháng
Anh Bùi Phi L. mất 4 tháng sau khi bước qua cửa tử vì suy hô hấp nặng do Covid-19, phải can thiệp nội khí quản 2 tuần để có thể trở lại cuộc sống bình thường. Bình thường theo đúng nghĩa có thể tự vận động đi lại, tự phục vụ bản thân, trạng thái tâm lý ổn định.
Sau khi may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai giành giật tính mạng anh từ tay tử thần và trở về nhà, anh L. có nhiều lần muốn tự tử vì không chịu đựng nổi những di chứng do Covid-19 mang lại với những cơn đau tức ngực do tim, phổi tổn thương nặng, thận tiệm cận suy độ 2, viêm nhiễm nhiều bộ phận cơ thể.
Chị L., vợ anh L. cho biết, sự hồi phục của anh L. có sự hỗ trợ của rất nhiều bác sĩ từ chăm sóc các vết thương sau can thiệp đường thở, giúp bổ trợ dinh dưỡng để ăn uống ngon miệng hơn, kê đơn thuốc theo từng giai đoạn và động viên chị ở những lúc khó khăn nhất. “Hiện nay anh đã có thể phụ vợ bán hủ tiếu mỗi sáng để trang trải kinh tế cho cả gia đình”, chị L. tâm tự.
Anh L. cũng giống như 80% F0 khác, mắc những di chứng hậu Covid-19. Theo khảo sát của một số cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 lớn, tỷ lệ bệnh nhân mắc rối loạn tâm lý, trầm cảm rất lớn.
Cuối tháng 9/2021, kết quả khảo sát đánh giá sức khỏe tinh thần của bệnh nhân mắc Covid-19 tại các khoa điều trị ở Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP Thủ Đức cho thấy có 20% bệnh nhân bị trầm cảm, 53,3% rối loạn lo âu và 16,7% bị stress. Một số di chứng về sức khỏe có thể vĩnh viễn.
Ở trẻ em, tỷ lệ này thấp hơn nhưng vẫn ghi nhận. Theo các bác sĩ tại Bệnh Viện Nhi Đồng TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày đang khám cho 5-10 trẻ F0, trong đó có 1% mắc nguy cơ hội chứng hậu Covid-19 cần theo dõi.
Bác sĩ Dư Minh Trí, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh Viện Nhi Đồng TP Hồ Chí Minh cho biết, di chứng Covid-19 tập trung ở nhóm viêm đường hô hấp ho kéo dài nặng ngực. Nhiều trẻ sau 2 tuần nhiễm Covid-19 có thể sẽ sốt lại 3 ngày và tổn thương nhiều cơ quan như mắt đỏ, da nổi mẩn, rát nóng. “Hội chứng hậu Covid-19 ở trẻ em kéo dài 4 tháng hoặc lâu hơn tùy sức khỏe”, bác sĩ Trí cho hay.
Quan tâm di chứng hậu Covid-19, đừng bỏ lỡ tầm soát bệnh lý khác
Theo bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ có thể hồi phục hoàn toàn, có triệu chứng hô hấp kéo dài hơn như ho khan, có tức ngực, khó thở vì gắng sức kéo dài.
Với bệnh nhân Covid-19 nặng, nhiều người bệnh nhiều vấn đề tồn tại dai dẳng cần nhiều thời gian hồi phục như tổn thương cơ, rối loạn vận động. Đặc biệt về tâm lý, nhiều người sẽ có rối loạn ở các mức khác nhau: lo lắng, trầm cảm, stress, có ý nghĩ tự tử…
“Hậu Covid-19 là vấn đề khá mới với thế giới. Tại Việt Nam, các địa phương mới đang chủ yếu chăm và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 và chủ yếu quan tâm đặc biệt tới bệnh nhân nặng cần chuyển về cơ sở phục hồi chức năng, chuyên ngành bệnh lý nền như tim mạch, phổi của bệnh nhân. Công tác chăm sóc hậu Covid-19 chưa được chú trọng lắm. Một số hội nghị khoa học hiện nay cũng đưa vấn đề này vào thảo luận”, bác sĩ Khiêm nói.
TP Hồ Chí Minh giai đoạn này đã qua đỉnh bão và đang là địa phương đầu tiên dành nguồn lực chăm sóc cho bệnh nhân hậu Covid-19. Vì thế, để bệnh nhân hòa đồng với cuộc sống, một số bệnh viện đã bắt đầu triển khai các phòng khám hậu Covid-19, khám kỹ hơn về các di chứng như tổn thương phổi, hỗ trợ tập phục hồi chức năng vận động, hỗ trợ về tâm lý.
Đối với trẻ em, bác sĩ Khiêm cho biết, theo báo cáo trên y văn thế giới, những tổn thương về thực thể ở trẻ em không quá nhiều. Các gia đình có con từng là F0 cần chú ý nhưng cũng không cần quan tâm thái quá về các tổn thương bệnh lý, thực thể. Tuy nhiên, những trẻ em bị ảnh hưởng lớn nhất về tâm sinh lý là trẻ có bố mẹ không may bị qua đời do đại dịch.
Theo PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, hậu Covid-19 là câu chuyện dài với cả thế giới và Việt Nam. Theo ông Nhung, việc phục hồi chức năng cho những người nhiễm Covid-19 rất quan trọng bao gồm cả về tâm lý thể lực và dinh dưỡng. Hiện nay, Bệnh viện Phổi Trung ương đang khảo sát và nghiên cứu sâu về vấn đề này.
PGS, TS Nguyễn Văn Chi, nguyên phụ trách Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các F0 sau khi điều trị khỏi sẽ được cấp đơn thuốc, về tập luyện, tập thở, chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi và hẹn thời gian tái khám.
Di chứng do Covid-19 có mức độ khác nhau ở mỗi người. Tuy nhiên, người bệnh đừng lấy sự khó chịu đó đổ cho hậu Covid-19 mà bỏ qua những vấn đề cần phải đi khám.
“Bệnh nhân có thể đau do triệu chứng bệnh lý khác như tức ngực, khó thở như tim mạch, đau đầu, chóng mặt là biểu hiện của bệnh lý thần kinh. Nếu cứ trầm uất cho rằng đó là do Covid-19 thì sẽ bỏ qua cơ hội tầm soát bệnh khác. Vì thế, người bệnh Covid-19 sau khi khỏi bệnh nên cần tới 2 nơi để tái khám, gồm tái khám về điều trị Covid-19 và xem lại vấn đề của Covid-19; nếu có những bệnh nền từ trước cần khám lại, đánh giá lại tình trạng bệnh nền để tiếp tục điều trị”, bác sĩ Chi nói.