Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh ngân hàng là lĩnh vực rất quan trọng, là huyết mạch của nền kinh tế, việc bảo đảm an toàn và phát triển lành mạnh ngành ngân hàng luôn được ĐBQH, cử tri, nhân dân đặc biệt quan tâm.
Phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng vào chiều 8/6 và sáng ngày 9/6 đã có 57 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đăng ký chất vấn, 32 đại biểu nêu câu hỏi chất vấn, 5 đại biểu tranh luận, còn 25 đại biểu đã đăng ký hết thời gian đề nghị được gửi câu hỏi chất vấn đến Thống đốc để được trả lời bằng văn bản.
Ảnh: quochoi.vn
Trả lời thẳng, giải trình đầy đủ các vấn đề
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy các đại biểu đã bám sát nội dung chất vấn, tập trung nhiều ý kiến, tâm huyết, trách nhiệm, đi thẳng vào vấn đề và gợi mở nhiều giải pháp quan trọng.
Thống đốc NHNN tuy mới nhận nhiệm vụ hơn 1 năm nhưng đã có nhiều năm công tác tại NHNN nên đã chuẩn bị kỹ lưỡng và nắm chắc các vấn đề thuộc chức năng quản lý nhà nước của NHNN, đã trả lời thẳng vào vấn đề ĐBQH quan tâm, giải trình đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, đề xuất một số giải pháp tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua. Tham gia trả lời, giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề chất vấn có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.
Tuy nhiên, qua chất vấn nhiều ĐBQH vẫn còn những băn khoăn, lo lắng trước những khó khăn, thách thức có thể ảnh hưởng tới lĩnh vực ngân hàng trong thời gian tới, như tác động chính trị trên thế giới, áp lực lạm phát ngày càng tăng, ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ ở trong nước.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thuộc trách nhiệm của NHNN nhìn chung còn chậm, nhất là việc triển khai gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% trong thực tế.
Việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội chưa đạt được mục tiêu do khó khăn, tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Việc phê duyệt Đề án Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 còn chậm. Việc xử lý các ngân hàng thương mại, các TCTD yếu kém cần phải huy động lớn nguồn lực và chưa có tiền lệ nên còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Bên cạnh đó, việc ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng còn bất cập, nhìn chung chưa có tiêu chí, phương thức thống nhất, việc điều chỉnh trong năm cũng chưa linh hoạt, còn bị động. Việc phấn đấu tiết kiệm chi phí hoạt động và sử dụng các công cụ, chính sách tiền tệ để giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế còn rất nhiều thách thức. Tình trạng tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng còn diễn biến phức tạp; diễn biến không bình thường của giá vàng khi chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và thế giới cũng như giữa các thương hiệu vàng trong nước.
Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
Trên cơ sở những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế thời gian qua, để phát triển ngành ngân hàng lành mạnh, bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn đề nghị Chính phủ, Thống đốc NHNN, các Bộ trưởng, Trưởng ngành quan tâm, tiếp tục phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế.
Tiếp tục triển khai quyết liệt Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết 11/NQ-CP về chính sách tiền tệ, tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Tiếp tục phấn đấu tiết giảm chi phí và hạ lãi suất cho vay đối với nền kinh tế như Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về tiền tệ, quản lý ngoại hối, vàng và hoạt động ngân hàng, bảo đảm an toàn hoạt động hệ thống các TCTD.
Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu
Tổ chức triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; phát triển hệ thống TCTD theo hướng các TCTD trong nước đóng vai trò chủ lực, hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch, đáp ứng các chuẩn mực về an toàn và các hoạt động ngân hàng và tiệm cận thông lệ quốc tế, phấn đấu đạt trình độ phát triển của nhóm nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.
Tập trung xây dựng, phê duyệt, triển khai Đề án Cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, phấn đấu đến hết năm 2025 cơ bản xử lý xong các ngân hàng, TCTD yếu kém, nâng cao năng lực tài chính của TCTD. Quan tâm cung cấp thêm vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng có cổ phần Nhà nước chi phối.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị tiếp tục ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo và sử dụng có tính chất thao túng, chi phối trong các TCDT. Tăng cường năng lực, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, thanh tra chuyên đề đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật số, đẩy mạnh ứng dụng Fintech, công nghệ tài chính trong lĩnh vực này.
Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, thực hiện quyết liệt các biện pháp để thu hồi nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh đến năm 2025, đưa nợ xấu toàn hệ thống bao gồm nợ xấu đã bán cho VAMC xuống mức 3%.
Xây dựng tiêu chí phân tích chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng đảm, bảo đảm thống nhất, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị, điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD.
Bảo đảm cung ứng vốn cho thị trường chứng khoán, bất động sản
Phát triển thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng một cách lành mạnh. Giám sát chặt để tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Đồng thời bảo đảm cung ứng vốn cho thị trường chứng khoán, bất động sản tiếp tục phát triển lành mạnh và bền vững; quyết liệt triển khai chiến lược tài chính toàn diện, phát triển mạnh các tổ chức tài chính vi mô; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn vay.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức để phục vụ sản xuất kinh doanh, nhu cầu đời sống tiêu dùng chính đáng, góp phần hạn chế tín dụng đen, đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, triển khai giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm an toàn và hiệu quả.
Nghiên cứu, triển khai áp dụng các giải pháp kỹ thuật để tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống thông tin tuyển dụng nghiệp vụ ngân hàng.
Đồng thời tăng cường quản lý, giám sát hoạt động cung cấp, cung ứng dịch vụ ngân hàng điện tử và phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm có liên quan.
Phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan chức năng triển khai mở rộng, cho phép các ngân hàng kết nối, khai thác thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khai thác thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chip, hạn chế các hành vi gian lận mạo danh, làm giả giấy tờ tùy thân khi thực hiện giao dịch ngân hàng điện tử. Đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng, hiện tượng mua bán tài khoản ngân hàng trên không gian mạng./.