Bác sĩ khám cho bệnh nhi có hội chứng MIS-C. (Ảnh: H.V)
Hội chứng MIS-C hay còn gọi là hậu Covid-19 ở trẻ nhỏ là hội chứng viêm đa cơ quan do phản ứng miễn dịch của cơ thể trẻ khi chống lại virus xâm nhập gây ra rối loạn miễn dịch, có thể tạo ra cơn bão cytokine, gây tổn thương toàn bộ hệ thống cơ quan cơ thể.
Biến chứng có thể gặp ở trẻ sau nhiễm Covid-19
TS, BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sau khi khỏi Covid-19, nếu trẻ gặp di chứng sẽ rơi vào tình trạng nặng và có nhiều biến chứng khó lường. Theo các nghiên cứu của chuyên gia nước ngoài, có khoảng 2/100.000 trẻ gặp hội chứng MIS-C. Hội chứng này hậu quả nặng nề và là nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em sau mắc Covid-19.
Hội chứng MIS-C là hội chứng viêm đa cơ quan, đa hệ thống sau nhiễm Covid-19 do phản ứng miễn dịch của cơ thể. Khi virus xâm nhập cơ thể, trẻ tạo ra kháng thể chống lại virus gây ra rối loạn, tạo ra các cytokine, gây tổn thương toàn bộ hệ thống cơ quan cơ thể.
Trong đó, các tổn thương cơ quan hay gặp nhất như: tổn thương ở da như sốt, phát ban; Tổn thương đường tiêu hóa như nôn, ỉa chảy, đau bụng; Tổn thương ở các hệ thống tim mạch, giãn mạch vành; Tổn thương cơ quan khác như thận (tỷ lệ mắc thận cấp tới 20%). Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây tử vong và diễn biến khó lường.
Dấu hiệu nhận biết hội chứng MIS-C
Bác sĩ Tuấn cho biết, triệu chứng nhiễm Covid-19 ở trẻ rất nhẹ nhàng, thoáng qua, không biểu hiện rõ ràng, nặng nề như người lớn nhưng chính vì thế, nhiều gia đình không biết trẻ đã mắc Covid-19 từ bao giờ.
Để nhận biết dấu hiệu của hậu Covid-19, bác sĩ Tuấn phân tích, thông thường các cháu mắc Covid-19 sau 2-6 tuần nếu có biểu hiện sau: xuất hiện sốt cao trở lại (Theo WHO, CDC Hoa Kỳ sốt cao ít nhất trên 24 giờ) kèm theo tổn thương da, phù nề, sưng huyết mắt, niêm mạc, tay chân, rối loạn tiêu hóa, biểu hiện sốc mệt da tái, tim nhanh, tụt huyết áp, tổn thương tim mạch… kèm có tiền sử mắc Covid-19 hoặc gia đình từng có người mắc hoặc tại vùng dịch có rất nhiều mắc Covid-19, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để khám.
Sau khi vào viện, các bác sĩ sẽ cho trẻ làm các xét nghiệm để xem khả năng đáp ứng viêm hệ thống, đánh giá chức năng của tim, xét nghiệm men tim; chẩn đoán rối loạn đông máu; xét nghiệm về cơn bão cytokine.
Bên cạnh đó nếu nghi ngờ tổn thương tim, bệnh nhi sẽ được chỉ định làm điện tim, siêu âm tim, X-quang tim phổi, xét nghiệm chức năng gan thận.
Bên cạnh đó các bác sĩ cần phân biệt rõ ràng nguyên nhân khác gây bệnh, đặc biệt ở trẻ là nguyên nhân nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, sốc độc tố do tụ cầu và một số bệnh kawasaki…
Việt Nam đã xây dựng phác đồ điều trị dựa trên khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ. Vì thế, bác sĩ Tuấn mong các bác sĩ các tuyến dưới sẽ đọc kỹ phác đồ, các bác sĩ tuyến trên sẽ đào tạo, hướng dẫn để y tế các tuyến có kiến thức giúp chẩn đoán sớm hội chứng MIS-C để giảm tỷ lệ trẻ biến chứng.
Ngăn ngừa tình trạng hậu Covid-19 ở trẻ
Để phòng chống ngăn ngừa hậu Covid-19, bác sĩ Tuấn cho biết, điều quan trọng nhất là phải giảm mức độ nặng của bệnh nhi khi nhiễm Covid-19 bằng việc tiêm vaccine phòng bệnh theo khuyến cáo.
“Nhiều gia đình chưa hiểu rõ hậu Covid-19 và hội chứng MIS-C nên có trào lưu phản đối vaccine. Chính phủ và Bộ Y tế cố gắng đàm phán mua vaccine triển khai trong thời gian tới, mọi người cần cho con đi tiêm vaccine để có được miễn dịch tốt nhất. Không phải vaccine nào phòng 100% nhưng các nghiên cứu cho thấy trẻ được tiêm sẽ giảm tỷ lệ chuyển nặng và biến chứng của bệnh”, bác sĩ Tuấn nói.
Khi cả nước đang dần bước vào cuộc sống bình thường mới, khi các cháu trở lại trường cần thực hiện 5K, tránh tụ tập đông người, đeo khẩu trang, vệ sinh tay, có chế độ chăm sóc dinh dưỡng hợp lý.
Hiện nay, các cháu nhiễm Covid-19 sau khi ra viện sẽ được cơ sở điều trị tư vấn tái khám theo hướng dẫn sau 2 tháng. Khi ở nhà, gia đình cần có chế độ dinh dưỡng chăm sóc sau mắc bệnh, để trẻ nghỉ ngơi, tránh hoạt động nặng nề.
Về vấn đề có nên coi Covid-19 là bệnh cúm thông thường như một số quốc gia khác, bác sĩ Tuấn cho rằng Việt Nam cần phải thận trọng, cần phải nghiên cứu và tham khảo các nước đã triển khai xem lựa chọn thời điểm quyết định phù hợp không. Việt Nam nên dựa vào các ý kiến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để có những quyết định bởi virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục xuất hiện nhiều biến thể mới và chưa biết khi nào sẽ mất đi.
Bác sĩ Tuấn chia sẻ thêm, không phải trẻ nào cũng rơi vào hội chứng MIS-C tuy nhiên các gia đình khi có con từng nhiễm Covid-19 hoặc sống trong vùng dịch cần lưu ý để có những xử trí kịp thời.