Việc kết hợp giữa y học hiện đại và cổ truyền sẽ đem lại hiệu quả cao trong việc khám, chữa các bệnh lý thông thường. Khi cần cấp cứu, xử trí gấp, người bệnh cần tìm tây y, sau khi cấp cứu ổn định sẽ sử dụng đông y để hỗ trợ điều trị.
Bệnh nhân tới khám sau khi hết F0 tại Phòng khám hậu COVID-19- BVĐK Y học cổ truyền Hà Nội. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Chia sẻ với phóng viên, TS. Trần Quốc Hùng, Bí thư đảng ủy, Giám đốc BVĐK Y học cổ truyền Hà Nội (bệnh viện duy nhất toàn quốc kết hợp cả đông y và tây y trong y học cổ truyền) cho biết: Việc kết hợp giữa y học hiện đại và cổ truyền sẽ đem lại hiệu quả cao trong việc khám, chữa các bệnh lý thông thường và với dịch bệnh COVID-19 cũng vậy. Khi bệnh nhân cần cấp cứu, xử trí gấp sẽ sử dụng đến tây y, sau khi cấp cứu ổn định sẽ sử dụng đông y để hỗ trợ điều trị.
Từ tháng 12/2021, BVĐK Y học cổ truyền Hà Nội là một trong những bệnh viện của thành phố được giao nhận điều trị bệnh nhân F0 tầng 2, với tổng số giường là 250. Tính đến ngày 22/2, số bệnh nhân nằm trong viện điều trị gần 100 người, không tính những bệnh nhân đã khỏi và ra viện.
Vói đặc thù của ngành chuyên khoa y học cổ truyền, trong điều trị COVID-19, ngoài phác đồ điều trị chung của Bộ Y tế, bệnh viện đã kết hợp thêm các bài thuốc và những chế phẩm do bệnh viện sản xuất để phối hợp điều trị bệnh nhân F0, trong đó có nhiều bệnh nhân có bệnh lý nền về tiểu đường, huyết áp, tim mạch, các bệnh nội tiết, gan… Bên cạnh đó, bệnh viện dùng thêm phương pháp xông thuốc cho bệnh nhân. Từ khi tiếp nhận nhiệm vụ mới, bệnh viện hoạt động hết công suất và luôn túc trực cấp cứu 24/24h để kịp thời đáp ứng, xử trí những trường hợp cấp cứu nặng do chưa tiêm đủ liều vaccine hoặc do bệnh lý nền nhưng mắc COVID-19.
"Trong quá trình điều trị kết hợp giữa hai nền y học, bệnh viện nhận thấy việc điều trị liên quan đến vấn đề tiêm chủng của bệnh nhân. Nếu đã tiêm đủ 2 mũi trở lên thì thời gian điều trị rút ngắn chỉ còn 7 ngày, bệnh nhân sẽ trở lại trạng thái âm tính hoàn toàn và đủ tiêu chuẩn ra viện. Nếu chưa tiêm đủ hai mũi, triệu chứng đều tăng nặng hơn, thời gian điều trị sẽ kéo dài từ 10-14 ngày, cá biệt có những bệnh nhân phải đến 20 ngày mới ổn định. Đối với những bệnh nhân chưa tiêm mũi nào, có bệnh nền thì điều trị rất vất vả. Những bệnh nhân đó sang ngày thứ 7 hoặc thứ 10 dễ chuyển sang tăng nặng, cần hội chẩn để chuyển tầng 3. Sau khi hạ tầng trở lại tầng 2, bệnh viện sẽ nhận lại để điều trị tiếp. Khi ra khỏi khu vực F0, tùy từng bệnh nền khác nhau, bệnh nhân được phân về các khoa phòng phù hợp, đồng thời thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nguyên tắc phòng, chống dịch"- bác sĩ Hùng cho biết.
Trên thực tế, những bệnh nhân được điều trị kết hợp cả y học cổ truyền và y học hiện đại, sau đó hết F0 thì được bệnh viện tiếp tục đón nhận chữa bệnh nền. Di chứng của hậu COVID-19 của bệnh nhân ít xảy ra hơn so với không kết hợp giữa đông y và tây y. Việc kết hợp chữa trị này giúp cho bệnh nhân tránh được các bệnh hậu COVID-19 như rối loạn đường thở, rối loạn thần kinh, bồn chồn lo âu. Khi đã điều trị rất nhiều triệu chứng cùng lúc như vậy thì khi quay lại các buồng bệnh, bệnh nhân tiếp tục được điều trị bệnh nền bình thường. Sau 7 hoặc 10 ngày điều trị, những di chứng của hậu COVID-19 ít giảm đi và được chữa khỏi.
Khám hậu COVID-19 sớm để điều trị kịp thời
Ths.BS Hoàng Vũ Long, Phòng Đào tạo nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến, phụ trách chuyên môn Phòng khám hậu COVID-19 của bệnh viện cho biết: Phòng khám hậu COVID-19 tại bệnh viện đã mở được hai tuần nay. Qua thực tế thăm khám cho thấy, di chứng chủ yếu là về hô hấp, tuần hoàn, mất vị giác, khứu giác, đau tức ngực, đãng trí…
Theo y học cổ truyền, COVID-19 là bệnh được quy vào phạm vi "Dịch bệnh", "Ôn bệnh" hoặc "Nhiệt dịch độc". Bệnh ban đầu chủ yếu gây tổn thương hai tạng phế và tỳ. Vì vậy sau khi kết thúc điều trị hoặc do người bệnh thấy đỡ triệu chứng không tiếp tục điều trị và không chú trọng bảo vệ tạng phủ, hoặc do điều trị không đúng dẫn đến 2 tạng chưa thể hồi phục hoàn toàn, từ đó gây ra các di chứng về sau. Nếu không tích cực điều trị sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan ngũ tạng khác, có thể để lại di chứng khó điều trị hoặc di chứng vĩnh viễn.
Một số di chứng do tổn thương tạng phế chưa phục hồi hoàn toàn như: Ho lâu dài, hụt hơi đoản hơi, mất khứu giác, tê bì ngoài da, phát ban, mệt mỏi, đau tức ngực mất ngủ do ho nhiều đoản hơi. Bên cạnh đó là di chứng do tổn thương tạng tỳ chưa phục hồi hoàn toàn: Chán ăn, mất vị giác, đau mỏi cơ, tiêu chảy, buồn nôn, trào ngươc, lâu ngày ảnh hưởng huyết phận gây rụng tóc, huyết ứ.
Để điều trị các bệnh nhân hậu COVID-19, trong y học cổ truyền thường quan tâm đến phần khí huyết, khi khí huyết bị tổn thương nhiều thì tùy từng thể trạng mỗi người sẽ có các bài thuốc khác nhau để bồi bổ những bộ phận, cơ quan bị hư tổn. Di chứng lâu dài do ảnh hưởng khí huyết gồm: Mệt mỏi, khó thở, thở gấp, đau tức ngực, đau lâu ngày không đỡ, đau nhói, khô miệng không muốn uống nước, trống ngực, mất ngủ hay mơ, phiền táo, hay tức giận. Vì vậy, cần kết hợp các bài thuốc y học cổ truyền có tác dụng bổ khí dưỡng huyết hoạt huyết hóa ứ, giúp phục hồi chức năng ngũ tạng, cân bằng âm dương.
Cùng với đó cần bồi bổ và phục hồi chức năng tạng phế tỳ ngay sau khi kết thúc điều trị hoặc ngay từ ban đầu trong giai đoạn bị bệnh. Tùy vào thể trạng, người bệnh sẽ được bác sỹ chỉ định phương pháp điều trị khác nhau. Nhiều trường hợp chỉ cần áp dụng phương pháp không dùng thuốc như: Dưỡng sinh (một số phương pháp thiền), khí công (tập thở), thực dưỡng(bồi bổ điều trị qua thức ăn), xoa bóp bấm huyệt (ấn huyệt trị bệnh), nhĩ châm, cứu ngải, châm cứu giác hơi bệnh nhân đã khỏi hoàn toàn.
Ngoài ra, nếu không dùng thuốc thì y học cổ truyền cũng có nhiều cách để giúp phục hồi sức khỏe cho người bệnh như tập luyện dưỡng sinh, hướng dẫn bệnh nhân tập các bài thở theo âm- dưỡng (tùy từng thể trạng bệnh có những bài tập phù hợp); hay phương pháp châm cứu nếu bệnh nhân ho nhiều, tức ngực thì có thể dung phương này hoặc nhĩ châm; giác hơi, cấy chỉ.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày Phòng khám tiếp nhận khoảng 10-20 bệnh nhân ở các độ tuổi khác nhau. Trong đó, bác sĩ Long lưu ý, đối với trẻ em, sau khi bị COVID-19, phụ huynh cần quan sát xem nhiệt độ và tình hình sức khỏe của trẻ. Nếu sốt kèm tiêu chảy, ho, nôn nhiều phải đưa ngay đến khám hậu COVID-19 để loại trừ triệu chứng viêm đa cơ quan. Trong y học cổ truyền sẽ dùng các bài thuốc và phương pháp để nâng cao thể trạng, đặc biệt là thể trạng phế và tạng. Trong đó có phương pháp xoa bóp, bấm huyệt tùy theo thể trạng vừa không phải dùng thuốc mà vẫn có thể điều trị bệnh, phòng ngừa di chứng về sau như ho, khó thở, hụt hơi. Đặc biệt, khi trong giai đoạn F0 cũng có thể áp dụng phương pháp này.
Thời gian qua, bệnh viện chủ yếu tiếp nhận các trẻ bị di chứng hậu COVID-19 với biểu hiện ho, tức ngực, hụt hơi là chủ yếu, tình trạng kèm sốt vẫn chưa gặp nhiều. Tuy nhiên, trẻ cần được khám sau khi hết F0 càng sớm càng tốt. Nếu để lâu, ảnh hưởng nặng đến đa tạng có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng, có nhiều trường hợp đã cho thấy khi bệnh nhi vào một số viện sau khi khỏi COVID-19 có kèm theo tình trạng sốt, tiêu chảy, phát ban toàn thân, khi kiểm tra đã bị suy đa tạng.