GS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam nhấn mạnh, có 3 giai đoạn điều trị bệnh COVID-19 kết hợp phương pháp của y học cổ truyền đem lại hiệu quả cao nhất, đó là giai đoạn bệnh mới mắc, giai đoạn bệnh ở mức độ nhẹ, trung bình, chưa có biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là giai đoạn phục hồi bệnh (hậu COVID-19).
PGS.TS Đậu Xuân Cảnh cho biết, kết hợp điều trị y học cổ truyền cho người bệnh ở giai đoạn có các triệu chứng hậu COVID-19 đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Ảnh: VGP/Hiền Minh
Hậu COVID-19 biểu hiệu rất đa dạng
Theo các chuyên gia y tế, tình trạng nhiễm COVID-19 được chia thành 3 giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn cấp tính, biểu hiện triệu chứng trong 4 tuần kể từ khi xác định mắc COVID-19. Tiếp đó là giai đoạn tiến triển, biểu hiện triệu chứng từ 4-12 tuần từ khi mắc COVID-19. Cuối cùng là giai đoạn hội chứng hậu COVID-19. Giai đoạn này các triệu chứng xuất hiện trong, hoặc sau mắc COVID-19, tiếp tục kéo dài hơn 12 tuần và không giải thích được bằng chẩn đoán khác, thường biểu hiện thành nhóm triệu chứng, có thể thay đổi theo thời gian và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể.
Hậu COVID-19 tồn tại sau 12 tuần với các biểu hiện đa dạng, như mệt mỏi kéo dài, khó thở, đau hoặc tức ngực, ho, có vấn đề về trí nhớ và tập trung, rối loạn giấc ngủ, loạn nhịp tim, đau khớp, rối loạn cảm giác, chóng mặt, đau đầu, trầm cảm, lo âu, ù tai, đau tai, đau họng, loạn cảm họng, mất mùi, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, chán ăn, sốt, phát ban, rụng tóc…
Tại Hội nghị khoa học điều trị chứng hậu COVID-19 bằng phương pháp kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại do Hội Đông y Việt Nam tổ chức ngày 30/3, Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, trên thế giới hiện không có bệnh hậu COVID-19, mà đây là tập hợp các rối loạn hậu COVID-19 do nhiều cơ chế, tổn thương khác nhau phối hợp.
Chính vì vậy, rất khó có thể có một bài thuốc, phác đồ chung cho tất cả các bệnh nhân có triệu chứng hậu COVID-19. Việc điều trị phải cá thể hóa theo từng cơ chế sinh bệnh ở mỗi bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp đã đề xuất Hội Đông y tham gia giải quyết các vấn đề về lý luận bệnh học hậu COVID-19, như tổ chức khám, đánh giá, nghiên cứu cụ thể trên bệnh nhân hậu COVID-19, đề xuất các giả thiết về cơ chế bệnh sinh theo lý luận Đông y, đề xuất xử trí Đông y theo từng thể bệnh, cơ chế bệnh sinh, kiểm chứng giả thiết và kiểm chứng phác đồ đề xuất.
Còn theo PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, bệnh này có 3 giai đoạn điều trị kết hợp y học cổ truyền đem lại hiệu quả cao nhất, đó là giai đoạn bệnh mới mắc, giai đoạn bệnh ở mức độ nhẹ, vừa, chưa có biến chứng nguy hiểm và giai đoạn phục hồi bệnh (hậu COVID-19).
"Khi có diễn biến nặng, người bệnh phải được chuyển đến ngay cơ sở y tế để được chăm sóc toàn diện và hiệu quả hơn. Y học cổ truyền không điều trị bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh nặng", PGS.TS Đậu Xuân Cảnh nhấn mạnh.
Kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền trong điều trị hậu COVID-19 rất quan trọng
Việc kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền trong điều trị hậu COVID-19 rất quan trọng. Các triệu chứng hậu COVID-19 ghi nhận phổ biến như ho, rối loạn tiêu hóa, khó ngủ, trí nhớ suy giảm… khi sử dụng các phương pháp của y học cổ truyền cho thấy hiệu quả rất cao.
Bản chất những trạng thái này là sự suy giảm các chức năng của cơ thể sau khi mắc COVID-19 và y học cổ truyền có khả năng phục hồi nhanh các chức năng của cơ thể, giúp người bệnh sớm khỏe trở lại.
TS. Trần Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội chia sẻ, hiện nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân đến khám sau khi mắc COVID-19. Những bệnh nhân này chủ yếu dùng phương pháp y học cổ truyền. Ví dụ người bệnh có triệu chứng đau lưng thì có thể xoa bóp, châm cứu, hay bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi, mất ngủ, bồn chồn, lo âu có thể dùng thuốc, thuốc ngâm, thuốc sâm… hoặc sử dụng những chế phẩm của bệnh viện mà đã được bảo hiểm y tế thanh toán với thời gian liệu trình từ 3 tuần trở lên, sức khỏe đều cải thiện rõ rệt.
Còn theo chia sẻ của bác sĩ Lê Thị Hồng Nhung, Trưởng Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 150-200 bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 đến khám. Các triệu chứng thường gặp nhất ở những người này là mệt mỏi (chiếm 87%), hụt hơi, khó thở (73%), rụng tóc (24%), ho khan, đau nặng ngực (61%)...
Các phương pháp được bệnh viện dùng để điều trị các triệu chứng hậu COVID-19 gồm: Dùng thuốc, không dùng thuốc (như châm cứu, nhĩ châm, thủy châm, cấy chỉ, xoa bóp, bấm huyệt, vật lý trị liệu), tập thở ngực bụng, thực dưỡng và tâm lý liệu pháp.
"Theo kết quả ban đầu, các triệu chứng khó thở, mệt mỏi, hụt hơi, mất ngủ, ho khan hay ho có đờm, rối loạn chú ý, đau nhức khớp ở các bệnh nhân được cải thiện hơn 85% sau 4 tuần điều trị", bác sĩ Lê Thị Hồng Nhung cho biết.
Các chuyên gia y tế cũng lưu ý người dân cần chủ động phát hiện các triệu chứng sau khi mắc COVID-19. Những triệu chứng này không tồn tại trước khi bệnh nhân mắc COVID-19.
Trường hợp bệnh nhân phát hiện các triệu chứng sau khi mắc COVID-19 thì cần phải đi khám để khẳng định đó có phải là triệu chứng hậu COVID-19 hay không, nếu đúng thì sẽ điều trị các triệu chứng phù hợp nhất.