Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, kết thúc phiên giao dịch 19/4, sắc đỏ áp đảo bảng giá 31 mặt hàng đang giao dịch. Đáng chú ý nhất là việc nhóm năng lượng giảm rất mạnh đến gần 6%, qua đó khiến chỉ số MXV-Index sụt giảm 2,5% về mức 3.040,3 điểm, chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp trước đó.
Diễn biến của các mặt hàng trong phiên hôm qua một phần do tác động từ tâm lý chốt lời của giới đầu tư, sau khi giá đã tăng khá mạnh kể từ đầu tuần trước. Điều này thể hiện rõ ở việc giá trị giao dịch toàn Sở vẫn duy trì ở mức 5.400 tỷ đồng, giảm nhẹ không đáng kể so với phiên đầu tuần.
Giá dầu thô giảm mạnh trong phiên tối qua, với những dự báo tiêu cực về triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Đóng cửa, giá dầu WTI giảm 5,17% xuống 102,05 USD/thùng còn giá dầu Brent giảm 5,22% xuống 107,25 USD/thùng.
Giá dầu tăng trong phiên sáng với những lo ngại về sản lượng giảm tại Libya, khi các mỏ dầu và cảng xuất khẩu của nước này liên tiếp phải đóng cửa trước các cuộc biểu tình. Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Tin tức của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), cảng Marsa El Brega tại nước này đã được đưa vào danh sách “không thể thực hiện các cam kết và hiệp ước đối với thị trường dầu”. Hiện tại, sản lượng dầu của Libya được ước tính thiệt hại ở mức trên 400.000 thùng/ngày.
Tuy vậy, giá gặp áp lực lớn sau khi thất bại trong việc phá kháng cự mạnh. Thêm vào đó, trong báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” mới nhất của IMF, cơ quan này hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 và 2023 lần lượt ở mức 0,8% và 0,2% xuống mức 3,6% trong cả 2 năm so với số liệu tháng 1, do ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. IMF cảnh báo cuộc chiến kéo dài có thể sẽ làm cho rủi ro kinh tế thế giới đi xuống. Các hoạt động sản xuất sẽ bị chậm lại, tăng rủi ro lạm phát và giá cả.
Với vai trò là năng lượng chính cho các hoạt động công nghiệp và sản xuất, thông tin này khiến cho giá dầu thô chịu ảnh hưởng mạnh hơn cả, so với các loại nguyên liệu đầu vào khác như nhóm kim loại. Bên cạnh đó, rủi ro lạm phát còn khiến cho dòng tiền trên thị trường chuyển dịch một phần vào nắm giữ các tài sản an toàn như trái phiếu và tiền mặt, khiến tài sản tài chính chung như thị trường hàng hóa chịu áp lực.
Thông tin này còn làm lu mờ cả số liệu của OPEC+ khi tổ chức này cho biết, sản lượng dầu của nhóm hiện đang ở mức thấp hơn 1,45 triệu thùng/ngày so với hạn ngạch đề ra, với sản lượng dầu từ Nga chỉ riêng trong tháng 3 đang thấp hơn mốc tiêu chuẩn khoảng 300.000 thùng/ngày. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, con số này sẽ tăng dần lần lượt 1,5 triệu thùng/ngày và 3 triệu thùng/ngày trong tháng 4 và tháng 5 năm nay.
Tuy vậy, thông tin của Viện Dầu khí Mỹ API sáng nay cho biết, tồn kho dầu thô thương mại giảm mạnh 4,5 triệu thùng tuần kết thúc 15/4 đang là yếu tố hỗ trợ tâm lý thị trường, đặc biệt sau khi số liệu cho thấy tồn kho tăng mạnh trong kỳ báo cáo trước.