Liên quan đến thông tin Thái Lan và Việt Nam nhất trí hợp tác trong việc nâng giá gạo trên thị trường toàn cầu, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khẳng định, Việt Nam tuân theo quy luật thị trường về giá lúa gạo.
Hãng tin CNA ngày 29/8 dẫn lời một quan chức Thái Lan đưa tin, Thái Lan và Việt Nam đã nhất trí hợp tác trong việc nâng giá gạo trên thị trường toàn cầu, sau nhiều tháng đàm phán nhằm cải thiện thu nhập ở nông thôn.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt thông tin về giá gạo Việt Nam chiều ngày 5/9 - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Theo đó, Thái Lan và Việt Nam đã bắt đầu tiến trình đàm phán từ tháng 5. Mục tiêu của kế hoạch là tăng giá gạo xuất khẩu, tăng đòn bẩy của hai nước trên thị trường toàn cầu và nâng cao thu nhập của nông dân.
"Đây là lần đầu tiên Thái Lan và Việt Nam đồng ý hợp tác để nâng giá gạo trên thị trường toàn cầu", Cố vấn của Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Alongkorn Ponlaboot nhận định.
Cố vấn Alongkorn Ponlaboot cho biết, bản tóm tắt của vòng đàm phán mới nhất và kế hoạch tăng giá sẽ được trình lên các Bộ trưởng Nông nghiệp của cả hai nước.
Sản lượng gạo của hai nước Thái Lan và Việt Nam chiếm khoảng 10% sản lượng gạo thô toàn cầu và khoảng 26% lượng gạo xuất khẩu của toàn thế giới.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Thái Lan Pramot Charoensin, người nông dân sản xuất lúa gạo đang chịu tác động kép của đại dịch COVID-19 và xung đột Nga-Ukraine, trong khi giá xuất khẩu gạo cơ bản không thay đổi trong thời gian qua. Cơ quan chức năng Thái Lan sẽ tổ chức một cuộc họp nội bộ, với sự tham dự của Hiệp hội Nông dân, Hiệp hội Xay xát, doanh nghiệp xuất khẩu và các công ty liên quan khác trước khi tổ chức cuộc họp với phía Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan cũng khẳng định, thúc đẩy giá gạo xuất khẩu ở mức công bằng hơn là nhiệm vụ và trách nhiệm của tất cả các quốc gia xuất khẩu. Việc Thái Lan và Việt Nam nhất trí hợp tác trong vấn đề này là bước đi đầu tiên. Về lâu dài, hai nước sẽ đề nghị Ấn Độ và nhiều quốc gia xuất khẩu gạo khác tăng cường hợp tác, thay vì cạnh tranh, để điều tiết giá gạo xuất khẩu ở mức hợp lý. Qua đó một mặt hỗ trợ người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu, mặt khác bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Về vấn đề này, chiều 5/9, tại cuộc họp báo quý III của Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khẳng định, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do nên tuân thủ đúng theo quy định của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Đối với vấn đề giá lúa gạo, Việt Nam cam kết tuân theo quy luật thị trường về giá và luôn thực hiện trách nhiệm của Việt Nam với vấn đề an ninh lương thực.
Xuất khẩu gạo cao kỷ lục
7 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 4,19 triệu tấn, tương đương giá trị hơn 2 tỷ USD, tăng 20,5% về lượng và 9% giá trị so với cùng kỳ 2021. Đây là mức xuất khẩu cao kỷ lục từ trước đến nay. Tuy nhiên, bước sang đầu tháng 8/2022, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bất ngờ giảm mạnh và sau vài đợt điều chỉnh, giá gạo xuất khẩu 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đã tuột khỏi mốc 400 USD, thấp hơn giá gạo của Thái Lan, dù trước đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp trụ vững và chiếm vị trí quán quân trong 4 nước xuất khẩu gạo truyền thống là Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ.
Giá gạo Việt Nam giảm trong tuần qua do chất lượng của vụ thu hoạch này chỉ ngang bằng với gạo Thái Lan và Ấn Độ, vốn có mức giá rẻ hơn. Tuy nhiên, giá có khả năng sẽ không giảm thêm vì nhu cầu toàn cầu vẫn mạnh, trong khi nguồn cung từ vụ thu hoạch Hè Thu ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam, gạo Việt Nam đã tìm được chỗ đứng ở các thị trường mới, cao cấp như Hoa Kỳ, châu Âu... Đặc biệt, Nhật Bản đã chính thức nhập khẩu 100 tấn gạo ST25 đầu tiên của Việt Nam để bán tại các siêu thị, cửa hàng... Nguồn cung lúa mì, ngũ cốc trên thế giới đang khan hiếm nên nhu cầu nhập khẩu gạo từ Việt Nam trên thị trường rất cao.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động phương án xuất khẩu gạo và tận dụng những lợi thế hiện có, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, cập nhật những diễn biến về thị trường, thường xuyên cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị; đồng thời phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
"Với triển vọng từ đầu năm đến nay, hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu sản lượng xuất khẩu gạo đạt 6,5 – 6,7 triệu tấn", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.