Việc thu phí cảng biển tự động không dùng tiền mặt sẽ không gây ách tắc hàng hóa tại các cảng biển trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Trong ảnh: Vận chuyển hàng hóa tại Cảng Cát Lái, thành phố Thủ Ðức.
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện thu phí cảng biển kể từ ngày 1/4/2022, theo tiêu chí minh bạch, nhanh chóng, đơn giản tối đa thủ tục hành chính và không dùng tiền mặt. Qua đó, bố trí sử dụng nguồn thu cho mục tiêu đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối cảng biển trên địa bàn thành phố.
Theo Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện Quyết định số 688/QÐ-UBND ngày 2/3/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về triển khai Nghị quyết số 10/2020/NQ-HÐND ngày 9/12/2020 của Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là phí hạ tầng cảng biển). Việc thu phí hạ tầng cảng biển do Cảng vụ đường thủy nội địa (đơn vị trực thuộc Sở Giao thông vận tải) thực hiện.
Sở Giao thông vận tải, Cục Hải quan thành phố và doanh nghiệp quản lý bến cảng phối hợp tổ chức thu và kiểm tra, giám sát việc nộp phí. Theo Nghị quyết số 10, thời gian thu phí thực hiện từ ngày 1/7/2021, nhưng do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết số 18 điều chỉnh thời gian thu phí vào ngày 1/4/2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
Theo quy định, đối tượng nộp phí là tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa tạm nhập-tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển thành phố Hồ Chí Minh (bao gồm tổ chức, cá nhân mở tờ khai hải quan tại thành phố và ngoài thành phố).
Thành phố áp dụng miễn thu phí đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Phạm vi áp dụng thu phí là các cảng biển trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Mức phí thấp nhất: 15.000 đồng/tấn, cao nhất 4,4 triệu đồng/container 40 feet.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho biết: Với việc triển khai thu phí trên toàn hệ thống gồm 26 cảng biển ở thành phố Hồ Chí Minh, ước tính mỗi năm nguồn thu phí khoảng 3.000 tỷ đồng để thành phố thực hiện các dự án mở rộng, làm thêm đường kết nối vào các cảng biển, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, qua đó giảm bớt nguồn chi từ ngân sách. Nguồn thu phí sẽ được sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm, toàn bộ số tiền thu được sẽ nộp vào ngân sách, số tiền trích lại cho đơn vị tổ chức thu phí tối đa không quá 1,5%.
Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay: Quy trình thu phí hoàn toàn tự động, sử dụng công nghệ thông tin để khai nộp phí dựa trên cơ sở dữ liệu (dữ liệu hàng hóa đã được khai báo trên cổng thông tin của Hải quan thành phố Hồ Chí Minh) được chia sẻ từ Tổng cục Hải quan. Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hỗ trợ công tác kết nối, chia sẻ dữ liệu tờ khai và hàng hóa qua cảng lên hệ thống thu phí. Cá nhân, doanh nghiệp có thể thực hiện quy trình khai báo và đóng phí trên hai Cổng thông tin điện tử gồm: Cổng thông tin điện tử của Hải quan thành phố Hồ Chí Minh và Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ: Khách hàng nộp phí cảng biển qua hệ thống thanh toán điện tử 24/7 của các ngân hàng thương mại, gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV mà không phải dùng tiền mặt. Do đó, không cần có chốt hay trạm thu phí ở các cảng.
Việc triển khai thu phí qua hệ thống hải quan điện tử, tự động nên sẽ không có chuyện xe bị ùn ứ hay phải chờ đợi để khai báo khi vào cảng. "Nhìn chung hoạt động thu phí được thực hiện công khai, minh bạch, nhanh chóng, không làm ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa của doanh nghiệp. Ðối tượng thu phí là chủ của hàng hóa, không phải là người điều khiển phương tiện", ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn cho biết thêm, thực hiện quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố từ ngày 16/2 đến 15/3/2022, đơn vị chủ trì thu phí là Cảng vụ đường thủy nội địa đã triển khai vận hành thử nghiệm Hệ thống thu phí cảng biển trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên môi trường thật nhằm chuẩn bị cho việc thu phí chính thức từ ngày 1/4 tới. Giai đoạn thử nghiệm sẽ tạo điều kiện cho cơ quan, doanh nghiệp sớm tiếp cận làm quen dần với quy trình thu phí trước khi vận hành chính thức. Sau ba tuần thử nghiệm, hệ thống thu phí hoạt động ổn định, dữ liệu được chia sẻ giữa Cảng vụ đường thủy nội địa và Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh thông suốt, có hơn 800 lượt khách hàng sử dụng hệ thống.
Công tác tuyên truyền đã được đơn vị chủ trì thu phí thông tin, tuyên truyền đến 322 đại lý hải quan và hơn 10 nghìn doanh nghiệp để khách hàng nắm và hiểu rõ quy trình thu phí. Ðường dây nóng (19001286) được thiết lập với 300 tổng đài viên, sẵn sàng giải đáp thắc mắc cho khách hàng 24/7 về các vấn đề liên quan đến thu phí. Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh đã cử 6 thành viên tham gia vào tổ kỹ thuật do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thành lập để triển khai đề án thu phí hạ tầng cảng biển. Hải quan cũng tham mưu thành phố thiết kế quy trình thu phí để triển khai ngoài thực tế làm sao có một hệ thống có tính tự động cao nhất, phù hợp đề án xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, phù hợp với xu thế chuyển đổi số theo đề án của Chính phủ.
Theo ông Vương Tuấn Nam, Phó Trưởng Phòng Công nghệ thông tin (Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh), việc triển khai hệ thống thu phí tự động hỗ trợ rất nhiều cho người dân và doanh nghiệp nhờ tính tiện lợi. Ðầu tiên là doanh nghiệp kê khai không cần phải gõ nhiều thông tin mà chỉ cần cung cấp số tờ khai hải quan thì hệ thống tự động tra được thông tin liên quan đến hàng hóa như: trọng lượng, lô hàng có bao nhiêu container, hàng chuyển đi đâu..., từ đó tính toán luôn số tiền doanh nghiệp phải nộp. Nhờ thông tin được tổng hợp và cung cấp nhanh, doanh nghiệp đỡ phải tốn thời gian tính toán.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh HOÀNG THÀNH)
Ngoài ra, hệ thống tự động giúp doanh nghiệp có thể thanh toán phí bảo trì đường bộ từ bất cứ hệ thống ngân hàng nào, từ các thiết bị di động, có thể ngồi một chỗ để nộp mà vẫn có biên lai thu phí.
Cùng với đó, hệ thống tự động cũng giúp cơ quan chức năng và doanh nghiệp đối soát những trường hợp doanh nghiệp đưa lô hàng ra khỏi cảng nhưng chưa nộp phí do chưa nắm thông tin. Với những trường hợp, hệ thống tự động sẽ nhắc nhở doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ theo đúng quy định.
Ông Vương Tuấn Nam khẳng định: "Theo tính toán của chúng tôi, nhờ những tiện ích nêu trên, hệ thống tự động có thể xử lý 10 triệu-15 triệu tờ khai mỗi năm giúp giảm rất nhiều chi phí và nhân lực để thực hiện việc thu phí hạ tầng cảng biển tại thành phố Hồ Chí Minh. Ðể bảo đảm an toàn hệ thống, trong quá trình vận hành thử, chúng tôi tiến hành bốn pha thử nghiệm nhưng đều vận hành rất ổn định và không gặp khó khăn gì về kỹ thuật. Do đó, đến giờ phút này, chúng tôi không chỉ yên tâm mà còn khẳng định rất tự tin vận hành chính thức hệ thống tự động thu phí hạ tầng cảng biển trong thời gian tới".
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên ở khu vực phía nam thu phí hạ tầng cảng biển với cam kết đơn vị thu sử dụng nguồn thu phí minh bạch, có hiệu quả, tiết kiệm, tối ưu hóa để đầu tư cho các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn, nâng cao khả năng kết nối giao thông liên vùng khu vực phía nam.