Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nga tại Moskva. (Ảnh: Reuters)
Ngân hàng Trung ương Nga khẳng định, có các nguồn lực cần thiết để duy trì sự ổn định của lĩnh vực tài chính, bất chấp các trừng phạt của phương Tây.
Để giảm thiểu những tác động của các biện pháp trừng phạt hà khắc do phương Tây áp đặt liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt hiện nay tại Ukraine, ngày 27/2, Ngân hàng Trung ương Nga đã công bố một loạt biện pháp hỗ trợ thị trường trong nước.
Ngân hàng Trung ương Nga khẳng định, có các nguồn lực cần thiết để duy trì sự ổn định của lĩnh vực tài chính, bất chấp các trừng phạt của phương Tây. Cơ quan này lưu ý rằng, thẻ ngân hàng cũng tiếp tục hoạt động như bình thường và tiền của khách hàng trên tài khoản luôn có sẵn cho họ bất kỳ lúc nào.
Ngân hàng cũng cho biết sẽ tiếp tục mua vàng trên thị trường trong nước, thực hiện đấu giá mua lại không giới hạn và tăng phạm vi chứng khoán có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp để vay vốn. Cơ quan này cũng yêu cầu các công ty tham gia thị trường chứng khoán từ chối các lệnh chào bán chứng khoán Nga của khách hàng nước ngoài.
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Nga cũng sẽ tạm thời nới lỏng các hạn chế đối với trạng thái ngoại tệ mở của các ngân hàng, qua đó cho phép các ngân hàng chống chịu với “các hoàn cảnh bên ngoài”.
Ngân hàng này cho biết sẽ tiếp tục theo dõi những thay đổi trong trạng thái tiền tệ “để bảo đảm hoạt động bình thường của tiền tệ và thị trường tiền tệ, cũng như sự ổn định tài chính của các tổ chức cho vay”. Trạng thái ngoại tệ chỉ sự chênh lệch giữa tài sản có và tài sản nợ của 1 ngoại tệ tại 1 thời điểm nhất định.
Trước đó, các nước phương Tây đã đồng ý đưa ra "các biện pháp trừng phạt tài chính cứng rắn" mới chống lại Nga, bao gồm việc một số ngân hàng bị ngắt kết nối khỏi hệ thống liên ngân hàng SWIFT để truyền thông tin và thanh toán.
Theo người phát ngôn Chính phủ Đức, biện pháp trừng phạt mới, với sự nhất trí của Mỹ, Pháp, Canada, Italia, Anh và Ủy ban châu Âu, cũng bao gồm việc hạn chế khả năng hỗ trợ đồng ruble của Ngân hàng Trung ương Nga. Bên cạnh đó, những cá nhân và thể chế tại Nga và các nước khác ủng hộ Moskva trong cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine cũng sẽ bị nhắm mục tiêu.
Cùng ngày, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stoere thông báo, Quỹ Đầu tư quốc gia của nước này trị giá 1.300 tỷ USD sẽ rút vốn khỏi các tài sản của Nga, sau khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Theo Chính phủ Na Uy, các tài sản Nga của quỹ này, bao gồm cổ phiếu của khoảng 47 công ty cũng như trái phiếu chính phủ, đạt giá trị 2,83 tỷ USD vào cuối năm 2021, giảm từ mức 3,3 tỷ USD 1 năm trước đó.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 27/2 cho biết, sẽ đề xuất 1 dự luật lên Quốc hội nước này để kiểm soát dòng tiền của Nga đổ vào Anh, được một số người gọi là “Londongrad”. Chính phủ cho biết dự luật mới sẽ giúp Cơ quan Tội phạm quốc gia ngăn chặn các chủ sở hữu nước ngoài rửa tiền qua tài sản ở Anh.
Luật mới sẽ đưa ra quy định đăng ký các thực thể ở nước ngoài, yêu cầu chủ sở hữu tài sản nước ngoài ẩn danh ở Anh phải tiết lộ danh tính thực của họ. Những thực thể không khai báo chủ sở hữu thụ hưởng sẽ phải đối mặt với các hạn chế về việc bán tài sản. Những đối tượng vi phạm các quy tắc có thể phải đối mặt với mức án 5 năm tù giam.
Cũng trong ngày 28/2, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo, chi nhánh châu Âu của ngân hàng Sberbank (Nga) nhiều khả năng sẽ sụp đổ do các lệnh trừng phạt Moskva. Thông báo của ECB nêu rõ: "ECB đánh giá Sberbank Europe AG và 2 chi nhánh Sberbank d.d. ở Croatia và Sberbank banka d.d. ở Slovenia đang hoặc nhiều khả năng sẽ sụp đổ do khả năng thanh khoản ngày một yếu đi".