Nhiều người chuẩn bị sẵn thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 tại nhà.
Có không ít người đang hiểu sai về các loại thuốc điều trị Covid-19, sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn để mua tích trữ các loại thuốc bán trên mạng, trong đó có cả thuốc đang thí điểm điều trị. Thậm chí, nhiều F0 cách ly tại nhà còn tự ý điều trị Covid-19, gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe.
Săn lùng, tìm mọi cách để mua thuốc điều trị Covid-19 là câu chuyện xôn xao ở công ty chị Nguyễn Thị Lan Anh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhiều ngày qua. Chồng chị Lan Anh trở thành F0, may mắn nhờ người quen chị mua được một cơ số thuốc kháng sinh, kháng viêm, chống đông… và anh tự điều trị tại nhà.
Chị Lan Anh cho biết, thông qua một mối quen biết, chị đã mua được cơ số thuốc này có giá trị hơn 10 triệu. Trong đó, thuốc kháng virus của Nga có giá 2,7 triệu đồng/hộp (cao hơn 600-700 nghìn đồng so với đợt trước).
Chị Lan Anh rỉ tai đồng nghiệp, khi chồng chị nhiễm Covid-19, phải 3 ngày sau mới liên lạc được y tế phường và phải có kết quả xét nghiệm rRT-PCR mới được cấp phát thuốc gói B, C trong khi việc điều trị Covid-19 cần càng sớm càng tốt. Từ kinh nghiệm của chị Lan Anh, nhiều đồng nghiệp cũng săn lùng thuốc để dự trữ sẵn.
Theo thông tin một F0 tiết lộ, để tự điều trị tại nhà khi chưa tiếp cận được y tế cơ sở, chị đã tiếp cận được một địa chỉ bán thuốc với giá không hề mềm như Molnupiravir 200mg (Ấn Độ) 6,8 triệu/hộp/40 viên; Favipiravir 400mg (Ấn Độ) 7 triệu đồng/hộp/100 viên/5 người; Favipiravir 400mg (Ấn Độ) 3,3 triệu đồng/hộp/17 viên; Favipiravir (Nga) giá 3,8 triệu đồng/hộp/40 viên…
Hà Nội đang có hơn 31 nghìn F0 điều trị và dự đoán con số này còn tăng cao thời gian tới đây, vì thế, nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra cao gấp nhiều lần để có được các loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19, trong đó có cả những loại thuốc đang thử nghiệm như Molnupiravir.
Việc săn lùng thuốc tích trữ làm giá thị trường bị đẩy lên rất cao. Trong khi thực tế trong số các loại thuốc này, có thuốc mới chỉ đang ở giai đoạn thử nghiệm có kiểm soát, chưa được cấp phép lưu hành trên thị trường.
Các F0 điều trị tại nhà cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của nhân viên y tế, tránh những hệ lụy về sức khỏe. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm ô-xy cao áp Việt Nga) - Mạng lưới bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà cho biết, có rất nhiều người chưa phân biệt được thuốc nào là kháng virus, kháng sinh, kháng đông, kháng viêm.
Kháng virus là thuốc giúp ngăn không cho virus nhân lên trong cơ thể. Hiện tại, dù nhiều tên nhưng chỉ có 2 loại thành phần là favipiravir và molnupiravir. Kháng sinh là thuốc tiêu diệt hoặc ức chế sự nhân lên của vi khuẩn trong cơ thể người. Các loại kháng sinh thông dụng là amoxiciline/clavulanic, azithromycin, ceforuxime, levofloxaxine...
Kháng đông là thuốc ngăn ngừa sự tạo thành các cục máu đông. Hiện chủ yếu khuyến cáo sử dụng rivaroxaban và apixaban để phòng chống bão cytokine.
Kháng viêm thực chất là thuốc ức chế miễn dịch corticoid. Thuốc kháng viêm thông dụng là Methyprednisolon 4 hoặc 16 mg và Dexamethasone 0,5 mg.
Bác sĩ Hoàng nhấn mạnh, kháng virus thường dùng trong vòng 5-7 ngày sau khi có triệu chứng và cũng chỉ cần dùng trong 5-7 ngày. Những người tải lượng virus cao, có nguy cơ lây nhiễm cho người khác hoặc bản thân người đó nguy cơ cao (chưa tiêm vaccine, hệ miễn dịch yếu...) thì nên cân nhắc dùng sớm thuốc kháng virus.
Những người dễ bội nhiễm vi khuẩn (bệnh nền, đề kháng kém, hay viêm đường hô hấp do vi khuẩn...) cần phải chuẩn bị sẵn sàng kháng sinh, để nếu cần thì sử dụng ngay. Để xác định có nhiễm khuẩn hay không, thường phải dựa vào xét nghiệm công thức máu có bạch cầu tăng cao.
Bác sĩ Hoàng cũng nhấn mạnh, các F0 thường chuyển nặng trong khoảng ngày 7-10 và có thể xuất hiện cơn bão cytokine. Vì thế, người dân có thể chuẩn bị sẵn thuốc kháng đông để phòng chống bão cytokine, có thể cân nhắc dùng sớm, dự phòng ở những người có nguy cơ dễ tạo cục máu đông (sau đột quỵ nhồi máu não, đặt stent, bệnh van tim, tiểu đường...) và không có chống chỉ định.
"Thuốc kháng viêm corticoid để chống bão cytokine, nhưng không được dùng để dự phòng. Khi chỉ số SpO2 còn trên 95%, người dân tuyệt đối không dùng, đặc biệt trong 7 ngày đầu khi virus đang nhân lên", bác sĩ Hoàng nói.
Theo bác sĩ Hoàng, người dân khi phát hiện nhiễm Covid-19, cần phải được tư vấn điều trị bởi các bác sĩ, không tự ý dùng khi không có chuyên môn, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Trần Thị Tuấn Anh, Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, trong số hàng nghìn F0 điều trị tại nhà mà chị tư vấn qua điện thoại, có nhiều trường hợp sử dụng thuốc điều trị rất tràn lan.
“Đó là điều không vui nhất với những bác sĩ tư vấn online như chúng tôi khi nhiều người dân đang tự ý điều trị bằng những đơn thuốc tràn lan trên mạng hoặc đơn thuốc truyền tai nhau. Việc dùng nhiều loại thuốc không có tác dụng điều trị Covid-19 sẽ làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe bây giờ và sau này”, bác sĩ Tuấn Anh nói.
Theo đó, nữ bác sĩ này cũng nhấn mạnh, một số trường hợp F0 nhẹ, không có triệu chứng không cần dùng thuốc corticoid nhưng nhiều người vẫn mua về và sử dụng tràn lan. Thực tế, việc dùng nhiều loại thuốc này không chỉ ảnh hưởng dạ dày, rối loạn nội tiết tố mà còn ảnh hưởng tới miễn dịch cơ thể, rất nguy hiểm.
Các loại thuốc kháng virus Molnupiravir chỉ được sử dụng khi có sự theo dõi chặt chẽ của nhân viên y tế và có ký cam kết tham gia chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát. Đồng thời, những loại thuốc này có chỉ định cho một số đối tượng nhất định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ điều trị cũng như giám sát tác dụng phụ.
“Có những trường hợp gọi đến xin tư vấn nhưng khăng khăng đòi điều trị theo đơn thuốc mà họ phải bỏ cả triệu ra để mua. Rồi sau đó lại lo lắng hỏi bác sĩ việc dùng thuốc này rồi có tác dụng phụ gì không, có vô sinh hay không”, bác sĩ Tuấn Anh nói.
Vì thế, bác sĩ Tuấn Anh lưu ý, những trường hợp F0 nhẹ chỉ cần theo dõi sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Hiện nay các thông tin rất nhiều, người dân cũng hiểu biết hơn để khi phát hiện triệu chứng F0 tại nhà trở nặng cần liên hệ với y tế địa phương để có hướng điều trị kịp thời.