Dù tiền vào như nước nhưng không biết quản lý ngân sách thì sớm hay muộn, bạn vẫn sẽ rơi vào cảnh "nghèo lại hoàn nghèo".
Nếu nhìn từ bên ngoài bạn sẽ thấy những người giàu không gì là không có, từ những chiếc siêu xe, phi cơ riêng đến những tòa nhà sở hữu riêng… Nhưng liệu có phải họ đang sống quá xa xỉ và hoang phí cho những thứ không cần thiết?
Câu hỏi đặt ra là: Đối với một món đồ, bạn nên mua khi bạn cần hay chỉ là vì có thừa khả năng để chi trả?
Suze Orman là nữ doanh nhân được mệnh danh "phù thủy" trong giới tài chính nước Mỹ, nằm trong danh sách 100 doanh nhân có sức ảnh hướng lớn nhất thế giới. Sắc sảo, quyết đoán và uy tín là những từ được sử dụng để hình dung về người phụ nữ này trong hơn 1 thập kỷ năm sự nghiệp tư vấn tài chính.
Bà Suze Orman. Ảnh: CNBC
Cách tiêu tiền "kinh điển" của các tỷ phú
Nhà đầu tư Warren Buffett là nhân vật không còn quá xa lạ trong ngành tài chính. Mặc dù là tỷ phú giàu thứ 5 thế giới (theo bảng xếp hạng của Forbes năm 2022) thì hiện ông vẫn sống cùng với gia đình trong ngôi nhà mà ông mua từ năm 1958 với giá 31.500 USD. Thậm chí, ông còn tận dụng các phiếu giảm giá và không bao giờ trả hơn 3,17 USD cho một bữa sáng.
Không chỉ có Buffett, ngay cả Alfred Morris - vận động viên bóng bầu dục nổi tiếng của đội Dallas Cowboys với mức lương hàng triệu USD nhưng cũng chỉ lái một chiếc Mazda 626 mà anh mua từ năm 1991 với cái giá rẻ mạt.
Hay như tiền vệ Kirk Cousins của đội Washington Redskins năm ngoái thu về 20 triệu USD, nhưng anh cũng chỉ chọn sống trong tầng hầm của nhà bố mẹ đẻ trong suốt mùa hè và lái một chiếc GMC Savana trị giá 5.000 USD.
Một người nữa mà chắc chắn tất cả chúng ta đều biết, ông chủ của mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook vẫn ngày ngày lái chiếc xe Acura TSX màu đen trị giá chỉ khoảng 30.000 USD.
Dù là đại gia có cả trăm tỷ USD, Jeff Bezos vẫn tự đặt câu hỏi về việc mình có thật sự cần những món đồ này không, trước khi thực sự quyết định chi tiêu.
Khi thực sự muốn mua, ông cũng luôn so sánh các lựa chọn để xem có thể mua một thứ tương tự nhưng rẻ hơn không. Bằng cách này, vị tỷ phú vẫn sở hữu món đồ ưng ý với chất lượng tương đương mà tiết kiệm được một khoản tiền.
Chính vì nguyên nhân này, Bezos vẫn mua sắm online. Ông cho biết, nhiều sản phẩm và dịch vụ trực tuyến hiện nay thường có giá rẻ hơn so với khi mua hàng trực tiếp tại các store.
Mark Zuckerberg "săn" TV giảm giá. Ảnh: The Sun
Một xu tiết kiệm cũng là một xu kiếm được
Theo chuyên gia tài chính Suze Orman, chỉ vì bạn có thể chi trả cho những thứ đắt tiền hơn không có nghĩa nó là sự lựa chọn tốt nhất. Hay nói cách khác, một xu tiết kiệm được cũng chính là một xu kiếm được. Và những người thành công luôn biết rằng sống trong khả năng là con đường tốt nhất để dẫn tới sự giàu sang bền vững.
Orman nhớ lại khoảng thời gian năm 1998 khi bà biết mình sẽ phải làm việc trong một khoảng thời gian đáng kể ở New York và điều đó có nghĩa là việc mua một căn nhà cho riêng mình sẽ rất hợp lý. Với khả năng tài chính lúc bấy giờ, bà hoàn toàn có thể mua một căn penhouse trị giá 1 triệu USD. Nhưng rốt cuộc, Orman đã chỉ mua một căn hộ 240.000 USD, vì đó là tất cả những gì bà cần.
Nếu bạn tiêu tiền đơn giản chỉ vì bạn có dư tài chính thì sẽ đến một lúc, kết cục bạn nhận được chỉ là một chiếc túi rỗng. "Chỉ mua những thứ bạn cần cho dù bạn đang có nhiều tiền thế nào bởi khi bạn dùng tất cả số tiền mình có để mua một chiếc máy bay, sau đó bạn lại muốn mua một con tàu, có tàu rồi bạn lại muốn mua thêm 5 ngôi nhà nữa,... Một ngày nọ, khi nhìn lại bạn sẽ phải thốt lên rằng 'tôi không có một đồng tiền nào'", Orman nói.
Cho dù lương tháng của bạn có đến 6 con số Mỹ kim hay cao hơn nữa thì ý tưởng không lãng phí tiền bạc này vẫn luôn là nền tảng để xây dựng sự giàu có: Sống theo nhu cầu thực tế, chỉ mua những gì bạn thực sự cần và dùng phần tiền còn lại để đầu tư sinh lời.
Đừng đợi có tiền mới biết tiết kiệm
Nếu bạn luôn cảm thấy "không tiêu gì mà vẫn hết tiền" thì rất có khả năng bạn... không biết bản thân đã chi tiêu gì thật vì không có một kế hoạch tài chính cá nhân rõ ràng. Ngày này, sự phát triển của xã hội luôn khuyến khích con người mua sắm, chi tiêu ngày càng nhiều.
Đối với Orman, điều quan trọng là bạn phải có niềm tin vào chính mình. Điều này được hiểu đơn giản là: Bạn phải biết mình là ai.
Tuy nhiên, bạn cũng cần sẵn sàng bắt tay vào công việc. Bạn phải có mong muốn để đối mặt với những khó khăn tưởng như không thể vượt qua. Vì thế, bạn cần trở thành một chiến binh và sẵn sàng lao vào trận chiến với một tinh thần dũng cảm nhất.
"Phù thủy tài chính" cũng gợi ý rằng chìa khóa để tự do tài chính trong tương lai là tiết kiệm tiền khi còn trẻ. Nhờ vào lãi kép, bất kỳ tiền lãi nào tích lũy cũng sẽ tự sinh ra tiền lãi tiếp theo.
Vì vậy, bạn càng bắt đầu sớm, tiền tiết kiệm của bạn sẽ càng tăng. Tuy nhiên trên thực tế, không phải ai cũng bắt đầu tiết kiệm tiền ở độ tuổi 20. Bạn nghĩ rằng "Tôi không cần phải tiết kiệm bởi vì tôi còn trẻ".
Những chiến dịch quảng cáo thường trực khắp nơi, đánh mạnh vào tâm lý người tiêu dùng và thúc giục người ta phải mua ngay món đồ họ thích mà không suy nghĩ hay cân nhắc. Như vậy, chúng ta dường như bị cuốn vào vòng xoáy chi tiêu vô thức, "vung tay quá trán" khi có tiền và khánh kiệt vào cuối tháng.
Có thể rất khó để từ chối những cám dỗ thôi thúc bạn chi nhiều hơn, mua nhiều hơn (trong khi bạn hoàn toàn có đủ khả năng) nhưng nếu để nó trở thành một thói quen thì nó sẽ không bao giờ “buông tha” bạn. Điều trớ trêu đó là chúng ta chẳng bao giờ sử dụng những thứ gì khác ngoài những thứ mình cần.