Nhà đầu tư giao dịch tại sàn giao dịch Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt. (Ảnh: THANH LÂM)
Phản ứng tiêu cực kéo dài của thị trường chứng khoán những ngày vừa qua đã vượt ra ngoài dự báo của cơ quan quản lý và các chủ thể tham gia thị trường. Thanh lọc thị trường là việc làm cần thiết sau thời gian tăng trưởng nóng, nhưng phải bảo đảm duy trì sự phát triển bền vững của kênh huy động vốn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.
Sau tuyên bố của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc xử lý nghiêm vi phạm trên thị trường vốn nhưng không hình sự hóa quan hệ dân sự kinh tế cùng hàng loạt động thái trấn an của người đứng đầu Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thị trường chứng khoán vẫn đang chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn cho sự phục hồi.
Không siết thị trường đột ngột
Các đợt bán tháo liên tục diễn ra trên thị trường chứng khoán kể từ đầu tháng 4/2022, đẩy giá cổ phiếu xuống vùng giá hấp dẫn. Nhưng dòng tiền vẫn thờ ơ không vào bắt đáy khiến thanh khoản thị trường thấp kỷ lục, trái ngược với không khí giao dịch sôi động trong mỗi nhịp điều chỉnh trước đây. Điều này một mặt thể hiện sự thận trọng của dòng tiền do kỳ vọng giá còn giảm tiếp nhưng bao trùm vẫn là do tâm lý thị trường chưa thể vượt qua cú sốc. Chuyện gì đang xảy ra, cần làm gì tiếp theo là những câu hỏi lớn đặt ra với thị trường chứng khoán cũng như thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc siết lại kỷ luật để làm sạch thị trường, hạn chế rủi ro, bảo vệ nhà đầu tư và bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia là cần thiết nhưng phải chú ý đến liều lượng giải pháp, không để thị trường bị bóp nghẹt. Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết, tác động vụ hủy bỏ chín đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ của ba công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh là rất lớn. Sau sự việc này, tất cả các vụ đấu giá đất phải trì hoãn, hoạt động trái phiếu chững lại. “Đây là điều rất nguy hiểm. Chúng tôi đã đề nghị với cơ quan nhà nước xử lý nghiêm vi phạm nhưng bất cứ hành động nào cũng phải cẩn trọng, phải giữ bằng được sự ổn định của cả hệ thống và giữ tài sản các tập đoàn lớn. Vấn đề là cần bình tĩnh để ứng phó, không thể vì một vài sự cố mà cho rằng thị trường này có vấn đề pháp lý rồi đột ngột siết lại”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, hoàn thiện hệ thống pháp lý không có nghĩa là thắt chặt hơn các quy định mà phải bảo đảm thông tin đến được thị trường một cách đầy đủ, công khai, minh bạch, chính xác. Thậm chí có điểm cần phải mở hơn, đơn cử quy định không chào bán trái phiếu doanh nghiệp thông qua phương tiện thông tin đại chúng; quy định chỉ chào bán cho ít hơn 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp,… Chính những quy định này đang làm hạn chế tính minh bạch thị trường trái phiếu.
Cái gốc quản trị rủi ro không nằm ở quy định phải thắt chặt mà ở nhận thức và cách hành xử của các chủ thể tham gia thị trường. Quan trọng là phải cảnh báo, phát hiện sớm sai phạm và xử lý nghiêm minh, có chế tài mạnh với các sai phạm để răn đe, ngăn ngừa. Quy định hiện nay đã khá chặt chẽ nhưng mức xử phạt rõ ràng chưa đủ mạnh để đủ sức răn đe.
Đẩy mạnh xếp hạng tín nhiệm
Cũng theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, hệ thống tín dụng hiện cung cấp tới 80% nguồn vốn cho doanh nghiệp, là biểu hiện của một thị trường tài chính kém phát triển. Do đó, cần xác định rõ, thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu phải phát triển trở thành kênh huy động chính của doanh nghiệp. Yếu tố để tạo lập niềm tin cho thị trường vốn lúc này chính là tính minh bạch.
Chỉ khi minh bạch ngay từ báo cáo tài chính của doanh nghiệp khi phát hành và minh bạch trong cơ chế giám sát độc lập, xử lý các hành vi vi phạm thì niềm tin của thị trường sẽ được tạo lập và phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Trên thị trường có các nhóm thao túng giá thì phải được cơ quan chức năng giám sát, cảnh báo để xử lý ngay, duy trì lòng tin thị trường. Không nên đặt vấn đề giám sát mục đích sử dụng vốn trái phiếu mà áp dụng thông lệ quốc tế dựa vào cách xếp hạng tín nhiệm đối với các doanh nghiệp phát hành. Căn cứ vào đó, nhà đầu tư có thông tin tham khảo và tự chịu trách nhiệm với quyết định đầu tư của mình.
Hiện tại trong nước đã có hai công ty xếp hạng tín nhiệm nhưng hoạt động còn hạn chế. Cần tăng cường công tác xếp hạng tín nhiệm đối với công ty phát hành theo hướng cho phép liên doanh với các công ty xếp hạng tín nhiệm quốc tế. “Từ năm 2008 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua bốn lần trục trặc, chao đảo nhưng không sụp đổ, vẫn phát triển mạnh mẽ hơn. Và lần này cũng sẽ như vậy, nhờ điểm tựa quan trọng là nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, đà phục hồi kinh tế khá nhanh và khá mạnh, nhất là khu vực dịch vụ, chế biến chế tạo, xuất khẩu…”, vị chuyên gia phân tích.
Khẳng định công cụ trái phiếu doanh nghiệp là rất quan trọng trong phát triển thị trường vốn của Việt Nam, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho rằng các nhà lập pháp và hành pháp cần thực thi trách nhiệm của mình trong việc điều chỉnh các hành vi của các chủ thể tham gia thị trường. Nhưng trong quản lý, giám sát không nên quá chặt dễ bóp nghẹt thị trường, cũng không quá lỏng lẻo khiến thị trường gặp nhiều vấn đề.
Các giải pháp cần tập trung vào cải thiện công tác quản trị doanh nghiệp, cải thiện các quy tắc kế toán, kiểm toán; bảo vệ nhà đầu tư; củng cố trong việc phát hành trái phiếu ra công chúng, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ; phát triển các cơ quan đánh giá tín nhiệm tín dụng; phát triển đội ngũ nhà đầu tư chuyên nghiệp, có dữ liệu để nắm bắt rõ mối liên hệ giữa các tổ chức trong hệ thống để kiểm soát rủi ro, phát hiện rủi ro…
Để hoàn thiện hệ thống pháp lý trên thị trường vốn, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ban hành Chỉ thị 01/CT-BTC về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Trong đó có yêu cầu đơn vị chức năng khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước, chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ giám sát chặt chẽ quá trình phát hành và giao dịch trên thị trường chứng khoán, nếu phát hiện bất cập và rủi ro sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.