Doanh nghiệp cần hiểu rõ thông điệp của NHNN. Doanh nghiệp cần vừa phòng thủ, vừa tấn công, vừa giải quyết bài toán chi phí tăng, tỉ giá, lạm phát, chuỗi cung ứng… Cộng đồng doanh nghiệp cũng phải linh hoạt, thấu hiểu và đồng hành cùng những quyết sách của Chính phủ.
Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra quyết sách vô cùng tuyệt vời
Trao đổi tại tọa đàm:"Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt khó" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm TGĐ ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) cho biết: Trong thời gian qua, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, Sacombank nhận thấy có 2 khó khăn chính nổi lên.
Thứ nhất là chuỗi cung ứng đứt gãy, các chi phí phục vụ cho các doanh nghiệp tăng rất cao. Trong dịch COVID-19, nguồn lực lao động bị ảnh hưởng rất lớn, rồi lạm phát, nền kinh tế suy giảm, doanh nghiệp thiếu hụt nguồn tiền cũng như như tính thanh khoản, cung cầu của nền kinh tế bị ảnh hưởng rất lớn, rồi một số rào cản pháp lý thực sự khó khăn. COVID như vậy, người dân dịch chuyển các hành vi chuyển sang giao dịch mua sắm trực tuyến. Trong bối cảnh như thế, các doanh nghiệp rất khó khăn.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, Sacombank phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa phải chống dịch vừa phải vận hành doanh nghiệp của mình, vừa phải đồng hành cùng nền kinh tế. Sacombank vừa phải duy trì lãi suất kinh doanh, vừa phải duy trì miễn giảm phí, giảm lãi theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và chúng tôi phải đảm bảo tính thanh khoản ổn định duy trì suốt mùa dịch.
Trước những khó khăn đó, chúng tôi cho rằng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra quyết sách vô cùng tuyệt vời. Sacombank luôn luôn tuân thủ triển khai chính sách của NHNN và Chính phủ đưa ra.
Chính vì vậy, trong giai đoạn khó khăn vừa qua, ngành ngân hàng chúng tôi luôn luôn ổn định thanh khoản, nâng cao năng lực điều hành, quản trị để thích ứng nhanh với sự thay đổi, chăm lo tốt đời sống của cán bộ công nhân viên để vận hành hệ thống thanh khoản được tốt, thay đổi mô hình kinh doanh phù hợp xu thế.
Linh hoạt, thấu hiểu và đồng hành cùng những quyết sách của Chính phủ
Theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Chính phủ đã đưa ra những thông điệp nhất quán, chúng ta cần ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải kiểm soát lạm phát và tạo điều kiện cho DN tiếp cận được vốn với chi phí thấp nhất. Đó là chính sách trong từng thời điểm, chắc chắn là sẽ có sự linh hoạt, có sự ứng phó của NHNN. Nhưng cuối cùng thì chúng ta cũng phải đảm bảo kinh tế vĩ mô.
Còn đối với cộng đồng DN, bà Diễm cho rằng, DN cần hiểu rõ thông điệp của NHNN. Doanh nghiệp cần vừa phòng thủ, vừa tấn công, vừa giải quyết bài toán chi phí tăng, tỉ giá, lạm phát, chuỗi cung ứng… Chúng ta cũng phải linh hoạt, thấu hiểu và đồng hành cùng những quyết sách của Chính phủ.
Còn về phía các ngân hàng chúng tôi là lĩnh vực đặc thù nên nhìn thấy ngay là Fed tăng lãi suất thì NHNN đã tăng và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian cuối năm. Đơn cử, trước đây chúng tôi vay nước ngoài chỉ 3,4%, bây giờ một hợp đồng vay của nước ngoài ít nhất phải 7% đối với USD. Thời gian vừa rồi, NHNN tăng lãi suất 0,5% thì lập tức các ngân hàng cũng phải tăng lãi suất huy động của người dân gửi.
Như vậy, các ngân hàng phải cạnh tranh khốc liệt với nhau và chi phí đầu ra của ngân hàng cũng phải tăng. Cho nên, các ngân hàng sẽ phải có giải pháp và giải pháp nào thì chắc chắn sẽ có sự đồng hành của NHNN và Chính phủ.
"Tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ kiểm soát chặt chẽ và tuân thủ tất cả các chỉ đạo, định hướng của Chính phủ và NHNN và chúng ta sẽ được an toàn", bà Diễm nhấn mạnh.
Hiện nay, đối với ngành ngân hàng, điểm nghẽn cần tháo gỡ thứ nhất là phải giải quyết đồng vốn và thủ tục pháp lý cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Vì lĩnh vực này rất hạn chế nhưng nếu không khơi thông nguồn vốn cho lĩnh vực này thì nền kinh tế của chúng ta sẽ rất khó phát triển.
Điểm nghẽn thứ hai là hành lang pháp lý đối với công tác chuyển đổi số. Đối với những công ty tài chính, đối với những ứng dụng công nghệ, chúng tôi rất cần những hành lang pháp lý để ổn định trong quá trình phát triển hệ thống.
Sacombank: Hy sinh gần 3.000 tỷ lợi nhuận để đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt khó
Thủ tướng cũng nhiều lần chia sẻ quan điểm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân, nhất là trong lúc khó khăn, thách thức hiện nay. Thủ tướng cũng từng kêu gọi các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn, đóng góp tích cực hơn cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp. Bởi nền kinh tế và cả nước có vượt qua được khó khăn, thách thức, thì doanh nghiệp và ngân hàng mới phát triển được, "nước nổi, bèo nổi".
Bày tỏ ấn tượng với sự chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết: Gần đây tôi cũng được tham dự một hội thảo trực tiếp của Thủ tướng với ngành ngân hàng. Tôi đồng tình và luôn luôn ủng hộ những chia sẻ và định hướng của Thủ tướng. Khi doanh nghiệp chúng ta làm ăn thuận lợi, có lợi nhuận thì sự phân phối hài hoà giữa doanh nghiệp, người lao động và đóng góp vào ngân sách nhà nước. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, Nhà nước đồng hành, hỗ trợ rất cụ thể, như chúng ta thấy có những chính sách thuế, rồi hỗ trợ người lao động, và gần đây là có chính sách hỗ trợ lãi suất.
Về phía ngân hàng, các ngân hàng chứ không riêng gì chúng tôi luôn luôn xác định đồng hành cùng khách hàng dựa trên sự khó khăn của nền kinh tế, cân đối giữa lợi nhuận, hy sinh một phần lợi nhuận, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp khó khăn do dịch.
Trong giai đoạn dịch, ngân hàng là những đơn vị đầu ngành, chúng tôi phải cơ cấu để hạn chế và xử lý nợ xấu, khi cơ cấu nợ chúng tôi phải trích lập dự phòng, có những gói lãi suất cho vay ưu đãi, đưa ra những chính sách miễn giảm phí. Chúng tôi phải đồng hành cùng doanh nghiệp theo đúng định hướng của Ngân hàng Nhà nước, của Chính phủ.
Như Sacombank, năm 2021, chúng tôi đã hy sinh gần 3.000 tỷ lợi nhuận. Chúng tôi đã chia sẻ và đồng hành từ hỗ trợ lãi suất, miễn giảm phí, miễn giảm lãi vay… và ủng hộ phòng, chống dịch.
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ cũng đưa ra chính sách hỗ trợ lãi suất như: Nghị định 31, Thông tư 03; áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ lãi suất, mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ mức 2%. Hiện nay cũng đã phân hạn mức đó cho các ngân hàng áp dụng và tìm ra những đối tượng khách hàng phù hợp, đưa chính sách hỗ trợ giảm lãi suất này xuống cho doanh nghiệp.
Như vậy chúng ta thấy, những định hướng xuyên suốt của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước đều được các ngân hàng ủng hộ và hưởng ứng. Tuy nhiên chúng ta cũng nhìn nhận thực trạng là giữa những định hướng, quyết sách, nghị định của Nhà nước đi vào thực tế có một khoảng cách rất xa. Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ lấy gói hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ nhưng doanh nghiệp họ rất ngại tiếp cận với gói hỗ trợ lãi suất do điều kiện, thanh tra, hậu kiểm, rồi sau nhiều năm có khi lại sai phạm. Cho nên cần quan tâm, chú trọng hơn trong vấn đề giữa nghị định, chính sách và thực tế.
Sacombank tái cơ cấu thành công Ngân hàng Phương Nam
Chia sẻ về thành công của Sacombank đã rất thành công trong công tác tái cơ cấu ngân hàng Phương Nam bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, khoản nợ xấu là 96.000 tỷ và sau 5 năm, Sacombank xử lý được trên 76.000 tỷ. Đó là sự nỗ lực rất lớn của ban điều hành cũng như sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cũng như là Chính phủ.
Bà Diễm cho rằng bài học tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, thì thứ nhất chúng ta cần xác định thực trạng toàn diện của ngân hàng yếu kém đó, từ cơ cấu chủ sở hữu, đến quản trị, điều hành đến nợ xấu và đến những tài sản tồn đọng trong kinh doanh, chúng ta phải xác định nhanh, và đặc biệt những tài sản có khả năng sinh lời. Trên cơ sở đó chúng ta phải có công ty tư vấn kiểm toán tổ chức độc lập đánh giá hiện trạng, rồi chúng ta báo cáo rõ ràng thực trạng với cơ quan chủ quản để đảm bảo tính chính xác rồi từ đó xác định phương hướng làm sao để tái cấu trúc phù hợp, chúng ta không lấp lửng cũng không giấu diếm.
Thứ hai, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng cần phải khẩn trương, kịp thời, vì càng kéo dài thì có hệ lụy của nền kinh tế rất lớn và tránh tình trạng nó sẽ chuyển biến xấu hơn và gặp nhiều khó khăn hơn cho cả ngành chứ không phải cho riêng ngân hàng yếu kém đó.
Thứ ba, như bài học của Sacombank, chúng ta nên ưu tiên nguồn lực kinh tế tư nhân thay vì tập trung vào ngân sách nhà nước. Thông qua khuyến khích các ngân hàng tự tái cơ cấu, sát nhập ngân hàng tốt với ngân hàng xấu và NHNN và Chính phủ đứng ra hỗ trợ cơ chế đi kèm, tạo điều kiện để ngân hàng yếu kém từng bước hoàn thiện và gia nhập, dựa trên sự dẫn dắt của một ngân hàng mạnh.
Đồng thời có sự phối kết hợp nhịp nhàng từ các cơ quan trung ương đến các bộ ngành, đến NHNN, cho cơ chế thông thoáng. Nếu Sacombank không được phê duyệt đề án từ Chính phủ đến NHNN thì chắc chắn chúng tôi không có hành lang pháp lý để tái cơ cấu thành công.
Thứ tư, tôi cho rằng rất quan trọng là tổ chức, cá nhân tham gia vào tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thì phải có nguồn lực tài chính, không có nguồn lực rất khó và cần phải hợp pháp. Đối với hội đồng quản trị, ban điều hành phải có trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, có năng lực, có tâm và phải có tầm, đặc biệt phải quản trị ngân hàng theo hướng công khai, minh bạch và thượng tôn mọi hoạt động của pháp luật. Bộ máy phải tinh gọn.
Đó là những điều tôi cho rằng có những bài học tái cơ cấu đối với Sacombank, và nếu như vẫn với đà này thì giữa năm 2023 chúng tôi có thể sẽ tuyên bố tái cơ cấu thành công. Chúng tôi xin được báo cáo thành tích với NHNN và Thủ tướng. Đó là những bài học mà các ngân hàng cũng như NHNN sẽ thấy chúng tôi là tấm gương để tái cơ cấu những ngân hàng yếu kém.
Còn với sự hỗ trợ, đồng hành cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi nghĩ rằng quan trọng nhất bây giờ, doanh nghiệp cần vốn nhưng room tín dụng có những hạn hẹp nhất định do phải điều tiết chính sách giữa lạm phát và điều hành kinh tế ổn định. Vì vậy, Sacombank phải sàng lọc doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp tiêu dùng rồi cho vay cá nhân, cho vay online, cuối cùng mới tới bất động sản và trái phiếu. Như vậy, chúng tôi rất mong muốn giữa những chính sách kinh tế vĩ mô, điều hành ổn định, NHNN và Chính phủ chắc chắn sẽ có những quyết sách lớn để ủng hộ vấn đề này.
Chia sẻ quan điểm của lãnh đạo Sacombank khi thực hiện chương trình đồng hành cùng Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn ở các địa phương, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết: Sacombank có 566 điểm giao dịch tại các tỉnh thành và có tại hai nước Lào, Campuchia. Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, chúng tôi hỗ trợ lãi suất cho người dân, thậm chí giãn trả nợ. Khi xảy ra lụt, bão chấp nhận cơ cấu trích lập dự phòng để cho người dân, ngư dân vay phục hồi sản xuất.
Còn đối với doanh nghiệp, khi chuỗi cung ứng đứt gãy, doanh nghiệp đến hạn không trả nợ thì chúng tôi phải giải quyết bài toán cơ cấu nợ, trích lập quỹ dự phòng. Rồi những doanh nghiệp ưu tiên lĩnh vực CNTT, lĩnh vực tín dụng xanh, rồi 5 lĩnh vực ưu tiên mà NHNN luôn kêu gọi các ngân hàng thương mại phải đồng hành. Tất cả chính sách này Sacombank luôn luôn tuân thủ và luôn luôn giải bài toán khó khăn giai đoạn ngắn hạn. Những chính sách dài hạn chúng tôi thấy cần sự hỗ trợ của Chính phủ, của NHNN rất nhiều.