Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu tại Lễ phát động dự án.
Sáng 21/2, tại xã Liên Hoa, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Phát triển nông thôn Hàn Quốc, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức lễ khởi động dự án “Cải tiến chuỗi giá trị lúa gạo vùng đồng bằng sông Hồng, Việt Nam”.
Tham dự buổi lễ có đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình; ngài Jeong Woo Jin, Tổng lãnh sự Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; đồng chí Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Lee Dae Seob, Giám đốc Dự án cho biết: Với 5 tỷ Won (tương đương 4,5 triệu USD) do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại, sẽ triển khai dự án “Cải tiến chuỗi giá trị lúa gạo vùng đồng bằng sông Hồng, Việt Nam” tại ba tỉnh Thái Bình, Nam Định và Hưng Yên trong thời gian từ nay đến năm 2024.
Mục tiêu đề ra là xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển chuỗi giá trị lúa gạo khu vực đồng bằng sông Hồng; nâng cao năng lực canh tác lúa hiệu quả trong bối cảnh biến đổi khí hậu tới người nông dân, nhằm nâng cao thu nhập và bảo đảm an ninh lương thực; xây dựng thành công mô hình trình diễn canh tác lúa bền vững, giá trị cao tại tỉnh Thái Bình để nhân rộng toàn bộ khu vực đồng bằng sông Hồng.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án tại xã Liên Hoa, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.
Tại xã Liên Hoa (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) sẽ hoàn thành xây dựng mô hình trình diễn quy mô 2,4 ha vào cuối năm nay để Hàn Quốc và Việt Nam cùng phối hợp gieo trồng, chọn tạo những giống lúa có chất lượng tốt nhất.
Mô hình này được đầu tư khép kín gồm: kênh tưới dài 1,1 km; kênh tiêu dài 0,2 km; đường nội đồng dài 1 km, rộng 5m; đường chính dài 260 m, rộng từ 6 m đến 8 m và đường điện dài 1 km. Ngoài ra, còn hệ thống nhà kho, khu sấy, bảo quản, đóng gói sản phẩm…
Tại Lễ phát động, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Trong giai đoạn 2010-2020, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn với tổng số vốn xấp xỉ 160 triệu USD (trong đó vốn vay là 100 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại là 60 triệu USD), tập trung vào các lĩnh vực: thủy lợi, phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, lâm nghiệp, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi…
Tuy nhiên, ngành hàng lúa gạo vẫn còn nhiều tồn tại phải khắc phục như: Phần lớn diện tích sản xuất lúa vẫn còn manh mún, đặc biệt ở khu vực phía bắc; tổ chức sản xuất chưa bền vững, vẫn còn tình trạng sử dụng quá liều lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, làm tăng chi phí và ảnh hưởng môi trường; diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa theo mô hình cánh đồng lớn còn hạn chế; chất lượng gạo không đồng đều, ảnh hưởng đến giá trị và uy tín khi xuất khẩu.
Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao dự án “Cải tiến chuỗi giá trị lúa gạo vùng đồng bằng sông Hồng, Việt Nam” do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại. Với đầy đủ hệ thống hạ tầng, hệ thống tưới tiêu và trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến và bảo quản lúa, dự án sẽ góp phần tăng thu nhập cho người nông dân trồng lúa và nâng cao năng lực canh tác, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp tại đồng bằng sông Hồng.