Với rất nhiều cuộc họp cũng như trong mọi chuyến công tác địa phương, Thủ tướng Chính phủ đều dành thời gian đi thực địa, khảo sát thực tế hướng tuyến, quy hoạch các dự án cao tốc. Ngành giao thông hiểu rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dồn nguồn lực thực hiện cao tốc Bắc-Nam để hình thành nên trục giao thông xương sống của cả nước, quyết tâm hoàn thành tuyến đường vào năm 2025.
Thủ tướng nghe báo cáo tiến độ thi công dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Với mục tiêu tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về hạ tầng, các dự án giao thông chiếm ưu tiên đặc biệt trong chương trình nghị sự của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Riêng với cao tốc Bắc-Nam, Thủ tướng nêu rõ, việc triển khai các dự án cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, không bám theo đường cũ hay khu dân cư, "qua sông bắc cầu, qua đồng đổ đất, qua núi khoét núi", qua đó giảm được khâu giải phóng mặt bằng, giảm chi phí và thời gian, tạo ra không gian phát triển mới.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và xây dựng trình các cấp có thẩm quyền để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến cao tốc, trên tinh thần hiệu quả, tiết kiệm, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đạt mục tiêu mà các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội đã đề ra.
Nhiều vấn đề vướng mắc đã có cơ chế, phương thức hoặc đường hướng để giải quyết, như vấn đề chỉ định thầu với một số gói thầu, vấn đề mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc, việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước cho các dự án…
Bộ trưởng GTVT chủ trì giao ban, "ốp" tiến độ cao tốc hằng tuần
Nhận nhiệm vụ từ Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: Với rất nhiều cuộc họp cũng như trong mọi chuyến công tác địa phương, Thủ tướng Chính phủ đều dành thời gian đi thực địa, khảo sát thực tế hướng tuyến, quy hoạch các dự án cao tốc. Ngành giao thông hiểu rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dồn nguồn lực thực hiện cao tốc Bắc-Nam để hình thành nên trục giao thông xương sống của cả nước, quyết tâm hoàn thành tuyến đường vào năm 2025.
Theo kế hoạch, cuối năm 2022, Bộ GTVT sẽ khởi công một số đoạn cao tốc và dành 3 năm xây dựng, phấn đấu hoàn thành tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông trong năm 2025.
Rút kinh nghiệm từ 11 dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2016-2020 đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nguyên vật liệu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, với các dự án tiếp theo, Bộ đã thực hiện lấy số liệu chính xác về mỏ đất, mỏ cát trên địa bàn dự án đi qua.
"Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang rất hiếm đất, chúng tôi khảo sát cả những chỗ chưa hình thành mỏ. Chính phủ sẽ cho phép các nhà thầu tự khai thác vật liệu chỉ phải đóng thuế tài nguyên môi trường, không như hiện nay là mua đất của các đơn vị khai thác với giá cao. Đây là bước tháo gỡ rất lớn mà Chính phủ đã ra Nghị quyết vừa qua", Bộ trưởng cho biết.
Xác định áp lực công việc đối với ngành giao thông vô cùng lớn, khi vừa bảo đảm tiến độ thi công giai đoạn 1, vừa bảo đảm tiến độ công tác triển khai chuẩn bị đầu tư dự án giai đoạn 2, hằng tuần, Bộ trưởng Bộ GTVT đều trực tiếp chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến với các cơ quan đơn vị và Ban quản lý dự án về đôn đốc, kiểm điểm tiến độ dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025.
Bộ trưởng yêu cầu: Các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là giám đốc các ban QLDA phải quản lý được tình hình triển khai hiện trường, nắm bắt, đánh giá đầy đủ những biến động ảnh hưởng đến dự án để kịp thời điều chỉnh kế hoạch triển khai chi tiết. Đặc biệt, phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và vật liệu cho dự án; kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm hợp đồng.
"Mục tiêu trước mắt là bảo đảm tiến độ hoàn thành 4 dự án thành phần trong năm 2022, gồm: Đoạn Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Các ban QLDA tính toán kỹ lưỡng và báo cáo, cam kết với Bộ GTVT về khả năng rút ngắn tiến độ từng dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", Bộ trưởng Thể chỉ đạo.
Đối với dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, tư lệnh ngành GTVT yêu cầu mỗi ban QLDA, mỗi dự án phải có văn phòng chỉ huy tại công trường, phải tổ chức ngay bộ máy để hoạt động từ bây giờ.
Các ban QLDA phải bám sát kế hoạch triển khai, phối hợp chặt chẽ với địa phương, chỉ đạo tư vấn tiến hành khảo sát, thí nghiệm, tính toán, xác định vị trí, trữ lượng, chất lượng và xây dựng hồ sơ liên quan đến mỏ vật liệu, bãi đổ thải… bảo đảm tính chính xác cao, để giai đoạn tổ chức thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng của công trình.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng quán triệt: Các ban QLDA phải tập trung đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ thiết kế cơ bản; hoàn thành đến đâu bàn giao ngay cho địa phương để triển khai ngay việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, không chờ đến mốc thời gian đã đề ra.
Hầm Thung Thi - hạng mục hầm phức tạp nhất của dự án cao tốc Bắc-Nam - Ảnh: Báo Giao thông
Quyết tâm từ những người đứng đầu lan tỏa tới công trường thi công cao tốc
Hàng loạt dự án giao thông đồng loạt tăng nhân lực, thiết bị, bứt tốc thi công ngày đêm để đáp ứng kế hoạch vốn được giao. Trên các công trường, không chỉ ban ngày mới tấp nập nhân lực thi công, mà các nhà thầu còn sáng đèn thi công cả ban đêm để tranh thủ thời tiết khô ráo, thuận lợi.
Ba tháng qua, công trường do Tổng Công ty Trường Sơn tổ chức thi công tại gói thầu số 13 thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn - QL45 rầm rập tiếng máy móc cả ngày lẫn đêm. Tại mũi thi công 2 km đường đầu tuyến, hơn 50 công nhân cùng 22 đầu máy, thiết bị tăng hết tốc lực hoàn thiện cấp phối đá dăm trên 1 km.
Để rút ngắn tiến độ, Trường Sơn đã huy động tổng lực thi công ngày đêm, tăng thêm 5 đầu máy cho mũi thi công 2 km đường không phải xử lý nền đất yếu, phấn đấu triển khai công tác rải nhựa đoạn tuyến từ tháng 4/2022.
Với hạng mục cầu, 3 mũi cầu đã được triển khai, tổng số nhân lực huy động cao điểm lên đến 100 người (thông thường là 50-60 người). Nhờ vậy, tiến độ thi công cầu được cải thiện đáng kể. Nếu thời điểm trước Tết, sản lượng thi công trượt khoảng 2-3% so với kế hoạch thì hiện đã đáp ứng được yêu cầu.
Đại diện Ban điều hành dự án Mai Sơn - QL45 cho biết, ngay sau tiếp nhận chỉ đạo rút ngắn tiến độ của Thủ tướng Chính phủ, hơn 2 tháng qua, hàng chục mũi thi công cầu, hầm, đường trải dải trên tất cả các gói thầu của dự án đều sáng đèn đến đêm muộn để giải quyết dứt điểm kế hoạch chi tiết xây dựng theo từng ngày.
Tại công trường thi công hầm Thung Thi - hạng mục hầm phức tạp nhất của dự án cao tốc Bắc-Nam, đại diện Ban điều hành thi công hầm cho biết: Để bảo đảm kế hoạch, nhà thầu đã tăng nhân lực từ 300 kỹ sư, công nhân lên gần 420 người, tổ chức 14 mũi thi công trong hầm.
Tương tự, cùng nằm trên dự án thành phần Mai Sơn - QL45, những ngày qua, hơn 100 kỹ sư, công nhân cũng đang dồn lực với những ca làm việc kéo dài đến 10h đêm để hoàn thành những hạng mục cuối cùng công trình hầm Tam Điệp, đưa công trình cán đích trước khoảng 5 tháng so với kế hoạch.
Thủ tướng nghe báo cáo tiến độ thi công dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Tại dự án thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu, sau chỉ đạo rút ngắn tiến độ của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch thi công hầm Trường Vinh cũng được xây dựng lại để đáp ứng yêu cầu.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Giám đốc ban điều hành dự án hầm Trường Vinh cho biết, theo kế hoạch, ống hầm trái sẽ thông trước ngày 30/4/2022, hầm phải dự kiến 15/5 sẽ hoàn thành.
Song, nhà thầu đã lên kế hoạch đẩy nhanh tiến độ, huy động thêm máy móc, thiết bị chuyên dụng hiện đại triển khai 12 mũi thi công, gồm 2 mũi thi công độc lập cho 2 ống hầm; 2 mũi thi công cầu; 8 mũi thi công phần đường, cống thoát nước, tổ chức làm việc 3 ca/ngày, phấn đấu cùng với Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải vượt tiến độ thông hầm 3 tháng.
Tại dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm, đại diện Ban điều hành dự án cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT về việc rút ngắn tiến độ, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã thống nhất với nhà thầu tăng từ 11 mũi lên 51 mũi thi công hầm Dốc Sạn. Đặt mục tiêu rút ngắn tiến độ 3 tháng theo kế hoạch chung được lập lại.
Hầm Núi Vung trên địa phận tỉnh Ninh Thuận dài 2,2 km, quy mô 3 làn xe, bề rộng hầm 14 m - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trực tiếp tháo gỡ khó khăn tại các dự án đang chậm
Bên cạnh các dự án đang thuận lợi thi công, cao tốc Bắc-Nam vẫn còn dự án đang gặp vướng mắc, đơn cử như dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt. Đây là dự án đầu tư theo hình thức BOT và ký kết hợp đồng giữa Bộ GTVT với nhà đầu tư vào ngày 13/5/2021. Theo hợp đồng dự án thì chỉ còn 27 tháng nữa phải hoàn thành, nhưng đến nay khối lượng công việc chỉ mới thực hiện được 1,77%.
Tại hiện trường thi công ngày 12/3, các đơn vị thi công huy động 144 thiết bị các loại, triển khai thi công 27 mũi trên tất cả 4 gói thầu xây lắp.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã nhấn mạnh kiên quyết không lùi tiến độ tổng thể, cũng như tiến độ của từng dự án. Chính phủ cũng đã quyết định cho phép chỉ định thầu xây lắp dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2.
Do đó, chủ đầu tư cũng như nhà thầu phải thay đổi tư duy và cách làm, không thể khư khư tư duy và cách làm cũ được nữa. Không thể lập tiến độ chung chung rồi không hiểu ra sản phẩm như thế nào. Phải xây dựng tiến độ cụ thể, chi tiết để hằng tuần, hằng tháng có sự điều chỉnh phù hợp. Doanh nghiệp dự án cũng phải kiện toàn lại bộ máy để nâng cao tính chuyên nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả công việc.
"Đây là dự án BOT, trách nhiệm chính thuộc về nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án nhưng Bộ GTVT, các đơn vị thuộc Bộ luôn theo dõi sát sao và sẵn sàng đồng hành, giúp đỡ nhà đầu tư. Nhà đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa để bù khoảng thời gian trước", Thứ trưởng Tuấn nói.
Với sự đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trực tiếp từ các đơn vị thuộc Bộ GTVT, đến nay, các nhà thầu đã huy động 57 mũi thi công tại hiện trường, với 224 thiết bị. Trong thời gian tới, các nhà thầu sẽ bổ sung thêm 20 mũi thi công với nhiều thiết bị, công nhân… bảo đảm tiến độ đã ký kết.
Tại cao tốc Cam Lộ-La Sơn, ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, dự án đạt tiến độ gần 80%, cơ bản đáp ứng yêu cầu của Bộ GTVT. Dự kiến, toàn bộ dự án cán đích vào ngày 31/10/2022.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về rút ngắn thời gian dự án, Ban đã làm việc với các nhà thầu và báo cáo Bộ GTVT triển khai các giải pháp để rút ngắn tiến độ hoàn thành dự án vào cuối tháng 9/2022, rút ngắn 30 ngày so với dự kiến.
Các đơn vị chức năng, thi công điều chỉnh giải pháp xử lý nền đất yếu bằng lớp đệm cát kết hợp lưới địa ba trục; tăng gia tải để xử lý đất yếu bằng giếng cát, cọc cát đầm… Đáng nói, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết mặc dù điều chỉnh về giải pháp thi công nhưng không làm phát sinh về chi phí dự án.
Chỉ đạo tại hiện trường dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu Ban QLDA tăng cường điều phối giữa các nhà thầu trên tuyến. Đơn vị mạnh phải hỗ trợ đơn vị yếu. Nhà thầu chậm tiến độ sẽ bị cắt chuyển khối lượng cho đơn vị mạnh để "giải cứu" triển khai. Đồng thời, Thứ trưởng "đặt hàng" nhà thầu Công ty 68, Sơn Hải, Tổng Thành An... có giải pháp hỗ trợ trang thiết bị, vật liệu để tăng cường cho các nhà thầu chậm tiến độ.
"Nhà thầu phải xong công tác nền đường, đồng thời xử lý dứt điểm các vị trí sụt trượt. Ban cử cán bộ bám công trường. Lãnh đạo Bộ GTVT trực tiếp kiểm tra, ít nhất 1 tuần 1 lần, nếu nhà thầu, các đơn vị chức năng không tăng cường thi công sẽ bị xử lý nghiêm. Dự án phải tạo bứt phá khối lượng thi công hằng ngày ngay trong giai đoạn này", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Hàng loạt dự án giao thông đồng loạt tăng nhân lực, thiết bị, bứt tốc thi công ngày đêm để đáp ứng kế hoạch vốn được giao - Ảnh: Báo Giao thông
Có thể thấy, ngọn lửa quyết tâm từ người đứng đầu Chính phủ đã lan tỏa mạnh mẽ xuống các bộ, ngành, các công trường thi công.
Với các dự án đã hoàn thành, các dự án đã và đang được nghiên cứu, quy hoạch, triển khai, "hình hài" của hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược trên cả nước đang ngày càng rõ nét, với các công trình trọng điểm được thúc đẩy như Cảng hàng không quốc tế Long Thành; tuyến đường bộ cao tốc Bắc=Nam phía đông, các dự án đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, khu vực miền núi phía bắc, các tuyến đường ven biển, hành lang kinh tế Đông-Tây…
Những dự án này sẽ giúp từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, tạo sức lan tỏa cao để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra, trong đó hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược.
Chia sẻ những tâm tư, mong mỏi đó của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, năm 2022 và cả những năm tới đây, Bộ GTVT sẽ dồn toàn lực để hoàn thành cao tốc Bắc-Nam đúng thời hạn. "Trách nhiệm nặng nề, áp lực lớn song chúng tôi quyết tâm làm tốt nhất", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.