Lực lượng hải quan kiểm tra lô hàng bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài. (Ảnh MINH CHIẾN)
Lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, một số đối tượng đã tìm cách đưa vào thị trường Việt Nam nhiều mặt hàng thiết bị y tế không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng. Hành vi này không chỉ gây nhiễu loạn thị trường, mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao về lây nhiễm dịch bệnh, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.
Mới đây, Công an tỉnh Lạng Sơn bắt liên tiếp hai vụ vận chuyển hàng trăm hộp thuốc được quảng cáo phòng và chữa Covid-19, nhưng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cụ thể, vào khoảng 11 giờ ngày 18/2, tại đường Chu Văn An, phường Vĩnh Trại (TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn), tổ công tác Phòng Cảnh sát môi trường phát hiện, phối hợp các đơn vị kiểm tra xe ô-tô do Hoàng Thúy Hạnh (SN 1991, trú tại xã Phú Xá, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) điều khiển.
Quá trình kiểm tra, cảnh sát thu giữ trên xe 400 hộp thuốc dạng viên con nhộng (loại 2 vỉ/hộp; 12 viên/vỉ), trên bao bì có in chữ nước ngoài, dùng qua đường uống để phòng, chống dịch Covid-19, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp. Đối tượng Hạnh khai nhận đã nhờ mua số hàng này từ Trung Quốc với số tiền 26 triệu đồng, mục đích để sử dụng và bán kiếm lời. Trước đó, lúc 18 giờ ngày 17/2, cũng tại địa điểm nêu trên, tổ công tác Phòng Cảnh sát môi trường kiểm tra xe mô-tô BS: 98D-637.10 do Nguyễn Mạnh Cường (SN 1990, trú tại số 65, đường Đinh Tiên Hoàng, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn) điều khiển.
Cảnh sát thu giữ trên xe 400 hộp thuốc chữa Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đối tượng khai mua trên mạng xã hội tổng số tiền 30 triệu đồng với mục đích để bán kiếm lời. Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục xác minh làm rõ để xử lý theo quy định. Ngày 17/2, tại khu vực sân bay quốc tế Nội Bài, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội cũng vừa phát hiện một lô hàng 85.000 kit test nhanh Covid-19 trị giá khoảng 8 tỷ đồng được vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài. Các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn khai báo hàng hóa chung chung, khai báo sai tên hàng hóa để nhập lậu. Trong khi, theo quy định, mặt hàng kit test nhanh Covid-19 là mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, phải có giấy phép của Bộ Y tế.
Cũng liên quan đến tình hình buôn lậu thiết bị y tế, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, giữa tháng 8/2021, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội) đã phối hợp lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, Công an huyện Hoài Đức kiểm tra, phát hiện 1.000 bộ van máy thở không có nguồn gốc đang chuẩn bị phân phối ra thị trường. Trước đó, tại đường nội bộ khu đất dịch vụ thuộc xã An Khánh, huyện Hoài Đức, lực lượng liên ngành đã kiểm tra xe ô-tô BKS: 12C-062.xx, phát hiện trên xe có một lượng lớn hàng hóa gồm 50 thùng, mỗi thùng có 20 bộ van máy thở.
Toàn bộ số thiết bị y tế này đều không có tem nhãn phụ tiếng Việt, không có đăng ký tiêu chuẩn chất lượng của Bộ Y tế và không được cấp phép lưu hành, không ghi nguồn gốc, xuất xứ trên thân vỏ hộp. Làm việc với lực lượng chức năng, lái xe N.N.L khai nhận số hàng hóa nêu trên được một công ty thuê chở về trụ sở (địa chỉ tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức), toàn bộ hàng sau đó sẽ được chuyển vào TP Hồ Chí Minh. Xe của N.N.L có giấy lưu hành luồng xanh tuyến Lạng Sơn-TP Hồ Chí Minh. Ước tính giá trị tổng số hàng hóa khoảng 700 triệu đồng.
Trước tình trạng nêu trên, vừa qua, Bộ Y tế có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực y tế.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể người dân trong việc tham gia phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Yêu cầu các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh rà soát các hoạt động cấp phép cho sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các mặt hàng như: thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, mỹ phẩm, thực phẩm, hóa chất, thiết bị và các mặt hàng phục vụ công tác phòng dịch như trang phục bảo hộ, găng tay, khẩu trang y tế... để bảo đảm vừa tạo điều kiện thuận lợi cao nhất cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa bảo đảm làm tốt công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng…
Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh, quảng cáo, nhất là hoạt động trên các trang mạng xã hội đối với các sản phẩm trang thiết bị y tế trong đó có các kit test nhanh và kit test kháng nguyên virus SARS-CoV-2 không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được phép lưu hành ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thực tế cho thấy, việc mua bán những sản phẩm thuốc, thiết bị y tế giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đã gây ra không ít hậu quả nghiêm trọng. Trong trường hợp người dân, lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch sử dụng phải những trang thiết bị, vật tư y tế không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng sẽ trực tiếp bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe,… làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch trên cả nước. Bên cạnh đó, những hành vi nêu trên không chỉ gây khan hiếm nguồn hàng trong nước, mà việc vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp còn tiềm ẩn nguy cơ cao về lây nhiễm dịch bệnh, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội.
Do vậy, cùng với việc thực hiện nghiêm các quy định văn bản của Bộ Y tế, cơ quan quản lý nhà nước đối với các mặt hàng vật tư y tế thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, cần công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với những cá nhân, doanh nghiệp đủ điều kiện được phép sản xuất, nhập khẩu các loại thuốc, thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch. Cần chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn, điều tra, xử lý vi phạm đối với các trường hợp vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý thị trường các địa phương cần tăng cường công tác quản lý tại địa bàn nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại, nhất là các mặt hàng liên quan công tác phòng, chống dịch Covid-19 để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, đồng thời góp phần chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh.