Chuyên gia cho rằng, “bữa tiệc” của đồng USD sẽ chưa kết thúc, bởi nó vẫn hoạt động tốt khi Mỹ vượt trội so với các nước khác mặc dù sự sụp đổ tăng trưởng vẫn đang diễn ra.
Thời gian gần đây, hiện tượng "phi đô la hoá" càng nổi lên như một câu chuyện phổ biến trên thị trường tài chính. Trong những năm dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chỉ số đồng đô la Mỹ (DXY) - thước đo hiệu suất của đồng tiền Mỹ so với các đồng tiền chính của nó - đã giảm nhanh chóng, một phần do tâm lý lạc quan về các thị trường mới nổi, nhưng cũng vì những lo ngại về thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng gia tăng của Mỹ.
Một thế giới đa cực hơn đã đặt ra những thách thức lớn hơn đối với đồng USD, tuy nhiên các lực lượng mạnh mẽ củng cố sự nắm giữ của nó đối với nền kinh tế toàn cầu vẫn tồn tại. Ảnh: EPA-EFE
Điều này đã được ông Jens Nordvig, CEO của công ty phân tích dữ liệu Exante Data gọi đó là làn sóng “căm ghét đồng đô la”. Tuy nhiên, đồng bạc xanh cuối cùng đã ổn định, phần lớn là do vị thế của nó như một nơi trú ẩn an toàn được hưởng lợi từ các giai đoạn hỗn loạn.
Vào thời điểm năm 2009-2010, làn sóng chống đô la hoá lại tiếp tục, khi nhiều nền kinh tế đang phát triển đổ lỗi cho các chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã rút quá nhiều vốn hướng tới các thị trường mới nổi có năng suất cao hơn, khiến tiền tệ của các quốc gia đang phát triển tăng giá nhanh chóng.
Đến nay, sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ - Trung và trầm trọng hơn do việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế do Hoa Kỳ lãnh đạo đối với Nga, đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt về tương lai của hệ thống tài chính toàn cầu.
Về vấn đề này, theo đánh giá của ông Nicholas Spiro, chuyên gia về các nền kinh tế phát triển và mới nổi tại công ty tư vấn Lauressa Advisory, những lo ngại về sự thống trị của đồng USD cùng với việc chính phủ Hoa Kỳ thừa nhận rằng, các biện pháp trừng phạt bởi phương Tây có thể làm suy yếu quyền bá chủ của đồng bạc xanh, đã làm tăng sức hấp dẫn cho các giải pháp thay thế hoạt động tài trợ và thương mại bằng đồng USD.
Tuần trước, các bộ trưởng ngoại giao của nhóm các nước BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã yêu cầu Ngân hàng Phát triển Mới - ngân hàng phát triển đa phương do các quốc gia thuộc khối BRICS thành lập, như một đối trọng với các thể chế đa phương của phương Tây, đưa ra hướng dẫn về cách thức hoạt động của một đồng tiền chung mới tiềm năng.
“Song, mọi biện pháp nhằm thoát khỏi đồng USD đều xung đột với thực tế về tính ưu việt của đồng bạc xanh, cũng như việc thiếu một giải pháp thay thế khả thi làm đồng tiền dự trữ thống trị. Trong khi một thế giới đa cực hơn, kém ổn định hơn đặt ra những thách thức lớn hơn đối với đồng USD, thì các lực lượng hùng mạnh làm nền tảng cho sự nắm giữ của nó đối với nền kinh tế toàn cầu vẫn tồn tại”, ông Nicholas Spiro nói.
Cụ thể hơn, vị chuyên gia phân tích: Thứ nhất, khái niệm về một loại tiền tệ chung cho các nước BRICS là chưa khả thi. Ngay cả các thành viên khác nhau của khu vực đồng Euro cũng đã không dễ dàng trong việc vận hành một loại tiền tệ, trong khi khối này còn có một ngân hàng trung ương duy nhất và được hưởng lợi từ lượng lớn vốn chính trị đầu tư vào hội nhập châu Âu.
Khối BRICS có một nhóm các quốc gia đa dạng hơn nhiều. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Nga là một quốc gia bị trừng phạt, Nam Phi và Brazil đã phải vật lộn để phát triển, trong khi Ấn Độ đang cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc để giành ảnh hưởng địa kinh tế. Bất kỳ nỗ lực nào để tạo ra một loại tiền tệ được chia sẻ cũng chỉ như muối bỏ biển.
Thứ hai, có một lý do khiến tiền tệ của Mỹ được mệnh danh là “King Dollar”, đó là nó tham gia vào 88% giao dịch ngoại hối, so với 31% đối với đồng Euro và 17% đối với đồng Yên Nhật (nguồn dữ liệu: Ngân hàng Thanh toán Quốc tế). Đồng USD cũng chiếm khoảng 60% dự trữ ngoại hối chính thức và khoảng một nửa thương mại toàn cầu được thanh toán bằng USD.
Ngoài ra, có một số thuộc tính quan trọng làm cho vai trò của đồng USD trong nền kinh tế toàn cầu trở nên độc đáo - chúng bao gồm quy mô tuyệt đối của nền kinh tế Hoa Kỳ và bản chất tự do chuyển đổi của đồng bạc xanh. Đặc biệt, đồng USD được hưởng lợi từ các hiệu ứng mạng lớn, vì chuyển đổi từ một loại tiền tệ để mọi người khác sử dụng là rất khó khăn.
Thứ ba, đồng bạc xanh còn được hưởng lợi nhiều từ “đặc quyền cắt cổ” của nó, là cho phép Hoa Kỳ tài trợ cho các khoản thâm hụt tài chính lớn của mình trong khi vẫn giữ lãi suất thấp hơn và giá tài sản cao hơn mức có thể. Điều đó cũng có nghĩa là đồng USD tăng giá trong thời kỳ khủng hoảng, ngay cả khi cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ chính nước Mỹ.
“Tuy nhiên, không có loại tiền tệ nào khác có thể thay thế đồng USD trong hiện tại không có nghĩa là sự đa dạng hóa sẽ không tiếp tục. Nhân dân tệ là một trong số đó”, chuyên gia tại Lauressa Advisory cho biết.
Có thể thấy, vào tháng 3/2023, lần đầu tiên việc sử dụng Nhân dân tệ trong các giao dịch xuyên biên giới của Trung Quốc đã vượt qua đồng USD. Hơn nữa, tỷ trọng tài chính thương mại toàn cầu của đồng Nhân dân tệ cũng tăng gấp ba lần kể từ cuối năm 2019, chủ yếu là do thương mại của Nga với Trung Quốc tăng mạnh.
Mặc dù vậy, giới phân tích cũng đã chỉ ra những hạn chế lớn đối với quá trình quốc tế hóa của đồng Nhân dân tệ, do Trung Quốc không sẵn sàng từ bỏ quyền kiểm soát đối với tài khoản vốn và hệ thống tài chính của mình. Tỷ lệ thanh toán toàn cầu của Nhân dân tệ được thực hiện trên SWIFT, hệ thống thanh toán quốc tế đã đứng ở mức 2% trong vài năm.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng đồng bạc xanh sẽ giảm trong năm nay khi lãi suất của Mỹ đạt đỉnh. Tuy nhiên, Fed vẫn có khả năng tăng lãi suất trong khi nền kinh tế tiếp tục tránh suy thoái gây ra sự phục hồi của đồng USD.
Bất chấp những gia tăng mới về sự cạnh tranh với đồng USD, dường như “bữa tiệc của đồng USD” sẽ chưa kết thúc, bởi nó vẫn hoạt động tốt khi Hoa Kỳ vượt trội so với các nước khác mặc dù sự sụp đổ tăng trưởng vẫn đang diễn ra.