Đồng USD biến động khá mạnh trong phiên vừa qua, tăng vào đầu phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, nhưng sau đó quay đầu giảm khi các nhà đầu tư cân nhắc triển vọng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), với khả năng việc lãi suất tăng mạnh có thể dẫn tới suy thoái kinh tế.
Tuần tới sẽ có một loạt các quyết định quan trọng của các ngân hàng trung ương, bao gồm Fed, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). Các nhà hoạch định chính sách của Fed, ECB và BoE cũng như nhiều ngân hàng trung ương khác vẫn tiếp tục nỗ lực kìm hãm tăng trưởng kinh tế thông qua lãi suất cao hơn để ngăn chặn lạm phát cao. Các thương nhân và nhà đầu tư sẽ theo dõi bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Fed đã sẵn sàng tạm dừng các đợt tăng lãi suất.
Ed Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của Oanda, cho hay: "Phần lớn sự suy yếu gần đây của đồng đô la là do chúng ta sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt. Thời điểm chính xác mà Fed tạm dừng sẽ quyết định xu hướng của đòng USD". Theo ông: "Hiện tại, có vẻ như các nhà đầu tư đang định vị việc USD suy yếu nhẹ, nhưng vẫn còn rất nhiều yếu tố rủi ro trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, chúng tôi sẽ không coi đây là một động thái chỉ gây giảm giá cho đồng USD".
Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 8/12 theo giờ Việt Nam giảm 0,2% xuống 104,8984. Trong đó, USD giảm 0,37% so với euro, xuống 1,05435 USD/EUR; nhưng tăng 0,13% so với bảng Ạnh, lên 1,2228 USD/GBP.
Đồng yên Nhật trong cùng thời điểm tăng 0,07% lên 136,405 JPY/USD.
Dữ liệu lạm phát giá tiêu dùng hàng tháng của Mỹ sẽ được công bố vào tuần tới, một ngày trước khi diễn ra cuộc họp chính sách của Fed (14 tháng 12), và có thể là yếu tố then chốt trong việc đặt ra các kỳ vọng dài hạn cho chính sách tiền tệ.
"CPI của Mỹ là một dữ liệu thực sự quan trọng đối với xu hướng trên diện rộng của đồng USD vào lúc này, và từ nay cho đến khi ngân hàng trung ương Mỹ họp và công bố dữ liệu CPI của mình, sẽ không có điều gì tuyệt vời xảy ra", chiến lược gia tiền tệ Adam Cole của RBC cho biết.
Câu hỏi quan trọng đối với các nhà giao dịch và nhà đầu tư là liệu lạm phát đã đạt đến đỉnh điểm hay chưa? Điều đó sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách có nhiều cơ hội hơn để giảm tốc độ tăng lãi suất trong những tháng tới.
Trong khi đó, giá dầu giảm xuống dưới 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2, do lo ngại gia tăng về mức độ ảnh hưởng của việc kinh tế tăng trưởng chậm lại đối với nhu cầu năng lượng toàn cầu.
Giá dầu thô Brent trong phiên 8/12 có lúc giảm xuống khoảng 78 đô la, giảm gần một nửa so với mức cao nhất 14 năm đạt được vào đầu tháng 3, là 139,13 USD. Giá xăng tại trạm bơm ở Mỹ, vào tháng 6 đã đạt mức kỷ lục 5,016 USD, hiện ở mức 3,329 USD, giảm 0,4% so với thời điểm này năm ngoái, theo Hiệp hội Ô tô Mỹ.
Với giá năng lượng đã giảm, dự báo lạm phát cũng sẽ hạ nhiệt. Khoảng chênh lệch giữa lợi suất danh nghĩa và lợi suất thực tế của trái phiếu kỳ hạn 10 năm (the 10-year breakeven inflation spread) hiện ở mức chỉ 2,27%, so với mức cao điểm 3% hồi tháng 4, cũng cho thấy lạm phát đã bớt nóng. Hai yếu tố này, cùng với hy vọng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất, đã khiến giá trị của đồng USD giảm 6,2% từ đầu quý 4 đến nay, khiến đồng bạc xanh có quý giảm giá tồi tệ nhất kể từ quý 3 năm 2010, khi DXY giảm 8,5%, nhưng lại là hiệu suất quý 4 tồi tệ nhất kể từ năm 2004, theo dữ liệu của Refinitiv.
Lee Hardman, chiến lược gia tiền tệ của MUFG, cho biết: "Diễn biến tỷ giá tiếp tục nhấn mạnh rằng những người tham gia thị trường đang trở nên ít quan tâm hơn đến rủi ro lạm phát tăng và quan tâm nhiều hơn đến rủi ro tăng trưởng toàn cầu giảm".
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã tăng 4 điểm cơ bản lên 3,44%, từ mức gần thấp nhất 3 tháng.
Thị trường hiện dự đoán có 91% khả năng Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm vào tuần tới, và chỉ có 9% khả năng tăng 75 điểm cơ bản. Lãi suất đỉnh hiện được dự đoán ở mức dưới 5% vào tháng 5 năm tới.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc suy yếu trong phiên vừa qua, bất chấp việc Chính phủ nới lỏng các quy định chống COVID-19, do thị trường ngày càng lo lắng rằng con đường phục hồi kinh tế sẽ gập ghềnh.
Theo đó, nhân dân tệ giảm nhẹ xuống 6,9770 CNY trên thị trường nội địa, mặc dù ngân hàng trung ương Trung Quốc giữ vững tỷ giá tham chiếu.
Các thương nhân cho biết sự thay đổi chính sách chống COVID ở nước này đã được phản ánh trong tỷ giá hối đoái - đồng nhân dân tệ đã tăng khoảng 5% so với đồng đô la kể từ đầu tháng 11, song trọng tâm chú ý của thị trường lúc này chuyển sang cách mà Trung Quốc đối phó với khả năng số ca nhiễm gia tăng.
Nomura cảnh báo rằng "con đường mở cửa trở lại hoàn toàn có thể vẫn diễn ra từ từ, khó khăn và gập ghềnh.... vì Trung Quốc dường như chưa chuẩn bị tốt cho một làn sóng lây nhiễm COVID lớn."
Tâm lý nhà đầu tư cũng trở nên e dè bởi dữ liệu được công bố vào thứ Tư cho thấy thương mại của Trung Quốc vào tháng 11 sụt giảm tồi tệ nhất trong 2 năm rưỡi. Xuất khẩu giảm 8,7% trong tháng 11 so với một năm trước đó, trong khi nhập khẩu giảm 10,6%.
Nomura dự đoán: "xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm với tốc độ tương tự vào tháng 12 và xu hướng giảm xuất khẩu sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2023".
Trên thị tường tiền điện tử, Bitcoin cũng biến động thất thường trong phiên vừa qua, sau khi lình xình quanh ngưỡng 16.800 USD trong gần suốt phiên, đột ngột vọt lên gần 17.000 USD lúc kết thúc ngày 8/12 theo giờ Việt Nam.
Giá Bitcoin ngày 8/12.
Giá vàng diễn biến trái chiều so với USD trong phiên vừa qua. Lúc kết thúc ngày 8/12 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.791,28 USD/ounce, sau khi tăng hơn 1% ở phiên liền trước; vàng kỳ hạn tháng 2/2023 tăng 0,3% lên 1.803,20 USD.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco Metals, cho biết: "Chúng tôi đang chờ đợi một số thông tin cơ bản mới", đồng thời cho biết thêm rằng giá vàng có thể sẽ giao dịch "chao đảo và đi ngang" trước cuộc họp chính sách của Fed vào tuần tới.