Để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế của Chính phủ, việc gắn kết chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Việc phối hợp chặt chẽ chính sách tài khoá và tiền tệ là yêu cầu bắt buộc để thực hiện mục tiêu kép - Ảnh: VGP
Nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có một số trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về những mục tiêu, nhiệm vụ của ngành tài chính góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ "kép" đã đặt ra.
Vừa qua, ngành tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách. Tuy nhiên, năm 2022 dự báo còn nhiều khó khăn, vậy giải pháp để đối phó với việc áp lực ngân sách gia tăng là gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, để có thêm nguồn lực cho Nhà nước thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo toàn ngành phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu NSNN năm 2022 đã được Quốc hội, Chính phủ giao. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, điều hành chính sách tài khóa chủ động, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục hoàn thiện và trình các cấp có thẩm quyền và triển khai các giải pháp hỗ trợ về thuế trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giúp cho DN và người dân ổn định, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo nguồn thu vững chắc cho NSNN.
Thứ hai, tiếp tục triển khai mạnh mẽ cải cách TTHC về thuế, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế trên phạm vi cả nước ở tất cả các khâu quản lý thuế để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của người nộp thuế, tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho DN, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh…
Thứ ba, thực hiện tốt Luật Quản lý thuế, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN; quản lý hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử và nền kinh tế số. Tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế…
Thứ tư, thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai, tài nguyên, khoáng sản…
Thứ năm, tăng cường sự phối hợp các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ cùng với việc thực hiện các giải pháp quản lý chặt chẽ đối với các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, thị trường chứng khoán…
Mới đây, Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã nhấn mạnh yêu cầu phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ nhịp nhàng, có chính sách hỗ trợ có dòng tiền đi đến đúng chỗ, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, vậy giải pháp thực hiện nhiệm vụ này là gì thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Việc nhấn mạnh yêu cầu phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô là hết sức đúng đắn. Đây là yếu tố bắt buộc trong quản lý, điều hành nền kinh tế, đặc biệt là trong điều kiện có các biến động lớn trong, ngoài nước.
Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, tác động sâu và nghiêm trọng tới nền kinh tế thế giới và trong nước, để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, việc gắn kết chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ càng được đề cao hơn bao giờ hết.
Thứ nhất, phối hợp đồng bộ để giảm khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân.
Ở góc độ chính sách tài khóa, đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và các khoản thu NSNN khác để giúp doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh tiết giảm chi phí, có thêm nguồn lực để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, nhiều giải pháp về tiền tệ, tín dụng đã được thực hiện đồng bộ, để giảm chi phí cho các doanh nghiệp, người dân, trong đó có giảm lãi suất, giữ nhóm nợ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
Thứ hai, phối hợp trong đảm bảo an sinh xã hội và phòng dịch COVID-19. Theo các Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Nghị quyết 68/NQ-CP, chính sách tài khóa đã hỗ trợ người lao động, người dân thông qua chi trực tiếp tiền mặt, hỗ trợ gián tiếp cho người sử dụng lao động, người lao động thông qua chính sách cho vay trả lương, phục hồi sản xuất…
Thứ ba, với các kết quả cơ cấu lại NSNN, nợ công và việc điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá phù hợp, đã phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP), bảo đảm huy động nguồn lực lớn cho NSNN và cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững, giảm mạnh mặt bằng lãi suất, góp phần để thực hiện các nhiệm vụ chi phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội của Nhà nước, thúc đẩy đầu tư tư nhân; là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá...
Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với NHNN trong quản lý cung - cầu tiền tệ, kiểm soát giá cả. Trong điều hành, thường xuyên trao đổi thông tin theo dõi và đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô, biến động thị trường (chứng khoán, tiền tệ, ngoại hối…), tình hình giá cả thế giới và trong nước. Ví dụ khi nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, công tác quản lý, điều hành giá cả đã được điều chỉnh phù hợp, giảm giá điện, giá nước sạch sinh hoạt, không tăng giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục đào tạo (học phí); giảm giá dịch vụ hàng không, dịch vụ chứng khoán... nhằm kiểm soát, giảm áp lực tăng giá...
Trong thời gian tới, chúng tôi yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, linh hoạt giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm hỗ trợ thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh dự địa chính sách tài khóa và tiền tệ không còn dồi dào như những năm trước đây.
Nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần, dưới góc độ người đứng đầu ngành tài chính, Bộ trưởng có thông điệp gì để chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Trong hơn 9 tháng giữ trọng trách là Bộ trưởng Bộ Tài chính, cũng là thời điểm bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước diễn biến phức tạp với rất nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhất là ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, nhưng tôi và tập thể lãnh đạo Bộ Tài chính cùng toàn thể công chức, viên chức của ngành đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, kiên quyết, kiên trì thực hiện thành công "mục tiêu kép" mà Chính phủ đề ra, đồng thời tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính-NSNN, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Một trong những thành tựu đáng ghi nhận là Bộ Tài chính đã bám sát chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, chủ động điều hành chính sách tài khóa ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19 như thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và gia hạn thời hạn nộp đối với một số sắc thuế, khoản thu, với tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí được miễn giảm, gia hạn năm 2021 khoảng 144 nghìn tỷ đồng, trong đó số tiền gia hạn khoảng 119,4 nghìn tỷ đồng, số tiền miễn, giảm khoảng 24,6 nghìn tỷ đồng…
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, trong bối cảnh dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Nhân dịp năm mới, tôi nhận thấy trọng trách của ngành tài chính nói chung, của cá nhân tôi là người đứng đầu ngành nói riêng rất lớn. Tôi tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và với quyết tâm, đồng lòng, cách làm sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức, ngành tài chính sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!