Chiều 27/4, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo thường kỳ thông báo về kết quả, tình hình hoạt động quý I/2022 của Bộ Tư pháp. Chánh văn phòng Bộ Tư pháp kiêm người phát ngôn Nguyễn Quốc Hoàn chủ trì họp báo.
Cơ quan tố tụng đang kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để bảo đảm thi hành án sau này và quyền lợi cho người dân - Ảnh: VGP/Lê Sơn
Kê biên, phong toả để phục vụ quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án
Liên quan đến việc các cơ quan pháp luật bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC và ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, câu hỏi đặt ra là các cơ quan tố tụng có nên kê biên tài sản của họ để phục vụ cho việc thi hành án sau này hay không cũng như bảo đảm quyền lợi cho người dân?
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi cho biết: Công tác thi hành án dân sự gặp không ít khó khăn, vướng mắc khi Tòa án tuyên số tiền, tài sản mà các bị cáo phải thi hành rất nhiều nhưng bị tẩu tán nên số thi hành được rất ít.
Theo ông Nguyễn Thắng Lợi, Điều 126 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: "Để bảo đảm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, trong phạm vi thẩm quyền của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong toả tài khoản".
Bên cạnh đó, Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương cũng có nội dung: Kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong toả tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.
"Hiện nay, các cơ quan tố tụng đã tiến hành các biện pháp tạm giữ, phong toả tài khoản để phục vụ quá trình điều tra. Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc để phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm bảo đảm việc thi hành án dân sự sau này, nếu có", Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thắng Lợi nói.
Bộ Tư pháp đang làm việc với huyện Đan Phượng về sai phạm trong đấu giá đất
Trả lời câu hỏi về những sai phạm và quá trình xử lý đối với việc bán đấu giá 26 lô đất tại huyện Đan Phượng (Hà Nội), Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai cho hay, ngày hôm nay có đoàn công tác của Bộ Tư pháp về làm việc với huyện Đan Phượng và cơ quan chức năng về xử lý sai phạm trong quá trình bán đấu giá các lô đất của huyện Đan Phượng.
Trước đó, Cục Bổ trợ tư pháp đã có 2 văn bản đôn đốc huyện Đan Phượng, yêu cầu thực hiện kết luận thanh tra. Tuy nhiên, huyện Đan Phượng lại có báo cáo Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, đề nghị không huỷ kết quả bán đấu giá các lô đất trên vì một số lô đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã được chuyển nhượng. Do đó, việc huỷ kết quả đấu giá sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của những người "ngay tình" khi nhận chuyển nhượng lô đất đó mà không biết các sai phạm đã xảy ra từ trước.
"Sau cuộc làm việc ngày hôm nay với huyện Đan Phượng và cơ quan liên quan, Đoàn công tác sẽ có báo cáo toàn diện, kiến nghị xử lý cụ thể đối với việc xử lý sai phạm này", bà Nguyễn Thị Mai nêu rõ.
Đối với vấn đề đấu giá biển kiểm soát xe và quyền chuyển nhượng, mua bán của chủ sở hữu, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai biết: Biển kiểm soát xe là tài sản đặc biệt. Tuy nhiên, điều này lại bị hạn chế bởi Luật Giao thông đường bộ là cấm mua bán, chuyển nhượng biển kiểm soát xe. Vì thế, Bộ Công an đang chủ trì, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.