(Chinhphu.vn) - Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã số hóa thành công 2 quy trình nghiệp vụ về tài chính kế toán và kinh doanh - dịch vụ khách hàng. Kết quả ấn tượng này được doanh nghiệp công bố ngày 18/11.
EVNNPC vừa công bố số hóa thành công hai quy trình nghiệp vụ về Tài chính kế toán và Kinh doanh-dịch vụ khách hàng. Ảnh: VGP
Hiệu quả từ việc số hóa các quy trình nghiệp vụ
Với việc số hóa thành công hai quy trình nghiệp vụ, EVNNPC đã mang lại những hiệu quả cao trong công tác quản trị doanh nghiệp. Các nghiệp vụ được thực hiện chuẩn xác, tránh sai sót; chuẩn hóa toàn bộ các mẫu biểu, hồ sơ, quy trình cập nhật, trình tự thủ tục..., bảo đảm tính công khai, minh bạch, sự giám sát của các cấp quản lý trong từng công đoạn.
Số hóa các quy trình này cũng góp phần từng bước “phẳng hóa” giới hạn về không gian, vị trí địa lý giữa các phòng, ban, đơn vị, các địa phương, vùng miền...
Trong quy trình tài chính kế toán, EVNNPC đã số hóa dữ liệu, chuyển đổi toàn bộ dữ liệu từ dạng vật lý sang dạng kỹ thuật số, bắt đầu từ khâu hợp đồng qua giai đoạn nghiệm thu, đóng điện và kết thúc ở khâu thanh, quyết toán.
Tất cả hồ sơ được các cá nhân tham gia quy trình cập nhật, kiểm soát và ký số nội bộ trên phần mềm. Quy trình tài chính kế toán của EVNNPC khi số hóa được tích hợp tối đa với các phần mềm dùng chung HRMS, ERP, CMIS, IMIS,… tạo sự thống nhất trong toàn Tổng công ty và các đơn vị thành viên, bảo đảm vận hành thông suốt, có tính hệ thống và được kiểm soát chặt chẽ, nâng cao năng suất lao động.
Số hóa các quy trình kinh doanh, EVNNPC sẽ gia tăng rất nhiều lợi ích cho khách hàng; bảo đảm sự công khai, minh bạch. Khách hàng có thể thực hiện các hợp đồng, biên bản trên môi trường mạng mà không cần gặp trực tiếp nhân viên điện lực; dễ dàng tra cứu các thông tin hợp đồng trên nền tảng Internet.
Việc số hóa đã từng bước thay đổi thói quen, giúp khách hàng làm quen với việc sử dụng các dich vụ trực tuyến của ngành điện trên môi trường số. Điển hình là số hóa quy trình quản lý điện năng mua bán và thanh toán của các nhà máy điện IPP (tư nhân), các hợp đồng mua bán điện của 250 nhà máy thủy điện nhỏ và 8.066 dự án điện mặt trời mái nhà được cập nhật đồng bộ tự động; việc tính tiền mua điện hàng tháng, lập tờ trình thanh toán và tổ chức ký số luân chuyển hồ sơ thanh toán giữa các ban/đơn vị.
EVNNPC cho biết nếu như trước đây, thời gian ký biên bản thanh toán cho khách hàng mất khoảng 3-5 ngày, thì sau khi được số hóa, thời gian rút ngắn xuống còn 1 ngày. Việc thanh toán diễn ra mọi lúc, mọi nơi do thực hiện ký số các chứng từ.
Phấn đấu đến cuối năm 2022 cơ bản trở thành doanh nghiệp số
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của EVNNPC với những bước chuyển biến tích cực, đặc biệt là sự chuyển đổi về nhận thức trong công tác chuyển đổi số từ người đứng đầu đơn vị đến toàn thể cán bộ, công nhân viên.
“Với việc công bố 2 sản phẩm số hóa quy trình tài chính-kế toán và kinh doanh-dịch vụ khách hàng (2 lĩnh vực cơ bản, quan trọng của các đơn vị thuộc khối phân phối), EVNNPC đã thể hiện sự hưởng ứng tích cực tham gia thực hiện kế hoạch tổng thể chuyển đổi số trong EVN. Tổng công ty đã chọn đúng điểm, đúng lĩnh vực để đột phá trong công tác chuyển đổi số”, Chủ tịch EVN Dương Quang Thành nhấn mạnh.
Theo đó, EVNNPC cần đồng bộ cấu trúc dữ liệu không chỉ trong tất cả các lĩnh vực của đơn vị, mà đồng bộ trong toàn Tập đoàn, nhất là giữa các đơn vị có cùng lĩnh vực để khai thác, sử dụng chung. Xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất; hạ tầng kết nối rộng, thông suốt, bảo đảm số hóa thành chuyển đổi số; trung tâm dữ liệu phải có quy mô lớn để đáp ứng được yêu cầu; ứng dụng công nghệ, phần mềm phải hiện đại.
Lãnh đạo EVN kỳ vọng EVNNPC sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa, đặc biệt là trách nhiệm, tư duy của người đứng đầu để phát huy tốt tiềm năng, phối hợp với các đối tác, các đơn vị trong tập đoàn, thực hiện chuyển đổi số thành công trong năm 2022, trở thành doanh nghiệp số năm 2025.
Bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch HĐTV EVNNPC cho biết, thành quả này là kết quả của quá trình phấn đấu, nỗ lực không biết mệt mỏi của tập thể cán bộ, công nhân viên, đặc biệt là trong khối tài chính kế toán, kinh doanh điện năng và công nghệ thông tin. Sự kiện cũng này đánh dấu thành công đầu tiên của tổng công ty trong lộ trình chuyển đổi số, đồng hành với EVN trong quá trình chuyển đổi số.
EVNNPC cũng đã xây dựng một chương trình chuyển đổi số tổng thể, toàn diện trên mọi lĩnh vực, với một lộ trình, các giải pháp, kế hoạch cụ thể, với mục tiêu đến cuối năm 2022 cơ bản trở thành doanh nghiệp số, vận hành trong không gian số từ năm 2023, bà Đỗ Nguyệt Ánh cho biết.