Người dân mua sắm tại siêu thị. Ảnh: BẢO MINH
Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/6, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2022 tăng 3,37% so cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê đánh giá, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so cùng kỳ năm trước.
CPI bình quân quý II/2022 tăng 2,96% so với quý II/2021. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.
So với tháng trước, CPI tháng 6/2022 tăng 0,69% (khu vực thành thị tăng 0,7%; khu vực nông thôn tăng 0,67%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 2 nhóm hàng giảm giá.
So cùng kỳ năm trước, CPI tháng 6/2022 tăng 3,37%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá.
So với tháng 12/2021, CPI tháng 6 tăng 3,18%, trong đó có 10 nhóm hàng tăng giá, riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,32%.
Trong các nhóm tăng giá, nhóm giao thông tháng 6/2022 tăng cao nhất với 14,42% so với tháng 12/2021, trong đó giá xăng dầu tăng 37,74% do từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã điều chỉnh 16 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 9.580 đồng/lít; xăng E5 tăng 8.750 đồng/lít và dầu diezen tăng 12.440 đồng/lít. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,94% chủ yếu do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 3,35% do nhu cầu du lịch tăng cao sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 6/2022 tăng 0,44% so với tháng trước, tăng 1,98% so cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,25% so cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,44%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.