EIA đã nâng dự báo giá dầu Brent lên mức 116 USD/thùng trong quý II/2022. Ảnh: Reuters
Trong Báo cáo Triển vọng Năng lượng ngắn hạn tháng 3 rạng sáng nay, EIA đã nâng dự báo giá dầu Brent lên mức 116 USD/thùng trong quý II/2022. Tuy vậy, khi trên thị trường hiện tại còn nhiều bất ổn, liệu đây có phải là một kỳ vọng hợp lý?
Việc giá dầu vượt quá mức 100 USD/thùng và duy trì đà tăng mạnh trong 2 tuần gần đây đang buộc các tổ chức năng lượng lớn như Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA thay đổi các dự báo về giá dầu thô thế giới.
Báo cáo EIA vừa phát hành đã “lạc hậu”
Với vai trò là 1 tổ chức nghiên cứu năng lượng lâu đời và duy trì tính độc lập cao, các báo cáo hằng tháng của EIA luôn được thị trường chú ý theo dõi. Không ít lần báo cáo của EIA đưa ra trở thành các yếu tố dẫn dắt diễn biến giá trên thị trường dầu thô. Vì vậy, khi giá dầu quay trở lại thời điểm 14 năm trước, báo cáo rạng sáng nay ngay lập tức trở thành tâm điểm của thị trường.
Theo báo cáo này sáng nay, con số 116 USD/thùng đưa ra dựa trên việc EIA đã điều chỉnh tăng dự báo tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2022 từ 100,52 triệu thùng/ngày lên 101,61 triệu thùng/ngày, đồng thời sản lượng dầu toàn cầu điều chỉnh giảm xuống còn 101 triệu thùng/ngày.
Dù vậy, đây là con số đưa ra do báo cáo của EIA được xây dựng trước khi nước Mỹ tiến hành cấm vận ngành năng lượng của Nga. Còn hiện tại, sau khi Mỹ tuyên bố cấm nhập khẩu dầu từ Nga, khả năng cao nguồn cung từ phía Nga sẽ giảm. Theo ngân hàng Citibank, sản lượng dầu của Nga có thể giảm 500 nghìn đến 2 triệu thùng/ngày trong năm 2022. Do đó, giá dầu thế giới trung bình trong quý II nhiều khả năng sẽ vượt con số mà EIA đưa ra.
Mỹ sẽ hạ nhiệt giá dầu bằng cách nào?
Mỹ là quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất trên thế giới, với trung bình gần 20 triệu thùng dầu mỗi ngày cung cấp ra thị trường. Do đó, nước Mỹ có động lực lớn để tìm cách để hạ nhiệt giá. Theo ước tính, cứ mỗi khi dầu thô tăng thêm 10 USD/thùng, chi tiêu của nền kinh tế Mỹ có khả năng sẽ chịu thiệt hại khoảng 25 tỷ USD mỗi năm.
Do đó, ngay khi giá dầu thách thức mức 100 USD/thùng, ngày 1/3, Mỹ và các quốc gia thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA đã tuyên bố sẽ giải phóng 60 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ để giảm áp lực về nguồn cung cho thị trường.
Dù vậy, số dầu này chưa đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới trong 1 ngày, nên đây chỉ có thể xem là giải pháp tạm thời. Tổng lượng dầu mà các thành viên IEA nắm giữ cũng chỉ ở mức 1,5 tỷ thùng, tương đương lượng dầu thế giới tiêu thụ trong 15 ngày và khó có thể kịp thời bù đắp cho thị trường.
Phương án tiếp theo đó chính là thuyết phục các quốc gia đồng minh tăng tốc độ gia tăng sản lượng hằng tháng. Theo trang tin Axios, chính quyền Biden đang cân nhắc cử các đại điện đến đàm phán với Saudi Arabia, đất nước có khả năng sản xuất dầu hàng đầu và đồng thời đóng vai trò chủ chốt tại Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC+. Dù vậy, các nỗ lực ngoại giao được cho là đã được thực hiện từ năm ngoái khi giá ở vùng 80 USD/thùng nhưng không đạt được nhiều thành công.
Hiện tại, theo giới phân tích, phương án khả thi nhất đó chính là xóa bỏ các lệnh cấm vận dầu. Mỹ và Iran đang tích cực đàm phán để đạt được thỏa thuận hạt nhân mới, mở đường cho Tehran xuất khẩu dầu trở lại. Tuy vậy, đàm phán đang gặp nhiều trở ngại dù đang bước gần đến giai đoạn cuối do các yêu cầu từ Nga.
Theo nhận định của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), các phương án nhằm “giải cứu” thị trường này có xác suất thành công không cao. Ngay cả trong trường hợp thành công, nhiều nhất sản lượng dầu trên thế giới cũng chỉ tăng khoảng 3 triệu thùng/ngày trong cuối năm nay. Trong khi đó, nếu ngành dầu khí Nga chịu tác động tiêu cực từ các lệnh cấm, nguồn cung tương đương 8 triệu thùng dầu/ngày trên thế giới có thể sẽ chịu ảnh hưởng. Cán cân cung-cầu dầu thế giới có khả năng lệch hẳn về một bên và tiếp tục tạo đà cho giá dầu tăng.