Kết thúc những phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021, thị trường dầu thô chịu áp lực lớn trước nhận định của các tổ chức nghiên cứu dầu thô uy tín nhất trên thế giới như EIA hay OPEC+ về khả năng dư thừa nguồn cung trong quý I/2022.
Tuy nhiên, trái với dự đoán của nhiều nhà phân tích, giá dầu thô đã bất ngờ tăng hơn 9 USD/thùng chỉ trong hai tuần đầu năm và hiện đã hồi phục hoàn toàn kể từ giai đoạn biến chủng Omicron xuất hiện. Vậy nguyên nhân đằng sau đà tăng này là gì và liệu giá dầu thô thế giới có thể vượt ngưỡng 90 USD/thùng hay không?
Lý giải đà tăng mạnh của giá dầu trong nửa tháng đầu năm 2022
Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/1, giá dầu thô đạt mức 82,12 USD/thùng, tương đương với mức tăng 8,5% chỉ trong chưa đầy 2 tuần. Đáng chú ý, theo dữ liệu thống kê từ năm 1990-2021, giá dầu thô trong tháng 1 hằng năm trung bình chỉ thay đổi 0,2% so tháng 12 trước đó. Vì vậy, đà tăng này của giá dầu thực sự rất ấn tượng.
Yếu tố chính chi phối xu hướng giá dầu thô chính là những lo ngại về rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau đó, tình trạng thời tiết xấu và bảo dưỡng đường ống, kết hợp với những bất ổn trong nước đã khiến cho sản lượng dầu thô từ Libya sụt giảm 400.000-500.000 thùng/ngày.
Tiếp theo là các vấn đề tại mỏ dầu lớn nhất tại Kazakhstan, đồng minh lớn thứ 2 trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+, khiến cho sản lượng dầu tại đây có lúc giảm đến 100.000 thùng/ngày. Thậm chí, đầu tháng 1 tại Bắc Mỹ và Canada rất nhiều nhà máy và đường ống dẫn dầu phải dừng sản xuất do hiện tượng băng giá cực đoan.
Trong khi nguồn cung đang gặp khó khăn thì tiêu thụ dầu thô toàn cầu có dấu hiệu khởi sắc nhờ tâm lý tích cực của giới đầu tư về diễn biến của dịch Covid-19. Rất nhiều báo cáo gần đây chỉ ra biến chủng Omicron không tiêu cực như thị trường từng quan ngại.
Điều này thể hiện trong các Báo cáo dầu khí hằng tuần của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), cho thấy tồn kho dầu thô tại đây đã giảm 7 tuần liên tiếp. Chưa hết, theo dữ liệu di chuyển do Google cung cấp, lượng người tham gia giao thông tại châu Âu và Anh còn tăng liên tục trong tháng 12 bất chấp các hạn chế di chuyển do chính phủ thiết lập.
Yếu tố có thể đẩy giá dầu vượt mức 90 USD/thùng
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) trong cuộc họp đầu năm đã thống nhất duy trì mức tăng sản lượng hằng tháng là 400.000 thùng/ngày. Thỏa thuận này sẽ kéo dài từ tháng 8/2021 để bù đắp lại sự cắt giảm nguồn cung mạnh mẽ từ chính tổ chức này sau khi nhận thấy những rủi ro về nhu cầu dầu do đại dịch Covid-19 trong năm 2020.
Tuy nhiên, trong cả 4 tháng cuối năm 2021, tổng sản lượng dầu thô của các thành viên thuộc OPEC+ đều không thể đáp ứng được mức hạn ngạch khai thác đề ra bởi những khó khăn trong việc gia tăng sản lượng.
Theo dữ liệu mới nhất được công bố, tổng sản lượng của nhóm OPEC+ trong tháng 12 chỉ tăng 190.000 thùng/ngày so tháng 11. Trong đó, ít nhất 14 thành viên đã không thể sản xuất đúng theo kế hoạch và khiến cho tỷ lệ tuân thủ tăng lên hơn 100% lần đầu tiên kể từ tháng 02/2021.
Đặc biệt, Nga trong tháng 12 chỉ sản xuất thêm 9.000 thùng/ngày so tháng trước đó, dù theo kế hoạch, nước này được phép tăng sản lượng thêm 100.000 thùng/dầu mỗi tháng. Nga cùng với Saudi Arabia là 2 nước luôn có vai trò dẫn dắt khối, do đó, đây là một tín hiệu đáng lo ngại về khả năng tăng sản lượng thực sự của nhóm.
Một yếu tố nữa có thể hỗ trợ giá dầu rất mạnh trong trung và dài hạn chính là công suất khai thác dầu dự phòng của OPEC+. Công suất dự phòng là khả năng ngay lập tăng sản lượng khai thác dầu của mình. Theo dữ liệu tổng hợp, công suất dự phòng của toàn bộ khối OPEC+ đã giảm rất mạnh và thậm chí có thể giảm xuống 800.000 thùng/ngày vào tháng 6/2022.
Cụ thể, trong năm 2020, công suất này của toàn khối đã đạt gần 9 triệu thùng/ngày, nhưng sang tới cuối năm 2021, con số đã giảm xuống chỉ còn khoảng 2,3 triệu thùng và sẽ còn giảm sâu hơn nữa. Theo đánh giá của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), nếu công suất dự phòng càng ngày càng giảm, thị trường dầu thế giới sẽ đánh mất “chiếc phao cứu sinh” của mình và giá có thể dễ dàng tăng vọt nếu có sự thiếu hụt nguồn cung bất ngờ xảy ra.