Để mở mới tới 600 cửa hàng trong một năm, số vốn FPT Long Châu phải bỏ ra không hề nhỏ. Thông thường, có hai cách để tăng vốn, một là tăng Vốn chủ sở hữu (góp thêm vốn hoặc từ lợi nhuận giữ lại), hai là tăng chiếm dụng vốn, vay nợ từ các đối tác, Ngân hàng hoặc các bên liên quan như công ty mẹ,....
Thị trường bán lẻ dược phẩm đang ghi nhận tốc độ mở rộng như "vũ bão" của chuỗi nhà thuốc Long Châu (Công ty Cổ phần dược phẩm FPT Long Châu), khi mới đầu năm chỉ có 400 nhà thuốc, đến tháng 12 đã chạm mốc 1.000 nhà thuốc trong cả nước.
Lưu ý: 1.000 nhà thuốc chưa phải con số được công bố chính thức từ doanh nghiệp, nhưng ngay từ những ngày đầu tháng 12, trên website của FPT Long Châu đã có những hình ảnh về việc cán mốc 1.000 nhà thuốc
Riêng số lượng cửa hàng Long Châu mở mới trong năm nay bằng 1,5 lần số lượng cửa hàng mở trong khoảng thời gian từ 2017 - 2021. Có thể thấy từ quý 3, Long Châu mở rộng chuỗi với tốc độ nhanh hơn.
Tổng hợp từ nhiều nguồn
Như trước đó Chủ tịch HĐQT FPT Retail - bà Nguyễn Bạch Điệp đã chia sẻ, điểm hòa vốn của mỗi cửa hàng Long Châu dao động tùy quy mô, vị trí thuê, từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/tháng/nhà thuốc.
Điểm hòa vốn là điểm mà tại đó doanh thu phát sinh đủ bù đắp chi phí, hay nói cách khác, tổng chi phí để đưa vào vận hành một nhà thuốc Long Châu dao động từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/tháng. Từ đó có thể thấy, với con số 600 nhà thuốc mở mới trong năm 2022, số vốn cố định và lưu động mà FPT Long Châu đã phải bỏ ra để đầu tư mở rộng hệ thống nhà thuốc là không nhỏ.
Đồng thời với việc mở rộng số lượng cửa hàng, đến nay chưa ghi nhận FPT Long Châu đã tăng vốn điều lệ. Như vậy, nguồn vốn để phục vụ hoạt động kinh doanh chủ yếu đến từ 2 nguồn: lợi nhuận giữ lại và vay nợ.
Năm 2021, Long Châu mới có lãi ""nhẹ", năm 2022 lợi nhuận của Long Châu cũng chưa thể lớn ngay, nhiều khả năng số vốn huy động để đầu tư mới hệ thống chủ yếu đến từ nguồn vốn vay.
Điều này đã được chứng thực một phần trên báo cáo tài chính của công ty mẹ - Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã cổ phiếu FRT).
Trong 9 tháng đầu năm, FRT đã cho 3 công ty liên quan vay tổng cộng 5.390 tỷ đồng. Trong đó, Công ty cổ phần FPT vay hơn 4.100 tỷ đồng, Dược phẩm FPT Long Châu vay hơn 1.100 tỷ đồng và Cổ phần hữu nghị Việt Hàn vay gần 100 tỷ đồng.
Đến cuối quý III, nhóm công ty liên quan chỉ còn nợ lại FRT tổng cộng 855 tỷ đồng. Trong đó, Long Châu nợ 700 tỷ đồng, FPT nợ 90 tỷ đồng và Việt Hàn nợ hơn 65 tỷ đồng.
Bộ ba công ty: Cổ phần FPT, Cổ phần dược phẩm FPT Long Châu và Cổ phần hữu nghị Việt Hàn được gọi chung là nhóm công ty liên quan của FPT Retail (FRT). Trong đó:
- Công ty cổ phần FPT là cổ đông lớn của FPT Retail.
- Công ty cổ phần dược phẩm FPT Long Châu là công ty con do FRT nắm 85,07% cổ phần
- Công ty Cổ phần hữu nghị Việt Hàn là công ty con do FRT nắm 99,98% cổ phần.
Báo cáo tài chính (BTCT) các quý của FRT thể hiện FRT cho Long Châu vay từ quý 2 với dư nợ tại ngày 30/06/2022 là 410 tỷ đồng. Đến cuối quý 3 dư nợ của Long Châu đã tăng lên 700 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm 2021, Long Châu không có phát sinh quan hệ vay mượn với công ty mẹ FRT.
Tính tới ngày 30/9, FRT đang nắm 85,07% cổ phần của Long Châu, với số vốn thực góp là 225 tỷ đồng. Theo nghị quyết HĐQT hồi tháng 11, FRT dự tính rót thêm 225 tỷ đồng nữa vào chuỗi nhà thuốc này theo hình thức mua 22,5 triệu cổ phần, với giá 10.000 đồng/cp.
Sau khi góp vốn thành công, tổng số vốn góp của FRT tại Long Châu là 450 tỷ đồng, tương ứng 89,83% vốn điều lệ. Khi đó, vốn điều lệ của CTCP Dược phẩm FPT Long Châu sẽ tăng lên 500 tỷ đồng.
Để cụ thể hóa Nghị quyết này của HĐQT FRT còn cần thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định của Pháp luật, điều lệ công ty. HĐQT FRT ủy quyền cho bà Nguyễn Bạch Điệp, chủ tịch HĐQT công ty, nhân danh công ty quyết định các vấn đề và thực hiện các thủ tục cần thiết.