Gà Hồ được nuôi theo phương pháp dân dã, tự nhiên, chủ yếu bằng thóc gạo, cho thịt hồng, thơm, có giá trị kinh tế cao.
Nằm ở phía bờ nam của sông Ðuống, bao đời nay thôn Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) đã nổi tiếng cả nước về giống gà Hồ quý hiếm. Cứ vào mỗi dịp Tết đến, xuân về, con đường dẫn về thôn Lạc Thổ lại đông đúc hơn bởi xe vào ra của thương lái và khách đến mua gà.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng gà thương phẩm cung cấp cho thị trường không nhiều. Ðến giữa tháng Chạp, hầu hết gà Hồ ở Lạc Thổ đã được khách đặt mua.
Giảm đàn nuôi, giữ ổn định giá bán
Ðặc trưng của gà Hồ không đơn thuần ở giá trị kinh tế, ẩm thực mà còn mang đậm nét văn hóa. Gà Hồ chính là nguồn cảm hứng sáng tác của các nghệ nhân dòng tranh dân gian Ðông Hồ. Gà Hồ cũng là giống gà đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam có mở hội thi gà to, gà đẹp cách đây tới hơn 600 năm. Nhiều người quan niệm rằng, trong dịp Tết Nguyên đán nếu có thịt gà Hồ trong mâm cỗ cúng tổ tiên, trời đất, sẽ mang lại tài lộc, thịnh vượng, sung túc cho gia đình.
Ngoài quan niệm mang lại sự may mắn, gà Hồ được ưa chuộng còn bởi yếu tố chất lượng. Thịt gà Hồ rất thơm ngon, ngọt thịt, chắc nhưng không dai; da gà Hồ vàng, giòn, nhìn bắt mắt; trọng lượng gà lớn, đẹp mã; từ mào, chân đến mình gà đều rất cân đối. Chính vì thế, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán người dân ở nhiều nơi lại tìm về thôn Lạc Thổ để mua cho được gà Hồ.
Vào dịp Tết Nguyên đán những năm trước đây, bình quân mỗi năm thôn Lạc Thổ cung cấp cho thị trường khoảng 1.000 con gà thương phẩm. Tết năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hộ nuôi gà ở Lạc Thổ đã chủ động giảm số lượng đàn nuôi, dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng 600 con gà thương phẩm, giảm khoảng 40% so với những năm trước.
Mặc dù ảnh hưởng rất lớn của dịch bệnh nhưng gà Hồ vẫn giữ được giá bán. Cụ thể, gà có trọng lượng hơn 5 kg có giá 500.000-550.000 đồng/kg, gà từ 4,5 kg-5 kg có giá 450.000 đồng/kg, gà dưới 4,5 kg có giá 400.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Ðăng Chung, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi gà Hồ, gia đình ông hiện nuôi khoảng hơn 100 con gà. Trong đó, khoảng 30 con gà thương phẩm để bán vào dịp Tết, còn lại là gà giống và gà con. Ðến nay, phần lớn gà thương phẩm nhà ông Chung và các hộ nuôi gà Hồ ở Lạc Thổ đã được khách đặt mua.
Bình quân mỗi con gà Hồ sẽ có giá từ 2 đến 3 triệu đồng/con, cho giá trị kinh tế rất cao. Tuy nhiên, để có được một con gà thương phẩm người nuôi gà phải tốn rất nhiều công sức.
Thông thường, thời gian nuôi gà từ lúc mới nở đến lúc xuất bán từ khoảng 8-10 tháng, trong khi các giống gà thường chỉ mất từ 3 đến 4 tháng. Các hộ nuôi phải có sổ nhật ký ghi chép quá trình sinh trưởng của gà và nuôi theo phương pháp dân dã, tự nhiên, chủ yếu cho ăn bằng thóc gạo.
Cần quỹ đất để mở rộng sản xuất
Là giống gà thuần Việt quý hiếm, gà Hồ đã được Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế kết hợp Viện Chăn nuôi quốc gia và Học viện Nông nghiệp Việt Nam chính thức về khảo sát và đưa vào dự án bảo tồn Quỹ môi trường toàn cầu-Chương trình môi trường Liên hợp quốc-Viện Nghiên cứu chăn nuôi Quốc tế (GEF-UNEP-ILRI). Năm 2016, gà Hồ được cấp văn bằng bảo hộ và chứng nhận sử dụng cho nhãn hiệu tập thể "Gà Hồ Thuận Thành-Bắc Ninh". Ðây là cơ sở pháp lý để bảo vệ và góp phần khẳng định vị trí thương hiệu giống gà quý trên thị trường.
Ðể bảo tồn và phát triển giống gà quý ở địa phương, thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Công ty cổ phần tập đoàn Dabaco Việt Nam phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Thuận Thành bảo tồn và phát triển giống gà Hồ tại địa phương.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi gà Hồ Nguyễn Ðăng Chung, việc chăn nuôi gà Hồ ở thôn Lạc Thổ cũng như ở cả thị trấn Hồ hiện nay mới dừng ở mức hộ gia đình, sản xuất manh mún. Ðiều cần nhất của người nuôi gà Hồ là vốn đầu tư và đất sản xuất. Do quỹ đất eo hẹp, đa phần các hộ nuôi theo hình thức nhốt. Số lượng gà nuôi không được nhiều, gà không có không gian vận động, sức đề kháng kém, chậm lớn, ảnh hưởng đến chất lượng thịt. Từ nhiều năm nay, tỉnh Bắc Ninh đã có chủ trương quy hoạch khu chăn nuôi tập trung nhưng đến nay dự án vẫn chưa được triển khai. Trước đây, chúng tôi đã có văn bản đề nghị địa phương bố trí 1,5 ha đất để xây dựng Trung tâm bảo tồn, trưng bày và giới thiệu sản phẩm gà Hồ, đồng thời xây dựng hệ thống chuồng trại để nuôi gà. Tuy nhiên, đến nay địa phương vẫn chưa bố trí được quỹ đất. Thời gian nuôi gà Hồ kéo dài, quỹ đất sản xuất không có cho nên không thu hút được người chăn nuôi đầu tư.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn thị trấn Hồ có gần 250 hộ nuôi gà Hồ; trong đó chỉ có khoảng 25 hộ đang nuôi theo hình thức giữ gìn và nuôi bảo tồn giống gà Hồ (chỉ nuôi duy nhất giống gà Hồ). Nuôi gà Hồ không chỉ đem lại kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ nguồn gien quý hiếm nhưng số người nuôi gà Hồ ngày một ít dần. Nếu điều kiện sản xuất không được cải thiện, không những người dân không mở rộng được sản xuất mà e rằng sẽ còn nhiều người quay lưng lại với việc duy trì, gìn giữ, phát triển giống gà quý này