Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ đặt mục tiêu tổng quát là nâng cao vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19.
Chính phủ đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Việt Nam luôn được coi là một điểm dến đầu tư hấp dẫn
Sáng 5/1, Chính phủ tổ chức Hội nghị Chính phủ với địa phương triển khai kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.
Dự thảo nêu rõ, từ năm 2012, Chính phủ đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.
Theo đó, hằng năm Chính phủ ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết số 19 các năm 2014-2018 và Nghị quyết số 02 các năm 2019-2022) với các mục tiêu, giải pháp cụ thể, bám sát các chỉ số xếp hạng của các tổ chức quốc tế có uy tín.
Thực hiện các nghị quyết nêu trên, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực tháo gỡ nhiều rào cản, khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực trong xã hội nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Nhờ vậy, Việt Nam luôn được coi là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và là nền kinh tế năng động, có độ mở lớn và duy trì tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới.
Vị trí trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu được nâng lên
Qua 8 năm nỗ lực cải cách, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu được nâng lên. Cụ thể là: Năng lực cạnh tranh 4.0 (của Diễn đàn kinh tế thế giới – WEF) xếp thứ 67/141 năm 2019, tăng 10 bậc so với năm 2018 (năm 2020, 2021 do tác động của dịch bệnh COVID-19, nhiều tổ chức quốc tế không công bố báo cáo xếp hạng thường niên, trong đó có WEF); Đổi mới sáng tạo (của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới – WIPO) giữ thứ hạng tốt, năm 2021 ở vị trí 44/132; Chính phủ điện tử (của Liên Hợp Quốc – UN) xếp thứ 86 năm 2020 tăng 2 bậc so với năm 2018 (2 năm công bố 1 lần); Phát triển bền vững (UN) giữ vị trí 51/165 năm 2021, tăng 37 bậc so với năm 2016; An toàn an ninh mạng (của Liên minh Viễn thông quốc tế - ITU) xếp thứ 25/194 (năm 2020), tăng 25 bậc so với năm 2018.
Dự thảo nêu rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, từ năm 2020, cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta có xu hướng chững lại; trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc,…
Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch COVID-19, Chính phủ ban hành Nghị quyết này tiếp nối các nghị quyết trước đó về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh
Nghị quyết đặt mục tiêu tổng quát là nâng cao vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19.
Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập, giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19; kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh.
Phấn đấu đến năm 2025 chỉ số: Năng lực cạnh tranh 4.0 (của WEF) thuộc nhóm 50 nước đứng đầu; Phát triển bền vững (UN) thuộc nhóm 40 nước đứng đầu; Năng lực đổi mới sáng tạo (WIPO) thuộc nhóm 40 nước đứng đầu; Chính phủ điện tử (UN) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu; chỉ số logistics (của WB) tăng ít nhất 4 bậc,… Đồng thời, dự thảo cũng nêu các mục tiêu cụ thể trong năm 2022.
Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm
Để thực hiện các mục tiêu trên, Chính phủ xác định cần phải tăng cường trách nhiệm của các Bộ được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện chỉ số và các Bộ được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần; tiếp tục cải thiện các yếu tố môi trường kinh doanh theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp.
Trong đó chú trọng thực hiện các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm như: Cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; tập trung dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của quy định pháp luật; tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; đẩy mạnh cải cách về đăng ký tài sản và đổi mới quản lý hành chính đất đai; tăng cường cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch COVID-19,…
Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện nghị quyết này và các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện Chương trình, Kế hoạch thực hiện các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời công khai các kết quả kiểm tra, giám sát. Phân công đơn vị làm đầu mối thực hiện tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của bộ, ngành và địa phương.
Thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Đảm bảo kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp./.