Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tháng 6, mặc dù có sự phân hóa trong 4 nhóm hàng hóa nguyên liệu đang liên thông trực tiếp với thế giới tại Sở. Tuy nhiên, đà tăng mạnh của nhóm năng lượng lên mức cao kỷ lục mới đã giúp chỉ số MXV-Index tăng trở lại 0,48%, và đóng cửa ở mức 3.044,02 điểm.
Trái chiều với diễn biến tích cực từ giá hàng hóa, giá trị giao dịch toàn Sở giảm khoảng 10% so phiên trước đó về quanh mức 5.600 tỷ đồng. Một số mặt hàng đã tăng lên mức cao nhất trong vòng nhiều tháng khiến giới đầu tư lo ngại về việc giá có khả năng sẽ điều chỉnh trong ngắn hạn.
Cà-phê Arabica nối dài đà tăng sang phiên thứ 5 liên tiếp
Cà-phê Arabica tiếp tục tăng mạnh phiên thứ 5 liên tiếp, dẫn đầu mức tăng của toàn thị trường hàng hóa trong phiên hôm qua. Bất chấp việc đồng Real có sự điều chỉnh sau khi chạm mức cao nhất trong vòng 1 tháng, lo ngại về nguồn cung thắt chặt là yếu tố chính giúp đẩy giá Arabica lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 2. Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE US trong ngày 1/6 đạt 1,04 triệu bao, giảm gần 200.000 bao so ngày cuối tháng 5, và cũng là mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3 đến nay.
Ảnh hưởng tích cực từ đà tăng mạnh trong suốt tuần vừa rồi của giá Arabica đã thúc đẩy giá Robusta bật tăng 30 USD trong phiên hôm qua, bứt phá khỏi vùng kháng cự quan trọng 2.100 USD.
Trái chiều với diễn biến của toàn nhóm công nghiệp là mức giảm mạnh hơn 2% của giá bông. Đây cũng là phiên giảm thứ 4 liên tiếp của mặt hàng này và đẩy giá về mức thấp nhất trong vòng 1 tháng. Dollar Index phục hồi mạnh mẽ sau khi chỉ số PMI sản xuất của Mỹ trong tháng 5 tích cực hơn nhiều so dự đoán, là yếu tố chính gây sức ép lên giá bông. Bên cạnh đấy, việc không giữ được mức hỗ trợ 140 cents cũng góp phần khiến lực bán giá tăng từ giới đầu cơ.
Đối với đường trắng và đường 11, giá được hỗ trợ từ việc giá dầu thô thế giới giằng co ở vùng cao nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, việc sản lượng đường của Ấn Độ được dự báo sẽ tăng 15% lên mức kỷ lục 35,24 triệu tấn trong năm nay, đã hạn chế phần nào đà tăng của các mặt hàng đường.
Khí tự nhiên tăng vọt gần 7%, dầu ít lưu huỳnh tăng liên tục trong 2 tuần
Trên nhóm năng lượng, thị trường quay trở lại trạng thái giao dịch biến động. Giá dầu thô tăng mạnh trong phiên sáng.
Trong khi đó, với việc Liên minh châu Âu (EU) dự kiến cấm nhập khẩu dầu từ Nga, nguồn cung khả năng cao sẽ còn thắt chặt. Một số nhà phân tích kỳ vọng sản lượng dầu của Nga sẽ còn tiếp tục giảm. Tính trong tháng 4, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) sản lượng dầu của Nga đã giảm gần 1 triệu thùng/ngày. Sự gia tăng sản xuất của Mỹ và các thành viên khác trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) chỉ mới bù đắp được khoảng 300.000 thùng/ngày, tạo ra khả năng tình trạng mất cân bằng cung cầu trên thị trường. Theo báo cáo của Ủy ban Kỹ thuật OPEC+ ngày hôm qua, nhóm đã hạ dự đoán thặng dư thị trường dầu năm 2022 khoảng 500.000 thùng/ngày xuống 1,4 triệu thùng/ngày.
Dù vậy, giá đã nhanh chóng chịu áp lực trở lại trong phiên tối, do lực bán chốt lời. Tâm lý trên thị trường cũng chịu ảnh hưởng sau khi báo cáo Beige Book mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát hành cho thấy ngành bán lẻ và bất động sản bắt đầu ghi nhận một số tín hiệu tiêu cực, khi người tiêu dùng đối mặt với giá cả hàng hóa leo thang trong khi FED bắt đầu thắt chặt các hỗ trợ cho nền kinh tế.
Rạng sáng nay, ngày 2/6, báo cáo vừa được phát hành của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy, tồn kho dầu thương mại giảm nhẹ 1,2 triệu thùng. Với thị trường đang tập trung vào các chính sách vĩ mô và lệnh cấm vận tại Mỹ, EU, Trung Quốc, số liệu này không tạo ra nhiều tác động. Thông tin thực sự đang gây áp lực đến giá hiện tại là Hungary đang yêu cầu thêm nhiều quyền miễn trừ trong chính sách cấm vận Nga, khiến đàm phán cho gói cấm vận thứ 6 của EU gặp khó khăn.
Giá khí tự nhiên tăng mạnh 6,76% lên 8,7 USD/MMBTu, khi Nga ngừng vận chuyển khí đến các công ty lớn ở Đan Mạch, do nước này từ chối thanh toán bằng đồng ruble. Trước đó, Nga cũng đã ngừng cung cấp một số hợp đồng cho Hà Lan và Đức, khi căng thẳng giữa Nga và EU gia tăng. Điều này tạo ra nhu cầu cho khí tự nhiên tại Mỹ, do EU sẽ còn phải tìm cách đa dạng hóa nguồn cung.
Trên thị trường nội địa, từ 15 giờ hôm qua, ngày 1/6, Liên Bộ Công thương-Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Trong kỳ điều chỉnh lần này, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 600 đồng, RON 95 tăng 920 đồng/lít đồng, cụ thể như sau:
Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá xăng bán lẻ trong nước đã có 10 lần tăng và 3 lần giảm.