Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)
Giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục tăng và đã vượt mốc 100 USD/thùng sớm hơn so với các dự báo trước đó. Các tổ chức lớn tiếp tục kỳ vọng vào mốc giá 120 USD/thùng sẽ sớm đạt được vào giữa năm nay, khiến cho các nước tiêu thụ nhiều như Mỹ đang phải tìm cách giảm thiểu rủi ro trong trường hợp giá tăng.
Khó tìm nguồn cung thay thế
Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), cán cân cung-cầu trên thị trường dầu thô thế giới vẫn đang ở trong tình trạng mất cân bằng từ nửa cuối năm 2020 đến nay. Tính đến hết quý I/2022, thị trường luôn ở trọng trạng thái nguồn cung không bắt kịp nhu cầu.
Hiện tại, tồn kho dầu tại các nước phát triển trong khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm, chỉ đạt xấp xỉ 2,7 tỷ thùng. Với mức tiêu thụ khoảng 32,5 triệu thùng dầu/ngày dành cho 30 thành viên, mức tồn kho này chỉ đáp ứng nhu cầu trong chưa đầy 3 tháng. Đây là một trong những nguyên nhân đã đẩy giá dầu lên cao lên mức đỉnh 8 năm. Đóng cửa ngày 23/2/2022, giá dầu WTI trên Sở NYMEX tăng 0,21% lên mức 92,1 USD/thùng, và giá dầu Brent trên sở ICE cũng tăng 0,21% lên mức 94,05 USD/thùng. Xu hướng tăng của giá dầu còn được phản ánh thông qua chỉ số MXV-Index Năng lượng khi chỉ số này đạt 4.139 điểm, là mức cao nhất kể từ khi được Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) ban hành.
Theo ông Phạm Thanh Dương - Phó Tổng giám đốc MXV, về lý thuyết, có 2 cách để giải quyết tình trạng thiếu hụt này. Cách thứ nhất, là giảm bớt lượng dầu tiêu thụ. Tuy vậy, đây là phương án được đánh giá là không khả thi trong bối cảnh hiện nay do các hoạt động sản xuất cũng như các hoạt động kinh tế trên khắp thế giới đang trên đà phục hồi sau một thời gian chững lại vì đại dịch Covid-19. Điều này đòi hỏi việc tăng cường sử dụng nhiên liệu, mà trong số đó, các sản phẩm xăng dầu vẫn là nguồn năng lượng được sử dụng nhiều nhất hiện nay. Theo dự báo của cả 3 tổ chức năng lượng lớn như EIA, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ đạt mức kỷ lục trong cuối năm nay. Mặc dù các nước đã đẩy mạnh đầu tư để tăng cường năng lượng sạch, tuy nhiên thực tế là chưa có gì thay thế được vai trò được các nhiên liệu hóa thạch. Theo ước tính của công ty năng lượng BP, nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm khoảng 84% tổng năng lượng tiêu thụ của thế giới.
Các phương án gia tăng sản lượng
Như đã phân tích ở trên, việc cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, hay cắt giảm nhu cầu tiêu thụ xăng dầu là một phương án không khả thi. Vì vậy, đây cũng là lý do tại sao các nước tiêu thụ lớn, như Mỹ, với lượng dầu tiêu thụ khoảng 20 triệu thùng/ngày, phải tìm cách tăng sản lượng.
Mặc dù Tổng thống Mỹ Joe Biden rất ủng hộ các dự án năng lượng xanh, tuy nhiên, ông cũng nhận thấy sự cần thiết để bảo đảm nguồn cung năng lượng trong nước với mức giá phù hợp. Tính đến hiện tại, giá xăng dầu trung bình của Mỹ rơi vào khoảng 3,5 USD/gallon, cao hơn hẳn so với 2.6 USD/gallon cùng kỳ năm trước, do ảnh hưởng của giá dầu thô trên thế giới. Nguyên nhân là do giá dầu WTI đã tăng gần 50%, khiến giá xăng tăng theo. Trong tháng 1/2022, lạm phát của Mỹ đạt mức 7,5%, mức cao nhất trong vòng 40 năm. Theo các phân tích chỉ ra, một trong các nhân tố lớn tác động đến lạm phát lần này là giá nhiên liệu.
Hiện tại, Mỹ đang khuyến khích các nhà sản xuất trong nước tăng sản lượng để phục vụ cho nhu cầu đang ngày càng gia tăng trong nước. Theo trang tin Argus Media, thông qua các biện pháp như cấp phép cho các dự án đào và khai thác xăng dầu nhanh chóng, nước Mỹ đang tích cực thúc đẩy nguồn cung nội địa, khi sản lượng vẫn chi đang duy trì ở mức 11,5-11,6 triệu thùng/ngày, thấp hơn đáng kể so với con số kỷ lục 13 triệu thùng/ngày trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.
Một giải pháp nữa mà các nhà phân tích tại công ty năng lượng Vitol gợi ý, đó chính là chính phủ Mỹ có thể tiếp tục mở kho dự trữ chiến lược (SPR). Trong tháng 11/2021, chính phủ Mỹ đã tuyên bố sẽ mở bán khoảng 50 triệu thùng dầu thô trong kho để giảm sức ép cho thị trường. Tuy vậy, Bộ Năng lượng Mỹ vẫn đang để ngỏ khả năng mở bán nhiều hơn nếu cần thiết.
Bên cạnh đó, cũng có lý do để kỳ vọng vào các quốc gia sản xuất dầu lớn như OPEC+. Theo kỳ vọng, trong cuộc họp sắp tới ngày 2/3 OPEC+ sẽ tiếp tục chính sách tăng sản lượng ở mức 400.000 thùng/ngày. Ngoài ra, trong trường hợp Mỹ và Iran đạt được thỏa thuận trong vòng đàm phán về thỏa thuận hạt nhân, mở đường cho Iran xuất khẩu dầu thô trở lại, các nhà phân tích dự báo nguồn cung dầu thế giới sẽ tăng thêm ít nhất 1 triệu thùng dầu/ngày trong năm nay.
Như vậy, trong các kịch bản tích cực như trên, sản lượng dầu thế giới sẽ có thể bắt đầu bắt kịp nhu cầu trong vài tháng tới, theo dự đoán của EIA. Điều này có thể giúp cung-cầu thị trường dầu dần lấy lại cân bằng, phần nào giảm áp lực lên giá.