Chuẩn bị 1 liều vaccine Pfizer-BioNTech tại 1 trung tâm tiêm chủng ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Pool/REUTERS)
Sáng 23/2, Bộ An toàn thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc thông tin, giới chức y tế nước này đã chính thức phê duyệt vaccine ngừa Covid-19 của hãng Pfizer cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Theo đó, trẻ em Hàn Quốc trong lứa tuổi trên sẽ được tiêm liều vaccine bằng 1/3 liều thông thường, với mũi tiêm thứ hai cách mũi đầu 3 tuần.
Bộ An toàn thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc cho biết, vaccine Pfizer có hiệu quả bảo vệ 90,7% trước Covid-19 ở trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.
Ngoài ra, tính an toàn đã được kiểm chứng trên 3.109 trẻ em trong lứa tuổi này được tiêm vaccine, và không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được báo cáo, ngoại trừ một số tác dụng phụ ở thể nhẹ hoặc trung bình và hết trong vòng vài ngày sau khi tiêm.
Hiện tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc có dấu hiệu phức tạp hơn. Cũng trong sáng nay, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo, nước này đã ghi nhận mức kỷ lục 171.452 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, tăng mạnh so với mức 99.573 ca ghi nhận ngày trước đó.
Biến thể mới Omicron có khả năng lây lan cao đã dẫn đến sự gia tăng mạnh số ca mắc mới ở Hàn Quốc, với số ca bệnh ghi nhận hằng ngày liên tiếp vượt mốc 100 nghìn ca trong tuần trước.
Theo KDCA, Omicron đã trở thành biến thể “thống trị” tại nước này kể từ tuần thứ ba của tháng 1, và có đến 90% trường hợp mắc mới là nhiễm biến thể Omicron kể từ tuần đầu tiên của tháng 2.
Tuy nhiên, 1 nghiên cứu của KDCA vừa công bố cho thấy, những bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron ít có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng hoặc tử vong hơn gần 75% so với những người nhiễm biến thể Delta từng vượt trội trước đây.
Nghiên cứu tiến hành trên khoảng 67.200 ca nhiễm được xác nhận kể từ tháng 12/2021 cho thấy, mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong gây ra bởi biến thể mới Omicron lần lượt là 0,38% và 0,18%, so với 1,4% và 0,7% đối với các trường hợp nhiễm biến chủng cũ Delta.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, khoảng 56% trong số 1.073 người tử vong vì Covid-19 trong 5 tuần qua không được tiêm chủng hoặc chỉ được tiêm 1 liều, với những người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên chiếm 94% số ca tử vong.
Hiện hơn 86% dân số 52 triệu người của Hàn Quốc đã hoàn thành tiêm chủng liều cơ bản và gần 60% đã được tiêm liều tăng cường.
Tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác ở châu Á, tình hình dịch bệnh cũng đang diễn biến phức tạp. Bộ Y tế Singapore báo cáo kỷ lục 26.032 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, đồng thời cho biết, có thể mất vài tuần nữa trước khi làn sóng hiện tại đạt đỉnh và giảm xuống. Bộ này cũng cho biết, nhu cầu về giường bệnh tăng đột biến, chủ yếu dành cho những bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính.
Số ca mắc mới Covid-19 đang tăng cao ở Singapore trong làn sóng Omicron. (Ảnh: REUTERS)
Trước áp lực gia tăng lên hệ thống chăm sóc sức khỏe, Bộ Y tế Singapore khuyến cáo những người có triệu chứng nhẹ hoặc không có kết quả dương tính nên cân nhắc việc tự điều trị tại nhà. Trong số gần 294 nghìn ca mắc trong 28 ngày qua, 99,7% có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Tại Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc), Trưởng Đặc khu, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga ngày 22/2 cho biết, người dân Hồng Kông phải trải qua 3 vòng xét nghiệm đầu từ giữa tháng 3, trong bối cảnh vùng lãnh thổ này ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 gia tăng “theo cấp số nhân”, gây áp lực lớn lên hệ thống y tế.
Theo bà Lâm, các quy định phòng dịch nghiêm ngặt sẽ tiếp tục được áp dụng cho đến cuối tháng 4, với các trường học và nhiều cơ sở kinh doanh như phòng tập thể dục, quán bar, thẩm mỹ viện sẽ vẫn phải đóng cửa.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Hồng Kông dự báo số ca nhiễm tại đặc khu này có thể sẽ sớm đạt đỉnh 180 nghìn ca/ngày. Cách đây chưa đầy 2 tuần, các chuyên gia cũng đã dự báo số ca nhiễm hằng ngày có khả năng đạt đỉnh khoảng 28 nghìn ca vào giữa tháng 3.
Trên phạm vi thế giới, theo trang thống kê worldometers.info, trong vòng 24 giờ qua, có thêm 1.286.434 ca mắc mới được ghi nhận trên toàn cầu, trong đó Nga ghi nhận nhiều nhất với 152.337 ca, tiếp đến là Đức với 111.824 ca.
Đồ họa: TRUNG HƯNG
Tính đến 9 giờ sáng ngày 23/2 theo giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 427.959.735 ca mắc Covid-19, trong đó có 5.924.047 ca tử vong. Số người đã bình phục là 355.884.893 ca, trong khi vẫn còn 80.241 ca đang phải điều trị tích cực.
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận trên 80,2 triệu ca mắc và 963.367 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới, với 42,8 triệu ca. Brazil có số ca tử vong nhiều thứ hai thế giới, với 645.534 ca.
Trong số 10 quốc gia đứng đầu danh sách nhiều ca mắc nhất, có tới 7 nước thuộc châu Âu. Châu lục này 24 giờ qua cũng ghi nhận nhiều ca mắc nhất so với các khu vực khác trên thế giới, với 606.865 ca.
Tuy nhiên, con số này đã thấp hơn đáng kể so với những tuần gần đây khi làn sóng dịch bệnh tại Lục địa Già đang dịu bớt, dẫn đến nhiều chính phủ trong khu vực tiến hành nới lỏng các biện pháp phòng dịch để khôi phục kinh tế.
Bộ Y tế Italia ngày 22/2 cho biết, sẽ không yêu cầu hành khách từ bên ngoài Liên minh châu Âu phải cách ly y tế sau khi nhập cảnh vào nước này kể từ ngày 1/3. Theo đó, Italia chỉ yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận đã được tiêm phòng, đã khỏi Covid-19 hoặc xét nghiệm âm tính đối với nhóm du khách kể trên.
Chính phủ Ireland cùng ngày cũng cho biết sẽ dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng dịch còn lại kể từ ngày 28/2, cho phép người dân không còn bắt buộc phải đeo khẩu trang, trong khi cũng dừng các biện pháp giãn cách trong trường học, đồng thời thu hẹp phạm vi các chiến dịch xét nghiệm và truy vết tiếp xúc. Các địa điểm trong nhà và ngoài trời cũng hoạt động trở lại hết công suất. Tuy nhiên, chính phủ vẫn khuyến cáo đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe.