Nguy cơ tái nhiễm có thể xảy ra nếu người từng nhiễm không tuân thủ quy định phòng, chống dịch. (Ảnh minh họa)
Nhiều người khi nhiễm Covid-19 có sự chủ quan, không tuân thủ 5K và các biện pháp phòng, chống dịch. Khi cơ thể tái nhiễm, người bệnh có thể đối mặt với một lần nguy cơ diễn biến nặng, gây ra những bệnh lý hậu Covid-19.
Chị Nguyễn T.T (quận Đống Đa, Hà Nội) tái nhiễm Covid-19 sau khoảng 2 tháng. Tháng trước, chị phải nhập viện khi nhiễm Covid-19 vì có yếu tố bệnh nền. Biểu hiện bệnh khá rầm rộ, mất vị giác, khứu giác, khó thở, hụt hơi. Thời điểm nặng nhất, chị bị sốt cao 40 độ, “cảm giác như ai thít ngực không cho thở”. Sau 7 ngày điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, chị âm tính và được ra viện.
Ba ngày trước, chị T. thấy có biểu hiện mệt mỏi, test lại thì phát hiện mình tái dương tính. Tuy nhiên, lần này chị cho biết có thể nhiễm biến chủng mới vì cơ thể không bị mất vị giác, nhưng mệt như cảm cúm, ớn lạnh, gai người. “Khi ăn cơm tối hay ngủ đêm, mồ hôi vã ra như tắm, người mệt mỏi không nhấc nổi tay, chân”, chị T. nói.
Anh Hoàng Văn M. (Thanh Xuân, Hà Nội) nhiễm Covid-19 4 tháng trước. Đó là thời điểm Hà Nội chưa đồng ý cho F0 cách ly tại nhà và anh được đưa đi điều trị tại một cơ sở thu dung. Sau 14 ngày, anh có kết quả âm tính được về nhà.
Vì tự tin mình đã có kháng thể và cũng chưa tới thời gian khuyến cáo tiêm mũi 3 nhắc lại, cách đây 5 ngày, anh M. thấy cơ thể có biểu hiện mệt mỏi, sốt như tái nhiễm.
“Tôi test nhanh phát hiện mình lại dương tính. Lần này tuy không mất vị giác như trước nhưng rất ngứa họng và ho sâu, mệt mỏi. Thật tiếc vì chủ quan nghĩ mình không nhiễm lại nên khi có triệu chứng, tôi đã không có ý thức cách ly khiến vợ và hai con cùng nhiễm theo”, anh M. nói.
Bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, sau khi nhiễm, cơ thể có kháng thể rất cao và sẽ giảm dần trong khoảng 35 ngày. Khi kháng thể giảm, một người có thể nguy cơ nhiễm lại chủng đã từng nhiễm hoạc nhiễm chủng mới.
“Tùy từng triệu chứng điển hình của bệnh, một người có thể biết mình nhiễm chủng nào. Thí dụ, trước đây người nhiễm chủng Delta sẽ bị mất khứu giác, vị giác. Nếu hiện nay nhiễm Omicron, người bệnh sẽ đau họng, không mất vị giác, khứu giác”, bác sĩ Thiệu nói.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Thiệu, hiện nay với chủng Omicron, việc test nhanh không nhạy bằng chủng cũ. Phải có đủ các triệu chứng rõ ràng thì khi đó test mới lên dương tính như có triệu chứng sốt, đau họng, nuốt nước bọt đau.
“Người dân cứ tưởng nhiễm một lần rồi thôi, tuy nhiên tư tưởng đó không đúng. Một người có thể tái nhiễm nhiều lần, kể cả nhiễm lại chủng cũ hay mới. Thực tế ở nước ngoài, nhiều nước đã mở cửa khá lâu nhưng họ vẫn chưa hết dịch, người dân vẫn nhiễm đi nhiễm lại. Do đó, người dân không được có tâm lý chủ quan, đặc biệt khi Hà Nội hiện đang có sự lưu hành phần lớn của biến thể Omicron thì những người từng nhiễm trước kia đều có nguy cơ nhiễm lại chủng mới”, bác sĩ Thiệu cho hay.
Nguy cơ tái mắc Covid-19 ở những người từng nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 hiện không đáng kể, thấp hơn nhiều so với người nhiễm các biến thể khác. Tuy nhiên, tỷ lệ tái nhiễm sẽ tăng khi bệnh nhân đã nhiễm 1 biến thể khác trước khi nhiễm Omicron.
Vì thế, theo chuyên gia này, những bệnh nhân sau nhiễm Covid-19 2 tháng nên đi tiêm phòng lại để đạt kháng thể bền vững hơn, tiếp tục tuân thủ 5K bảo vệ bản thân và gia đình.
Về việc nhiều người nhầm lẫn giữa tái nhiễm với hậu Covid-19, bác sĩ Thiệu cho hay, hậu Covid-19 là sau khi bệnh nhân bị nhiễm còn triệu chứng kéo dài, còn tái nhiễm là người bệnh đã hết triệu chứng rồi xuất hiện lại. Việc test nhanh có thể lên 2 vạch rất chậm, có thể kiểm tra bằng rRT-PCR.
Việc tái nhiễm, người bệnh có thể đối mặt với một lần nguy cơ diễn biến nặng. Khi các biểu hiện bệnh càng nặng thì tổn thương do Covid-19 gây ra càng nhiều, dẫn tới hậu Covid-19 nhiều hơn. Do đó, người dân không nên chủ quan.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Thiệu, qua quan sát hiện nay trên các đối tượng tái nhiễm, việc bị nhiễm lại SARS-CoV-2 ở người này triệu chứng giống như người đã tiêm phòng bị nhiễm Covid-19, nhẹ hơn người nhiễm chưa được tiêm phòng.
Theo BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bệnh nhân tái nhiễm Covid-19 sau khoảng 1 tháng khỏi bệnh, triệu chứng nhẹ hơn lần đầu và được tư vấn tự cách ly điều trị tại nhà, không cần nhập viện.
“Sau khi khỏi Covid-19, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập virus SARS-CoV-2. Mặc dù vậy, lượng kháng thể sinh ra của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào cơ địa, bệnh nền... Nếu kháng thể không đủ mạnh, người khỏi bệnh chủ quan không tuân thủ 5K, khi tiếp xúc F0 mang biến chủng mới sẽ có nguy cơ tái nhiễm, như lần đầu tiên, người bệnh nhiễm chủng Delta, lần thứ hai có thể nhiễm chủng Omicron”, bác sĩ Phúc cho hay.
Theo kinh nghiệm tư vấn cho hàng nghìn F0, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng cho biết, có xấp xỉ 10% F0 bị tái dương tính hoặc tái nhiễm cho thấy, ở lần dương tính sau, các triệu chứng nhẹ nhàng hơn lần trước rất nhiều.
“Nếu đã nhiễm Delta thì có thể vẫn nhiễm Omicron trong vòng 1-2 tháng. Nếu đã nhiễm Omicron BA.1 thì vẫn có thể nhiễm omicron BA.2 như thường. Nếu nhiễm Omicron BA.2 thì trong vòng 2 tháng khó nhiễm Delta hoặc Omicron. Nhìn chung, khi tái nhiễm thì các triệu chứng có vẻ nhẹ hơn, nhưng nguy cơ trở nặng thì chưa rõ”, bác sĩ Hoàng nói.
Bác sĩ Hoàng khuyến cáo, F0 điều trị tại nhà không nên quá lo lắng hay bận tâm bản thân nhiễm Omicron hay Delta. Nhưng cũng không nên chủ quan cho rằng nhiễm Omicron sẽ nhẹ hơn Delta mà không cần chú trọng điều trị, theo dõi.
“Dù nhiễm biến thể gì thì cách điều trị, cách ly, theo dõi vẫn cần theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và các thầy thuốc, đặc biệt là theo dõi sát các triệu chứng, diễn biến để báo y tế kịp thời”, bác sĩ Hoàng nói.