Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn vì những xung đột ở khu vực Biển Đen, dịch bệnh tại Trung Quốc và tình hình lạm phát, thị trường kim loại quý đang phải “chật vật tìm chỗ đứng” và duy trì sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Kết thúc phiên giao dịch 11/5, giá bạc đang giao dịch liên thông với sở COMEX tăng 0,7% lên 21,6 USD/ounce, còn giá bạch kim trên sở NYMEX tăng mạnh 4,5% lên 990 USD/ounce. Sức mua lớn trong phiên đã giúp cho chỉ số MXV-Index kim loại tăng 0,73% lên mức 1.910 điểm. Tuy nhiên, nếu xét diễn biến giá trong vòng 3 tháng qua, thị trường bạc đã lao dốc gần 10%, còn giá bạch kim cũng đã giảm hơn 5%.
Tiền mặt lên ngôi, nhà đầu tư tháo chạy khỏi các thị trường tài chính
Vào đầu tháng 5, nhằm kiểm soát mức lạm phát đang ở mức cao kỷ lục trong vòng 4 thập kỷ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,5%. Điều này đã làm cho đồng dollar Mỹ tăng mạnh, phản ánh qua chỉ số Dollar Index chạm mốc 103,9 điểm, mức cao nhất trong vòng 20 năm. Sức hấp dẫn của đồng bạc xanh khiến nhu cầu nắm giữ tài sản mang tính trú ẩn như vàng, bạc và bạch kim suy yếu. Do đó, trong thời gian vừa qua, giá của các kim loại này đang có chung xu hướng giảm.
Theo báo cáo Cam kết Thương nhân do Ủy ban Giao dịch hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC) phát hành, các quỹ đầu tư cũng đang dần rút vốn khỏi thị trường bạc và bạch kim. Đáng chú ý, số vị thế mua ròng (hiệu số của số lượng vị thế mua và số lượng vị thế bán) của thị trường bạc trong tuần trước đã bị cắt giảm đến 40%.
Dòng vốn đầu tư hiện cũng đang rời khỏi các thị trường đầu tư rủi ro như thị trường chứng khoán và thị trường tiền điện tử. Chỉ số S&P500, vốn là thước đo quan trọng của thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm hơn 16% so đỉnh cao nhất được lập từ tháng 1 năm nay. Đồng Bitcoin cũng đã đánh mất mốc 30.000 USD, thấp hơn gần 60% so mức đỉnh 68.000 USD vào tháng 10/2021.
Có thể thấy, các nhà đầu tư đang ngày càng ưu tiên nắm giữ tiền mặt và kỳ vọng vào vai trò trú ẩn cũng như tính thanh khoản cao của đồng bạc xanh. Bên cạnh đó, bạc và bạch kim cũng đang kém hấp dẫn hơn so trái phiếu Chính phủ Mỹ, bởi lợi suất gần 3% - cao nhất kể từ năm 2018 đang thu hút các nhà đầu tư nhiều hơn so việc nắm giữ tài sản không sinh lời như bạc hay bạch kim.
Nguy cơ suy thoái đeo bám nền kinh tế thế giới
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), việc FED mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách đưa ra tiến trình tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong 2 cuộc họp tháng 6 và tháng 7 sắp tới, song song với việc cắt giảm quy mô tổng tài sản lên tới hàng chục tỷ USD mỗi tháng đang mang lại rất nhiều rủi ro đối với các thị trường đầu tư tài chính nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung.
Thêm vào đó, nếu sau cuộc họp tháng 7, lãi suất mục tiêu của FED chạm mốc 1,75-2,00%, thì đây sẽ là đợt tăng lãi suất nhanh nhất kể từ giai đoạn 2005-2006. Nguồn tiền rẻ ngày càng giảm, trong khi chi phí đi vay gia tăng sẽ gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp và có thể khiến cho nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái.
Triển vọng tăng trưởng tiêu cực cũng sẽ gây sức ép giá của các mặt hàng kim loại quý bởi nhu cầu tiêu thụ bạc và bạch kim trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp như: xe điện, pin năng lượng mặt trời, hay các thiết bị điện tử,… có nguy cơ sụt giảm mạnh.
Bài toán lạm phát vẫn chưa có lời giải
Một trong những rủi ro lớn nhất đối với các nhà đầu tư hiện nay vẫn là áp lực lạm phát, vốn bắt nguồn từ cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine và những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, cả 2 yếu tố này đều nằm ngoài tầm kiểm soát của FED, nên các nhà đầu tư đang đặt ra rất nhiều câu hỏi về hiệu quả của các chính sách tiền tệ.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ mới đây được công bố tăng 8,3% so cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 8,5% của tháng 3, nhưng vẫn cao hơn so mức dự báo của các chuyên gia là 8,1%. Trong khi tại Trung Quốc, thang đo lạm phát tiêu dùng này tăng 2,1% trong một năm qua, và cao hơn cả số liệu dự đoán lẫn số liệu của tháng 3.
Áp lực lạm phát hiện không chỉ duy trì ở cả 2 nền kinh tế kể trên, mà còn lan rộng ra toàn cầu, như khu vực Liên minh châu Âu, hay cả những nước đang phát triển và nhóm thị trường mới nổi.
Điều này sẽ buộc các Ngân hàng Trung ương lớn sẽ phải “cứng rắn” hơn trong việc kiềm chế áp lực lạm phát, bằng cách thực hiện các kế hoạch tăng lãi suất. Mới đây, sau Mỹ và Anh, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã đưa ra tín hiệu rằng cơ quan này có thể kết thúc chương trình mua trái phiếu vào đầu quý III và tiến hành nâng lãi suất từ tháng 7 tới, trong bối cảnh lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) đang tăng mạnh.
Có thể thấy, việc thắt chặt các chính sách tiền tệ sẽ là “nước đi tất yếu” mà các Ngân hàng Trung ương lớn cần thực hiện để củng cố vị thế của các đồng tiền pháp định. Đây sẽ là sức ép trực tiếp khiến cho triển vọng tăng trưởng trong dài hạn của 2 mặt hàng bạc và bạch kim trở nên rất tiêu cực.
Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam đánh giá, trong ngắn hạn, giá của 2 kim loại này sẽ không tránh khỏi những biến động lớn vào những ngày mà các thay đổi chính sách được công bố, tuy nhiên cả việc tăng lãi suất và việc kết thúc các chương trình mua trái phiếu đều sẽ cần rất nhiều thời gian để phát huy hiệu quả, nên bên cạnh tiền mặt hay trái phiếu, các kim loại quý như bạc và bạch kim sẽ vẫn là một kênh trú ẩn cần thiết đối với giới đầu tư.