Thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ theo dõi sát diễn biến, tình hình thị trường các loại hàng hóa, kịp thời có biện pháp hoặc đề xuất UBND Thành phố, Bộ Công Thương để có các giải pháp ổn định thị trường, bảo đảm nguồn cung hàng hóa.
Tăng cường liên kết cung cầu hàng hóa. Ảnh: VGP/Bích Phương
Không xảy ra tình trạng thiếu hàng
6 tháng đầu năm, thị trường hàng hóa Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch COVID-19 và xung đột địa chính trị trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm chiến thắng đại dịch, thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, công tác cung-cầu hàng hóa trên địa bàn TP. Hà Nội được bảo đảm, giá được kiểm soát tốt, không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô đạt 336.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 218.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 65% và tăng 11,4%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khá đã góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Thủ đô.
Đáng chú ý, với 39 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 454 chợ, trên 2.000 cửa hàng tiện lợi, có 1.872 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, trên 128 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm..., hoạt động kết nối cung - cầu của Hà Nội thông qua các kênh tiêu thụ, phân phối diễn ra thường xuyên, liên tục và ngày càng phổ biến. Thông qua đó, sản lượng tiêu thụ nông sản an toàn trên thị trường ngày càng tăng, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.
Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện, trên địa bàn Thành phố có 491 cửa hàng. Trong 6 tháng đầu năm, việc tăng giá xăng dầu và khan hiếm nguồn cung diễn ra trên thế giới đã tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng.
Với việc thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn cùng thực hiện các giải pháp đồng bộ, công cụ điều chỉnh của nhà nước, việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu và công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; sự chủ động, thích ứng của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, nguồn cung xăng dầu trên địa bàn đã ổn định, không có hiện tượng cửa hàng xăng dầu đóng cửa do không có hàng để bán.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu và các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn Hà Nội, lượng dự trữ xăng dầu tại các cơ sở kinh doanh luôn ở mức 20% trở lên để bảo đảm không đứt gãy nguồn hàng khi có biến động về nguồn cung.
Đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng
Để bảo đảm cung-cầu hàng hóa 6 tháng cuối năm, tại Hội nghị "Sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022", diễn ra mới đây, bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở sẽ theo dõi sát diễn biến, tình hình thị trường các loại hàng hóa, kịp thời có biện pháp hoặc đề xuất UBND Thành phố, Bộ Công Thương để có các giải pháp ổn định thị trường, bảo đảm nguồn cung hàng hóa.
Bên cạnh đó, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp góp phần kiềm chế lạm phát như: Tổ chức Chương trình khuyến mại tập trung TP. Hà Nội năm 2022; triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng Thành phố năm 2022; Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu; phương án dự trữ hàng hóa phục vụ cứu trợ và bảo đảm đời sống nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn Thành phố năm 2022.
Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả các kế hoạch gồm: Phát triển hoạt động thương mại trên địa bàn Thành phố; phát triển thương mại điện tử, triển khai lắp đặt máy bán hàng tự động tại địa điểm công cộng; phát triển thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại; phát triển dịch vụ logistics.
Sở Công Thương Hà Nội sẽ đẩy mạnh triển khai các hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản mùa vụ, sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức phù hợp. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ động nguồn cung hàng hóa địa bàn Thành phố, khi có khó khăn kịp thời báo cáo Thành phố để có giải pháp.
Về giá xăng, dù giảm song vẫn còn khó khăn cho nhiều đơn vị, nên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh kiến nghị chưa điều chỉnh học phí thời điểm này nhằm giảm bớt khó khăn cho nhân dân; đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; kịp thời chấn chỉnh các sai phạm về kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng…
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 193 KH-UBND ngày 11/7/2022 về việc triển khai Chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu năm 2022. Theo đó, các nhóm hàng và lượng hàng thiết yếu được xác định cần cân đối cung-cầu trong kế hoạch gồm: Lương thực (gạo, mì, phở khô...), thịt gia súc, gia cầm, thủy - hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau, củ, quả tươi, đường, dầu ăn, gia vị (nước mắm, nước chấm, bột canh...), sữa (sữa nước, sữa bột…), mứt Tết, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát và những nhóm hàng thiết yếu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.
Chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu năm 2022 của UBND TP. Hà Nội được thực hiện từ nay đến hết tháng 5/2023, góp phần bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hóa, ổn định thị trường các mặt hàng thiết yếu trong mùa mưa bão, ngày lễ và những tháng cuối năm 2022, Tết Nguyên đán 2023 và những thời điểm dịch bệnh bất thường xảy ra.