Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ngành rau quả đạt 3,52 tỷ USD, nằm trong 6 nhóm ngành hàng có kim ngạch hơn 3 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2022 đang được dự báo có nhiều khó khăn trong tiêu thụ rau quả trong nước và xuất khẩu, đòi hỏi phải có kế hoạch sản xuất và mở rộng thị trường ngay từ đầu năm.
Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Thanh Tùng, tổng sản lượng rau một năm của các tỉnh phía nam hiện khoảng hơn 10 triệu tấn. Trong đó, sản lượng quý I hầu như tập trung vào tháng 1, chiếm hơn 60% tổng sản lượng. Theo tính toán, nếu mỗi người dân tiêu thụ khoảng 10 kg rau/tháng, sản lượng rau thừa trong quý I/2022 khoảng 2,5 triệu tấn. Số lượng này sẽ cần phải đưa vào chế biến.
Về cây ăn quả, thanh long là cây cho sản lượng cao nhất (1,4 triệu tấn/năm). Tiếp đến là chuối (hơn 1 triệu tấn), xoài (hơn 800.000 tấn), sầu riêng (hơn 600.000 tấn). Trong ba tháng đầu năm 2022, thanh long, mít, bưởi, chuối, xoài… sẽ là những loại cây ăn quả chịu áp lực tiêu thụ lớn nhất, có thể sẽ cần hỗ trợ tiêu thụ trong thời gian tới. Cụ thể, số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho thấy, hiện, số lượng dưa hấu của tỉnh bị ảnh hưởng bởi việc ùn tắc ở các cửa khẩu xuất sang Trung Quốc là khoảng 1.600 tấn, khiến giá dưa hấu bình quân tại ruộng chỉ 2.000-3.000 đồng/kg. Nông sản chủ lực khác của tỉnh là thanh long, dự kiến hơn 3.000 tấn, cũng chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, riêng sản lượng thanh long trong quý I/2022 cần tiêu thụ lên đến 226.400 tấn, trong đó cần xuất khẩu 147.500 tấn.
Mặc dù sản lượng cây ăn quả phần lớn thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhưng khu vực này lại có quá ít cơ sở chế biến sơ, chế biến sâu nên chủ yếu phải xuất bán dưới dạng quả tươi, khiến áp lực tiêu thụ càng gia tăng do vào mùa vụ thu hoạch rộ, lượng hàng rất lớn, nếu có bất kỳ rủi ro nào từ phía thị trường cũng sẽ dẫn đến ùn tắc, ứ đọng sản phẩm.
Để giải quyết việc tiêu thụ rau quả một cách căn cơ, cần có phương án quy hoạch sản xuất theo tiểu vùng. Theo đó, dự báo sản lượng, chất lượng, đánh giá, cấp mã số vùng trồng, mã số đóng gói; xây dựng kế hoạch tiêu thụ; kết nối doanh nghiệp liên kết sản xuất; đẩy mạnh công nghệ chế biến, nhất là chế biến sâu. Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết: Năng lực sản xuất rau quả hằng năm của Việt Nam là 28 triệu tấn, nhưng trình độ công nghệ chế biến rau, quả mới chỉ ở mức trung bình tiên tiến với 237 cơ sở chế biến. Năng lực sơ chế, chế biến rau quả đạt khoảng 30%.
Đây chính là khâu yếu dẫn đến dư thừa lượng rau quả hàng hóa lớn khi vào vụ thu hoạch đồng loạt tại các địa phương. Để giải quyết vấn đề này, vai trò quan trọng là các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực chế biến. Ngoài ra, một vấn đề lớn nữa cần quan tâm là công suất nhà máy chế biến hiện mới chỉ đạt 60% do không đủ nguyên liệu đầu vào. Chính vì vậy, thời gian tới, người sản xuất, hợp tác xã phải bảo đảm sản xuất an toàn, đúng tiêu chuẩn, theo yêu cầu của đơn vị thu mua để bảo đảm nguyên liệu đầu vào đạt chuẩn, giúp các nhà máy chế biến nâng cao công suất hoạt động thì mới thúc đẩy họ đầu tư trở lại.
Mặt khác, thời gian vừa qua, xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc gặp vô vàn khó khăn với hàng nghìn xe container ùn tắc tại cửa khẩu các tỉnh phía bắc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo phải thay đổi phương thức xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Đồng thời hướng mạnh về thị trường trong nước với nhu cầu rau quả ngày càng cao và đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường tiềm năng khác như: Nhật Bản, Australia, Ấn Độ… Bên cạnh đó, việc đa dạng hình thức tiêu thụ cũng cần được tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới thông qua các kênh trực tuyến, sàn thương mại điện tử… vốn đã phát huy tác dụng rất tốt trong suốt thời gian bùng phát dịch Covid-19.