Rác không gian được tạo ra từ cuộc thử nghiệm chống vệ tinh của Trung Quốc năm 2007 đã va vào một vệ tinh của Nga vào ngày 22/1/2013. Ảnh: Courtesy of Analytical Graphics.
Ngày 18/4, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đưa ra cam kết không tiến hành sử dụng tên lửa trên mặt đất để phá hủy vệ tinh trên quỹ đạo xung quanh Trái đất (ASAT) và mong muốn các quốc gia khác làm theo.
Quyết định này được đưa ra trước các cuộc đàm phán của Liên hợp quốc nhằm thu hút sự ủng hộ của quốc tế đối với "các chuẩn mực hành vi" trong không gian.
Tuyên bố này được đưa ra vài tháng sau một cuộc thử nghiệm chống vệ tinh của Nga vào tháng 11/2021, tạo ra đám mây khổng lồ gồm hơn 1.500 mảnh vụn. Việc vệ tinh bị phá hủy xảy ra trên quỹ đạo khá gần Trạm vũ trụ quốc tế, khiến các phi hành gia phải tạm thời trú ẩn bên trong tàu vũ trụ để tránh mảnh vỡ.
Và đó không phải là sự cố đầu tiên. Vào năm 2013, một vệ tinh của Nga đã bị trúng các mảnh vỡ trong một cuộc thử nghiệm chống vệ tinh 6 năm trước của Trung Quốc.
Trong một email gửi đi ngày 18/4, Văn phòng Phó Tổng thống cho biết: "Các mảnh vỡ tồn tại lâu đời được tạo ra từ các cuộc thử nghiệm này hiện đe dọa các vệ tinh và vật thể không gian khác, vốn quan trọng đối với an ninh, lợi ích kinh tế và khoa học của tất cả các quốc gia, đồng thời làm tăng rủi ro cho các phi hành gia trong không gian. Nhìn chung, những cuộc thử nghiệm này gây nguy hiểm cho tính bền vững lâu dài của không gian ngoài Trái đất và việc thúc đẩy khám phá, sử dụng không gian của tất cả các quốc gia".
Tại cuộc họp tháng 12/2021 của Hội đồng Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NSC) do Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris chủ trì, bà lưu ý hoạt động trong không gian đang gia tăng và cần phải hành động để giảm thiểu tác động của các mảnh vỡ không gian càng nhiều càng tốt.
Tại cuộc họp của NSC, bà Harris cho biết, nếu không có các tiêu chuẩn rõ ràng về việc sử dụng không gian có trách nhiệm, chúng ta đứng trước nguy cơ thực sự đe dọa an ninh quốc gia và toàn cầu.
Bà nói thêm: “Chúng ta phải thiết lập và mở rộng các quy tắc và chuẩn mực về an toàn và an ninh, về tính minh bạch và hợp tác bao gồm cả hoạt động quân sự, thương mại và dân sự trong không gian".
Vào tháng 12 năm ngoái, chính quyền Mỹ đã đưa ra Khung ưu tiên về không gian của Mỹ, trong đó đề cập cách Mỹ có kế hoạch theo đuổi các lợi ích an ninh quốc gia của mình trong không gian.
"Là một phần của việc tăng cường bảo đảm sứ mệnh không gian, Mỹ sẽ tận dụng các khả năng và dịch vụ không gian thương mại mới để đáp ứng các yêu cầu an ninh quốc gia và sẽ tích hợp sâu hơn các khả năng và hoạt động không gian an ninh quốc gia của Mỹ với các đồng minh và đối tác. Mỹ cũng sẽ tham gia ngoại giao với các đối thủ cạnh tranh chiến lược để tăng cường sự ổn định trong không gian ngoài Trái đất", Khung ưu tiên nêu rõ.
Chính quyền Mỹ cho biết thêm, một trong những phương thức mà họ tham gia là thông qua Hiệp định Artemis, một tập hợp các thỏa thuận quốc tế liên quan đến chương trình mặt trăng Artemis do Mỹ mô phỏng theo các thỏa thuận tương tự được tạo ra cho Trạm vũ trụ quốc tế. Vào tháng 3, Romania đã trở thành quốc gia thứ 16 tham gia nỗ lực khám phá không gian và mặt trăng hòa bình do NASA dẫn đầu.