Tổng Thư ký Liên hợp quốc. (Nguồn: VOV)
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) và nhiều lãnh đạo thế giới đã kêu gọi các nước đóng góp khoảng 23 tỷ USD cho chương trình cung cấp vắc-xin công bằng trên toàn cầu để có thể chấm dứt đại dịch Covid-19 vào cuối năm nay.
Ông Guterres nhấn mạnh, thế giới phải hành động ngay vì tình trạng bất bình đẳng về vắc-xin tiếp diễn sẽ là thất bại mang tính đạo đức lớn nhất của nhân loại và thế giới sẽ không thể đẩy lùi đại dịch.
Liên hợp quốc đã gửi thư tới hơn 50 nước giàu, đề nghị hỗ trợ ngân sách cho chương trình cung cấp vắc-xin, với lập luận rằng, nếu huy động đủ nguồn tài chính, thế giới có thể ngăn chặn đại dịch lây lan, phá vỡ chu kỳ của các biến thể, giảm gánh nặng cho các hệ thống y tế. Trong trường hợp chậm trễ phân phối vắc-xin, nền kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại về tài chính gấp bốn lần số tiền đầu tư cho chương trình cung cấp vắc-xin nêu trên.
Liên hợp quốc lên kế hoạch lập kho dự trữ vắc-xin với khoảng 600 triệu liều, mua 700 triệu bộ xét nghiệm và bảo đảm máy thở, thuốc điều trị đủ cho khoảng 120 triệu bệnh nhân, đáp ứng nhu cầu của các nước nghèo. Theo Liên hợp quốc, trong khoảng 4,7 tỷ ca xét nghiệm toàn cầu, chỉ 0,4% (khoảng 22 triệu ca) được tiến hành ở các nước có thu nhập thấp và chỉ 10% người dân các nước này đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin.
Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) nhận định, tốc độ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 chậm chạp ở các nước châu Phi là vấn đề cần khắc phục ngay, đặc biệt khi nguồn cung vắc-xin cho châu lục này tăng lên đáng kể. EU cam kết thúc đẩy việc tiêm vắc-xin tại các nước châu Phi, thông qua khoản hỗ trợ trị giá 125 triệu euro giúp các nước đào tạo kỹ năng cho lực lượng y tế và nhân viên tiêm vắc-xin.
Trong khi đó, nhiều nước tiếp tục có các biện pháp nới lỏng quy định phòng dịch. Theo cố vấn y tế của Tổng thống Mỹ, Tiến sĩ Antony Fauci (A.Phau-xi), Mỹ đã thoát khỏi thời kỳ khủng hoảng Covid-19, vì vậy các quyết định về kiểm soát dịch bệnh sẽ được đưa ra ở cấp độ địa phương thay vì cấp liên bang, hoặc dựa trên các quy định bắt buộc. Một số bang ở Mỹ chuẩn bị dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trong nhà, thậm chí cả ở các trường học.
Giới chức Séc thông báo về chủ trương từng bước nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Chính phủ Séc cũng đã phê duyệt việc dỡ bỏ các yêu cầu xuất trình chứng chỉ Covid-19 tại các nhà hàng, dịch vụ, các sự kiện văn hóa và thể thao. Nếu dịch bệnh diễn biến theo dự đoán của các chuyên gia, các biện pháp phòng dịch sẽ có thể được giảm triệt để từ ngày 1/3 tới.
Người phát ngôn Chính phủ Pháp cho biết, tình hình dịch bệnh đang có xu hướng cải thiện rõ rệt khi số ca lây nhiễm trên cả nước Pháp giảm gần 50% trong vòng một tuần qua. Pháp có thể sớm dỡ bỏ các biện pháp hạn chế y tế, trong đó có quy định về thẻ vắc-xin vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 tới, nếu các bệnh viện không còn trong tình trạng căng thẳng.
Bộ trưởng Y tế Ba Lan nhận định, đại dịch sắp kết thúc và Ba Lan cần có sự điều chỉnh các biện pháp phòng dịch. Số ca lây nhiễm ở Ba Lan trong tháng 2 giảm mạnh so với hai tuần trước và tác động của biến thể Omicron cũng nhẹ hơn so với các biến thể khác. Theo Bộ Y tế Ba Lan, giờ là thời điểm để nới lỏng các biện pháp hạn chế và giảm thời gian cách ly.