(Chinhphu.vn) - Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ IV, năm 2021 là nơi để các trí thức trẻ người Việt trong và ngoài nước thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh đóng góp cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu năm 2021 quy tụ 177 đại biểu trí thức trẻ ở trong nước và 16 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự. |
Sáng 25/11, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ khai mạc Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần IV, năm 2021 với chủ đề “Phát huy trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia”.
Dự Lễ khai mạc Diễn đàn có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn và 177 đại biểu trí thức trẻ ở trong nước và 16 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Được khởi xướng từ năm 2018, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu tổ chức thường niên với mong muốn để các trí thức trẻ đang học tập, sinh sống và làm việc ở trong và ngoài nước thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò và khả năng đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ người Việt trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam với khu vực và toàn cầu. Đồng thời đề xuất các cơ chế phát huy người tài một cách thiết thực, hiệu quả nhằm khuyến khích trí thức trẻ người Việt chủ động, nỗ lực cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo của đất nước; đề xuất các sáng kiến, giải pháp, đóng góp cho Đảng, Nhà nước trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; tạo kênh tham vấn để Chính phủ và các cơ quan chức năng đặt hàng trí thức trẻ về các vấn đề cần thiết cho sự phát triển đất nước.
Sau 3 lần tổ chức, Diễn đàn đã thu hút 640 đại biểu chính thức trong và ngoài nước và đưa ra 415 đề xuất, khuyến nghị gắn với chủ đề của các Diễn đàn và các nội dung thảo luận; hình thành Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu với hơn 1.000 thành viên và hình thành được một số nhóm nghiên cứu tiêu biểu như: Nghiên cứu về cơ khí; tự động hoá; nông nghiệp 4.0; kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; công nghệ giáo dục; kiểm soát dịch bệnh; công nghệ y tế 4.0; nghiên cứu hành vi của thanh thiếu niên… đã thu được một số kết quả nổi bật, nhận được đầu tư của các quỹ hỗ trợ nghiên cứu trong và ngoài nước.
Tiếp nối thành công của 3 lần tổ chức, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam lần thứ IV, năm 2021 với chủ đề “Phát huy trí thức trẻ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia” được tổ chức trong hai ngày 25 và 26/11, nhằm tiếp tục củng cố mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu. Đồng thời, định hướng công cuộc chuyển giao tri thức, công nghệ của đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu theo các mục tiêu đổi mới và phát triển đất nước; góp phần tham gia thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tham gia thực hiện “Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ IV được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với đầu cầu chính tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tại Hà Nội. 177 đại biểu chính thức tham dự Diễn đàn có độ tuổi không quá 35, có quốc tịch Việt Nam (hoặc gốc Việt Nam) đến từ Việt Nam và 16 quốc gia, vùng lãnh thổ, có các nghiên cứu, các giải pháp, sáng kiến hoặc kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với các nội dung của Diễn đàn. Trong đó, có 136 đại biểu trong nước và 41 đại biểu từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tại Diễn đàn, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận và đề xuất các giải pháp vào 4 nội dung chính gồm:
Khơi nguồn Sáng tạo: Thảo luận về các chủ đề "Nghiên cứu cơ bản phục vụ phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo"; "Ứng dụng khoa học công nghệ trong tối ưu hóa và nâng cao hiệu suất sản xuất bền vững"; "Nghiên cứu y-sinh, khoa học sự sống và con người".
Ứng dụng và Chuyển giao: Thảo luận về các chủ đề "Ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong năng lượng và môi trường"; "Ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong phát triển đô thị".
Kết nối trí thức trẻ phát triển nền kinh tế số, nhân lực số quốc gia: Thảo luận về chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất và kinh doanh; "Thúc đẩy chuyển đổi số trong quản trị và đổi mới".
Phát triển và thương mại hoá các giải pháp chuyển đổi số: Thảo luận về các chủ đề "Phát triển các dự án y tế số, giáo dục số"; "Phát huy các giá trị văn hóa-con người Việt Nam trong kỷ nguyên số"; "Phát triển các mạng lưới đổi mới, sáng tạo".
Kết thúc Diễn đàn, các đại biểu sẽ thông qua Báo cáo đề xuất, khuyến nghị của Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần IV, năm 2021 nhằm góp phần đổi mới và phát triển đất nước; tham gia thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời hình thành các nhóm nghiên cứu khoa học trực thuộc Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu; công bố các đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học của các nhóm nghiên cứu được đặt hàng bởi các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp…
Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam lần thứ IV, năm 2021 là nơi để các trí thức trẻ người Việt trong và ngoài nước thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh đóng góp cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thông qua Diễn đàn sẽ định hướng, chuyển giao tri thức, công nghệ cho những dự án liên kết, liên ngành ứng dụng nghiên cứu tiến bộ khoa học công nghệ mới; thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia, góp phần xây dựng một Việt Nam hiện đại, thịnh vượng.
Trước đó, trong khuôn khổ Diễn đàn đã có 15 diễn đàn nhánh được tổ chức với các chủ đề: Phát triển giải pháp, sáng kiến đổi mới công nghệ phục vụ chuyển đổi số và tăng trưởng xanh; Thúc đẩy các nghiên cứu liên ngành, xuyên ngành nhằm tạo động lực phát triển các trụ cột của đại học đổi mới sáng tạo: Nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao; Chuyển đổi số mô hình chính sách và kinh doanh; Trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống hôm nay; Thúc đẩy chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học trong công cuộc chuyển đổi số và ứng phó với dịch COVID-19; Sở hữu trí tuệ và công nghệ chuyển đổi số - Cơ hội cho Việt Nam; An ninh năng lượng và chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam; An ninh năng lượng và chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam; Nâng cao năng lực Hội nhập quốc tế cho các trí thức trẻ trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu và hội nhập giáo dục bền vững trong kỷ nguyên số… với sự tham gia của gần 1.500 đại biểu liên quan đến các nội dung xoay chủ đề của Diễn đàn năm nay.