Thúc đẩy đầu tư công là một trong những nội dung lớn thu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại hội trường diễn ra vào sáng 2/6.
Quốc hội tiếp tục dành quan tâm thúc đẩy đầu tư công - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ghi nhận sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương thời gian qua trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, song các đại biểu Quốc hội cho rằng, để đáp ứng yêu cầu phát triển và phục hồi, các cấp, các ngành cần dành sự quan tâm hơn nữa trong thúc đẩy đầu tư công. Phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm, thường xuyên, là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.
"Trong thời gian tới, tôi đề nghị cần tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; xác định đây là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm, là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đồng thời, xây dựng chỉ tiêu định lượng cụ thể về khối lượng công việc cần hoàn thành để làm cơ sở đánh giá chứ không quy định chung chung", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ triển khai một số chương trình, chính sách hỗ trợ đầu tư công, quan tâm giải ngân vốn đầu tư công, phân bổ vốn đầu tư cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, giảm nghèo bền vững.
Về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Hoàng Thị Đôi (Sơn La) cho rằng, cùng với thúc đẩy các hoạt động đầu tư công, Quốc hội, Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên tập trung các nguồn lực, ban hành kịp thời các quy định, hướng dẫn để triển khai thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia mà Quốc hội đã thông qua. Đó là Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đây là các chương trình mà đồng bào, cử tri và nhân dân cả nước đang rất kỳ vọng.
"Mặc dù thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực triển khai 3 chương trình, nhưng việc phân bổ nguồn vốn để thực hiện còn chậm", đại biểu Hoàng Thị Đôi nêu nhận định và kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua đề án thí điểm tách, giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư.
Trong thúc đẩy các hoạt động đầu tư, đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cho rằng, cần xem xét năng lực hấp thụ vốn là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả đầu tư. Do đó, cần nhanh chóng xây dựng và triển khai hiệu quả các biện pháp cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế. Việc tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động đầu tư, huy động nguồn lực không chỉ ở lĩnh vực công mà còn ở ngoài Nhà nước là nhiệm vụ hết sức cấp thiết và quan trọng.
Đại biểu Trần Chí Cường đánh giá cao sự quyết liệt, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thành lập tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 1242/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, chồng chéo từ các quy định của hệ thống văn bản pháp luật để thúc đẩy đầu tư kinh doanh. Kết quả bước đầu, đã có 88 vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư đã được hướng dẫn, chính là những vướng mắc các địa phương gặp phải trong thời gian qua.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác hỗ trợ các dự án sau kết luận thanh tra, kiểm tra tại các địa phương, qua đó khơi thông vướng mắc, triển khai dự án, đáp ứng mong mỏi của địa phương, doanh nghiệp. Cử tri ủng hộ và mong rằng cách làm đó tiếp tục được phát huy, là cách thức thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
Cho rằng lạm phát tác động rất lớn đến hoạt động đầu tư công, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm quản lý, điều hành, theo dõi chặt chẽ diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, tiếp tục có các giải pháp hiệu quả để triển khai quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Cùng với thúc đẩy đầu tư công, ý kiến của nhiều đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Đại biểu Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) cho rằng, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 và việc triển khai một số chính sách của Nghị quyết 43/2022/QH15 còn chậm, nhất là nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng. Điều này làm giảm hiệu quả ý nghĩa của chương trình, ảnh hưởng đến mục tiêu hỗ trợ 2% cho tăng trưởng GDP năm 2022 như chương trình đã đặt ra. Cùng với đó là áp lực về lạm phát có nguy cơ tăng cao, tác động lớn đến sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội và đời sống của nhân dân.
Do vậy, để đảm bảo phục hồi và phát triển kinh tế ổn định, an sinh xã hội và đời sống nhân dân, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhóm người dân có thu nhập thấp, đại biểu Nguyễn Thành Trung cho rằng, bên cạnh việc đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 một cách có hiệu quả, Chính phủ cần thực hiện một số giải pháp để thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đa dạng hóa thị trường, nhất là thị trường nguyên vật liệu ưu tiên việc phát triển sử dụng nguồn vật liệu trong nước để giảm thiểu tác động bởi xung đột trên thế giới và xung đột trên thế giới và chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời theo dõi sát biến động giá các loại vật liệu xây dựng kịp thời, có giải pháp hỗ trợ các nhà thầu thi công khắc phục các khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng cao. Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều hành, điều tiết bình ổn giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý.
Nghiên cứu mở rộng, nâng cao năng lực hệ thống kho dự trữ xăng dầu để đáp ứng chủ động và dài hạn nhu cầu của nền kinh tế; dự báo sát tình hình để kịp thời điều hành giá một cách hợp lý.
Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Thành Trung, cũng cần thúc đẩy nhanh chuyển đổi số của các cơ quan quản lý khu vực, doanh nghiệp có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân để giảm thiểu chi phí sản xuất kinh doanh cho các thành phần kinh tế.
Một số ý kiến đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo vệ vững chắc thành quả phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã đạt được, bảo đảm duy trì bền vững nền kinh tế mở trong trạng thái bình thường, có những giải pháp và kịch bản để ứng phó tình huống khi có biến chủng mới lây lan nhanh, nguy hiểm hơn của dịch bệnh.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quản lý, điều hành, theo dõi chặt chẽ diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp bình ổn giá phù hợp, dự báo các mặt hàng, nguyên liệu có khả năng thiếu hụt tạm thời và trong dài hạn để có chính sách ứng phó phù hợp. Đồng thời, điều chỉnh linh hoạt kết hợp hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để điều hành cung tiền, lãi suất, điều tiết giá cả.
Bên cạnh đó, cần tập trung triển khai có hiệu quả, kịp thời Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa tiền tệ, hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.