Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sắc đỏ tiếp tục áp đảo trên bảng giá 31 mặt hàng đang giao dịch, khiến cho chỉ số MXV-Index giảm mạnh hơn 2% về mức 2.890,85 điểm. Trong đó, nông sản là nhóm có mức giảm lớn nhất.
Mặc dù vậy, giá trị giao dịch của riêng nhóm nông sản lại tăng vượt trội hơn 50% so với phiên đầu tuần, nâng tổng giá trị của toàn Sở trong ngày hôm qua lên mức gần 4.800 tỷ đồng. Dự đoán trước được diễn biến nhờ nắm bắt kịp thời thông tin về đàm phán Nga-Ukraine giúp cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước đón đầu xu hướng, là yếu tố chính giúp dòng tiền chảy mạnh vào nhóm này.
Các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên Sở Chicago tiếp tục giảm mạnh
Lúa mì một lần nữa là mặt hàng có mức biến động mạnh nhất trong nhóm, nhờ kỳ vọng rất lớn của thị trường vào cuộc đàm phán giữa Nga-Ukraine, khi 2 bên nối lại việc đàm phàn trực tiếp tại Thổ Nhĩ Kỳ. Một số dấu hiệu tín cực vào triển vọng sớm đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa 2 nước, thậm chí đã khiến giá lúa mì giảm kịch sàn ngay trong cuối phiên sáng và đầu phiên tối.
Mặc dù vậy, vẫn chưa có một thỏa thuận cụ thể nào được thống nhất sau cuộc gặp gỡ trên, và phái đoàn Nga đã rời Istanbul mà không đưa ra tín hiệu cho cuộc gặp gỡ chính thức giữa 2 Tổng thống trong tương lai, khiến cho giá hầu hết các loại hàng hóa đều bật tăng mạnh trở lại trong nửa cuối phiên. Đóng cửa, giá lúa mì Chicago kỳ hạn tháng 5 vẫn giảm 4% về mức 1.014,25 cents/giạ, và tổng cộng mặt hàng hàng này đã giảm đến hơn 8% từ đầu tuần đến nay.
Kịch bản tương tự cũng diễn ra đối với ngô, khi nguồn cung ngô từ Ukraine có khả năng trở lại thị trường nếu hòa bình được tái thiết. Giá ngô kỳ hạn tháng 5 cũng đã giảm kịch sàn trong đầu phiên Mỹ, và phục hồi trở lại vào cuối phiên để thu hẹp mức giảm về gần 3%.
Đối với tổ hợp đậu tương, khô đậu là mặt hàng chính chịu sức ép bán lớn trong phiên hôm qua, và giảm đến 2,7% khi đóng cửa, do lực bán kỹ thuật khi giá khô đậu rơi khỏi vùng đi ngang 475-490 USD suốt từ đầu tháng 3 đến nay.
Mặc dù giá dầu cọ tăng 0,7% và vượt lên trên mức kháng cự tâm lý 6.000 Ringgit/tấn, tuy nhiên mức giảm của dầu thô nói riêng và toàn nhóm nông sản nói chung khiến giá dầu đậu tương cũng giảm hơn 1% khi kết thúc phiên.
Trên thị trường nội địa, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi biến động mạnh đã tác động đến thị trường thịt gia súc trong nước. Sáng nay, giá heo hơi được khảo sát ở miền bắc và miền trung đi ngang so với hôm qua, nhưng giá heo hơi ở miền nam tăng 1.000 đồng/kg.
Giá dầu thô giảm hai phiên liên tiếp
Dầu thô tiếp tục suy yếu trong ngày hôm qua, với giá dầu WTI giảm 1,62% xuống 104,24 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giảm 1,63% xuống 107,71 USD/thùng.
Số ca mắc Covid-19 tại Thượng Hải tiếp tục tăng khi chính quyền đẩy mạnh xét nghiệm trên diện rộng. Theo ước tính của công ty nghiên cứu ANZ Research, Thượng Hải chiếm khoảng 4% nhu cầu tiêu thụ dầu và đóng góp gần 4% vào tổng sản phẩm nội địa GDP của Trung Quốc. Vì vậy, nếu các lệnh phong tỏa kéo dài hơn thời hạn 9 ngày, áp lực về tăng trưởng kinh tế cũng như tiêu thụ giảm nhất định sẽ kéo giá dầu đi xuống.
Trong thời gian đó, Nga vẫn sẽ phải chịu sức ép cấm vận từ Mỹ. Theo dữ liệu từ Bloomberg, trong tuần 17-23/3, khối lượng xuất khẩu dầu của Nga đã giảm 26% so với tuần trước đó, xuống 3,63 triệu thùng/ngày.
Sáng hôm nay, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ cho biết tồn kho dầu thô tại Mỹ giảm 3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 25/03 và thông báo của Kazakhstan cho biết sản lượng dầu thô có thể giảm 320.000 thùng/ngày cho đến cuối tháng 4 đang là thông tin hỗ trợ giá phục hồi.